Yên Bái: Trái ngọt từ đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục

GD&TĐ - Ngày 31/8, tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án “Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học giai đoạn 2016-2020” và tổng kết năm học 2019-2020, triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021.

Ông Đỗ Đức Duy trao tặng Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT cho các tập thể có thành tích xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua "Đổi mới sáng tạo trong dạy và học" năm học 2019-2020. Ảnh: Việt Hà
Ông Đỗ Đức Duy trao tặng Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT cho các tập thể có thành tích xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua "Đổi mới sáng tạo trong dạy và học" năm học 2019-2020. Ảnh: Việt Hà

Dự hội nghị có ông Đỗ Đức Duy- Chủ tịch UBND tỉnh, bà Hoàng Thị Thanh Bình- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Vương Văn Bằng- Giám đốc Sở GD&ĐT cùng lãnh đạo các Sở, ngành, chính quyền các huyện, thị và cán bộ quản lý các Phòng GD&ĐT trong tỉnh.

Hiệu quả từ sự đầu tư mạnh mẽ cho sự nghiệp giáo dục ở tỉnh miền núi

Báo cáo tại hội nghị, ông Vương Văn Bằng nhấn mạnh: Công tác GD&ĐT hằng năm được cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm và đã dành nhiều nguồn lực đầu tư để phát triển sự nghiệp giáo dục; Thể hiện rõ nhất là trong 5 năm qua, với mục tiêu: đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển để sự nghiệp giáo dục Yên Bái có sự phát triển bền vững,tỉnh đã đầu tư và hoàn thành thực hiện Đề án “Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020” với tổng mức đầu tư trên 735 tỷ đồng.

Đã có 967 phòng học được xây mới, 444 phòng ở cho học sinh, 48 phòng ở công vụ, 93 bếp ăn, 146 nhà vệ sinh, 63 nhà tắm, 61 công trình nước sạch được xây dựng, mua sắm và trang bị cho các nhà trường hơn 3.430 giường tầng cho học sinh bán trú, nội trú… Về mạng lưới, Đề án đã giảm được 130 trường, 478 điểm trường điểm trường; giảm 90 lớp, tăng 20.482 học sinh, tăng 10.043 học sinh bán trú so với trước khi thực hiện Đề án.

Theo Giám đốc Sở Vương Văn Bằng, Đề án đã cơ bản giải quyết khó khăn về phòng học và các công trình thiết yếu phục vụ nhu cầu của học sinh bán trú; Mạng lưới trường, lớp, học sinh được tập trung học tập, sinh hoạt tại điểm trường chính, thuận lợi cho công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các điều kiện dạy và học được đầu tư tập trung, hiệu quả sử dụng cao hơn… Đề án đã góp phần quan trọng hoàn thành và nâng cao các điều kiện PCGD-XMC của tỉnh cũng như sự quan tâm đến giáo dục của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh được nâng lên.

ÔngVương Văn Bằng trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Đổi mới sáng tạo trong dạy và học" năm học 2019-2020. Ảnh: Việt Hà
ÔngVương Văn Bằng trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Đổi mới sáng tạo trong dạy và học" năm học 2019-2020. Ảnh: Việt Hà 

Trong năm học 2019-2020, tỉnh Yên Bái đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để triển khai chương trình GDPT 2018. Công tác thi, kiểm tra, được đánh giá theo hướng đảm bảo thực chất và hiệu quả, thực hiện đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học, các kỳ thi chọn học sinh giỏi, thi tuyển sinh được tổ chức an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.

Chất lượng mũi nhọn được nâng cao, kỳ thi chọn HSG quốc gia lớp 12 THPT năm học 2019-2020 tăng về số lượng và chất lượng giải, toàn tỉnh có 27 học sinh đoạt giải (tăng 3 giải so với năm trước); Trong đó 1 giải nhất (môn Địa Lý), 4 giải nhì, 11 giải ba, 11 giải khuyến khích. So với năm học trước,. Chất lượng các giải qua các năm đều tăng; Năm 2020 có 1 giải nhất, 4 giải nhì so với năm 2016 chỉ có 1 giải nhì.

