Ý tưởng làm pin mặt trời ở dải phân cách đường giao thông

GD&TĐ - Thay vì trồng cây xanh ở dải phân cách trên đường giao thông, tác giả Đồng Thị Hạnh Linh (TPHCM) đề xuất làm hệ thống tấm pin mặt trời phát điện.

Ý tưởng làm pin mặt trời ở dải phân cách đường giao thông

Thay thế cây xanh

ThS Đồng Thị Hạnh Linh chia sẻ, hiện trên các dải phân cách chủ yếu được sử dụng để trồng cây tạo cảnh quan, bóng mát, giảm nhiệt độ. Tuy nhiên việc trồng cây bóng mát trên dải phân cách ở giữa đường có nhiều nhược điểm như rễ cây ăn sâu vào nền đường, quá trình phát triển sẽ phình to phá vỡ kết cấu nền đường và rễ cây cũng có thể ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật như ống cấp nước, cáp điện.

Mùa mưa bão, cây có thể gãy, đổ gây mất an toàn giao thông. Những tuyến đường mới xây dựng thì phải có thời gian khoảng 10 năm sau khi trồng cây, cây mới có tán rộng để tạo bóng mát...

ThS Linh đề xuất thay vì trồng cây xanh thì sẽ lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời để phát điện. Nếu các dải phân cách ở TPHCM được lắp đặt pin mặt trời trên quy mô lớn thì sẽ giảm được chi phí truyền tải điện và giảm nhiệt độ vì một lượng ánh sáng đã biến thành điện năng.

Theo quan sát, các vị trí dải phân cách có chiều rộng từ 1m đến khoảng 5m và chiều dài trên 50m, sẽ được lắp đặt giàn pin mặt trời thay cho việc trồng cây bóng mát. Đầu tiên là xây dựng các trụ đỡ trên dải phân cách ở giữa đường có độ cao phù hợp. Lắp đặt khung giàn phía trên trụ đỡ. Lắp đặt pin mặt trời vào khung giàn. Đấu nối các phụ kiện khác và hòa điện với mạng điện quốc gia.

Mô-đun pin loại nhỏ chiều rộng dải phân 1m, chiều ngang của mô-đun pin là 2m+1m+2m =5m, diện tích của mô-đun pin là 50m×5m = 250m2. Loại lớn chiều rộng dải phân 5m, chiều ngang của mô-đun pin là 2m+5m+2m =9m, diện tích của mô-đun pin là 50m×9m= 450m2.

Giả thiết tuyến đường có một dải phân cách ở giữa rộng 5m và hai dải phân cách ở hai bên rộng 1m thì với chiều dài 50 sẽ lắp đặt được 950m2 pin (450m2+2×259m2), tương đương 19.000m2 pin trên 1km.

“Tính sơ bộ 1 km đường có kích thước như trên sẽ có thể cho một lượng điện là: (19.000m2×50%) × 100W/1m2 = 950.000W. Như vậy thì 1 km đường cho ra lượng điện khoảng 1.000KW”, ThS Linh tính toán.

Phù hợp với các tỉnh phía Nam

Theo tác giả, phạm vi ứng dụng trong khu vực đô thị của các tỉnh phía Nam có điều kiện khí hậu phù hợp với công nghệ điện mặt trời và có các tuyến đường có dải phân cách lớn trên 1m. Pin mặt trời không phải là công nghệ mới, song tính mới ở chỗ tận dụng dải phân cách ở giữa đường nơi không phù hợp cho trồng cây bóng mát để lắp đặt pin mặt trời phát điện.

Theo tác giả, đây là công nghệ truyền thống nên không cần phải đào tạo công nhân hoặc chế tạo vật liệu, thiết bị mới để phù hợp với ý tưởng

Khi được triển khai, hệ thống sẽ giúp giảm giá thành trong việc đầu tư năng lượng điện mặt trời, bảo vệ nền, mặt đường và hệ thống hạ tầng kỹ thuật dưới đường bị phá hỏng do rễ cây phình to trong quá trình phát triển của cây. Giảm nhiệt độ trong đô thị do đã biến một lượng ánh sáng thành điện năng.

“Hiện nay trong khu vực đô thị của các tỉnh phía Nam đang xây dựng nhiều tuyến đường mới. Nếu được áp dụng ý tưởng này thì đất nước sẽ có sản lượng điện lớn hơn và chi phí đầu tư giảm, khí thải nhà kính giảm từ đó chi phí bảo vệ môi trường cũng giảm theo”, ThS Linh kỳ vọng.

Pin mặt trời hiện nay được lắp đặt rộng rãi tại Việt Nam như các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận... Tại TPHCM cũng được người dân lắp đặt nhưng ở quy mô hộ gia đình là chính mà chưa có các khu vực lắp đặt pin mặt trời có công suất lớn. Ý tưởng này của ThS Đồng Thị Hạnh Linh nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia.

Song điều TS Hoàng Dương Hùng, Đại học Bách khoa Hà Nội lo ngại là chi phí đầu tư sẽ phải tính toán thế nào, đầu ra cho điện sản xuất, chi phí vận hành, bảo dưỡng, chống trộm cắp… cần phải được cân đối. Về lâu dài, đây có thể là giải pháp tối ưu để phát triển năng lượng sạch, giải được bài toán về mặt bằng khi lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.