Quy định vẫn còn cứng nhắc
Theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên), các quy định về chứng chỉ trong thăng hạng, nâng ngạch đang là “cơ hội” để tiêu cực phát sinh. Đại biểu cho rằng, không phải vị trí việc làm nào cũng nặng về bằng cấp, chứng chỉ. Cần đặt trong bối cảnh, đặc thù kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng miền để có quy định phù hợp.
Cho rằng, quy định về chứng chỉ trong nâng ngạch, thăng hạng đang bị áp đặt một cách máy móc, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền trăn trở, quy định này khiến đội ngũ công chức, viên chức có những tâm tư, ức chế không đáng có. “Thực tế có những người thực hiện hành vi tiêu cực, gian lận để có được chứng chỉ cho đủ theo yêu cầu, trong đó gồm cả đội ngũ giáo viên” - đại biểu Hiền phân trần.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, dự kiến sẽ thay việc thi viết để cấp chứng chỉ Ngoại ngữ bằng việc kiểm tra thi trên máy tính. Trước thông tin này, đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) đề nghị Bộ trưởng nêu rõ hơn các giải pháp tổ chức thực hiện để cán bộ, công chức “vừa tránh được vỏ dưa, vừa tránh được vỏ dừa”, mà thực sự nâng cao chất lượng đội ngũ.
Đại biểu Đinh Duy Vượt đặt vấn đề: Ngay các đại biểu Quốc hội cũng sử dụng thành thạo máy tính nhưng có cần có chứng chỉ tin học không? Về chứng chỉ ngoại ngữ, chỉ nên quy định vị trí việc làm cụ thể, chức danh cụ thể, không thể buộc cán bộ công chức nào cũng phải có.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) cho biết, ông rất quan tâm đến vấn đề văn bằng, chứng chỉ. Theo đại biểu, thời gian qua cử tri phản ánh có tiêu cực trong thi cử và các quy định về chứng chỉ còn hình thức. Cử tri cũng bức xúc: Yêu cầu công chức, viên chức phải có nhiều văn bằng, chứng chỉ là không cần thiết và vô hình trung làm nảy sinh việc “mua, bán” chứng chỉ mà báo chí đã phản ánh trong thời gian qua.
Vấn đề chứng chỉ gây phiền hà trong việc thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức. Ảnh minh họa/ INT |
Từng bước bỏ thi, xét nâng ngạch
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận, vấn đề chứng chỉ gây phiền hà trong việc thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức. Bộ trưởng còn “điểm danh” 7 loại văn bằng, chứng chỉ cần có đối với cán bộ, viên chức để thực hiện quy trình bổ nhiệm cán bộ. Cụ thể: Bằng đại học; lý luận chính trị; quản lý Nhà nước; chứng chỉ bồi dưỡng chức danh; chứng chỉ tin học; chứng chỉ ngoại ngữ; chứng chỉ quốc phòng.
Người đứng đầu ngành Nội vụ cho hay, thời gian tới Bộ Nội vụ sẽ sửa đổi quy định để lược bỏ bớt các thủ tục rườm rà. Theo Bộ trưởng, có nhiều cách để kiểm tra khác nhau khi tuyển dụng đầu vào đối với viên chức. Chẳng hạn như có thể thi viết hoặc thi trên máy trình độ tin học và ngoại ngữ, không nhất thiết phải nộp chứng chỉ kèm theo trong hồ sơ.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trao đổi thêm, chúng ta sẽ thành lập hệ thống kiểm định chất lượng đầu vào thống nhất trong phạm vi cả nước, hoặc theo khu vực. Ví dụ sẽ kiểm tra về kiến thức chuyên môn, hay kiểm tra trình độ ngoại ngữ, tin học. Việc kiểm định này sẽ được thực hiện trên máy tính. Theo đó, người đã nhận được chứng nhận đạt chất lượng đầu vào, khi về địa phương chỉ cần phỏng vấn để phù hợp với vị trí việc làm và không thực hiện quy trình tuyển dụng hai lần. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, đây sẽ là cách sắp xếp quy trình thủ tục, phương pháp làm, thành lập một trung tâm để kiểm định chung cho cả khu vực hoặc trung tâm kiểm định theo lĩnh vực cho từng ngành nghề.
Về nội dung thăng hạng, bổ nhiệm cán bộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay: Các loại văn bằng chứng chỉ khi thực hiện quy trình này sẽ yêu cầu theo từng vị trí việc làm cụ thể và sẽ không cào bằng như hiện nay.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, hiện Bộ đã phê duyệt về vị trí việc làm với công chức trong các cơ quan hành chính. Còn với hệ thống viên chức thì theo Nghị định 161, Chính phủ phân cấp cho bộ, ngành địa phương phê duyệt đề án vị trí việc làm với từng nơi. Cùng với đó, sẽ kết hợp với chính sách trả lương theo chế độ tiền lương mới để sắp xếp vị trí việc làm.
Trước đây, việc miêu tả khung năng lực vị trí việc làm không rõ, không có vị trí tương đương, nên lần này sẽ xây dựng đề án vị trí việc làm chia làm 4 nhóm. Nhóm một là người có chức danh lãnh đạo, quản lý. Nhóm 2 là chuyên môn nghiệp vụ. Nhóm 3 là chuyên môn nghiệp vụ dùng chung. Cuối cùng là nhóm phục vụ. Việc xây dựng lại theo các nhóm này để khi xây dựng thang bảng lương sẽ gọn hơn và sẽ trả lương theo vị trí việc làm. Thực hiện việc này, đồng nghĩa với việc từng bước bỏ thi, xét nâng ngạch.