Ngành giáo dục tỉnh cũng đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, trong dạy học và kiểm tra đánh giá. Triển khai hiệu quả việc dạy học qua internet, dạy học trực tuyến đặc biệt trong thời gian giãn cách, cách ly xã hội do dịch bệnh Covid-19 kho bài giảng với 1.861 video hướng dẫn cho trẻ mầm non, bài giảng trên truyền hình, đã hoàn thiện xây dựng được cơ sở dữ liệu đầy đủ thông tin của gần 465 cơ sở giáo dục và dạy nghề trong toàn tỉnh, 13.637 giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục và gần 220.578 hồ sơ học sinh, sinh viên)…

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Đức Duy đã tổng kết những kết quả quan trọng của Đề án đã đạt được, thông qua đó góp phần quan trọng nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Với các mục tiêu bao trùm: chất lượng, hiệu quả, đảm bảo công bằng trong giáo dục, Đề án Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp của tỉnh đã đáp ứng đúng tinh thần của Nghị quyết số 29 của BCHT.Ư Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Ông Đỗ Đức Duy trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân. Ảnh: Việt Hà
Ông Đỗ Đức Duy trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân. Ảnh: Việt Hà

Khẳng định năm học 2019-2020 là năm học gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ông Đỗ Đức Duy đã đánh giá cao sự nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý toàn ngành đã tâm huyết, khắc phục khó khăn hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ năm học.

Giao nhiệm vụ cho ngành Giáo dục trong năm học mới 2020-2021 và giai đoạn 2020-2025, ông Đỗ Đức Duy yêu cầu toàn ngành tiếp tục đổi mới phát triển sự nghiệp GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29 của BCHT.Ư Đảng Khóa XI; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa mới về GD&ĐT và phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành.

Tiếp tục rà soát sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học, các chương trình Đề án GD&ĐT đảm bảo kế thừa những kết quả đã đạt được của Đề án trong giai đoạn 2019-2020; Thực hiện hiệu quả Đề án triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh; tổ chức biên soạn, thẩm định và phê duyệt chương trình, nội dung, tài liệu giáo dục địa phương để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2, lớp 6.

Triển khai bộ tiêu chí “trường học hạnh phúc” đối với các trường mầm non, phổ thông thực hiện thí điểm; khuyến khích các trường phổ thông triển khai thực hiện một số tiêu chí của trường học hạnh phúc phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Phát động phong trào “Thầy cô đã thay đổi, hướng tới trường học hạnh phúc” trong ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái.

Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc; Tổ chức dạy văn hóa, văn nghệ, thể thao dân tộc thiểu số vào trong chương trình học ngoại khóa các trường PTDTNT, PTDTBT để bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số và phục vụ cho phát triển du lịch.

Tăng cường hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; Chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học, các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường.

Ông Đỗ Đức Duy trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện Đề án “Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020”. Ảnh: Việt Hà
Ông Đỗ Đức Duy trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện Đề án “Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020”. Ảnh: Việt Hà

Nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục cho trẻ vùng dân tộc thiểu số; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”; Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Sắp xếp, bố trí, sử dụng đội ngũ, đảm bảo đủ giáo viên dạy học 2 buổi/ngày đối với lớp 1 và giáo dục tiểu học theo quy định…

Tiếp tục khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu toàn ngành về giáo dục, kết nối liên thông dữ liệu với phần mềm cơ sở dữ liệu ngành và cơ sở dữ liệu đô thị thông minh tỉnh Yên Bái. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra, đánh giá và quản lý giáo dục, quản trị nhà trường; tiếp tục triển khai dạy học trực tuyến trên các phần mềm, nhằm chủ động công tác dạy và học, phù hợp với điều kiện phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Trong khuôn khổ hội nghị, tỉnh Yên Bái đã trao Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT cho các tập thể có thành tích xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua, trao bằng khen của Bộ GD&ĐT cho các cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "đổi mới sáng tạo trong dạy và học" năm học 2019-2020.

UBND tỉnh Yên Bái tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm học và trong thực hiện Đề án “Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học giai đoạn 2016-2020”, trong Đề án dạy Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