Nghề dệt từng đứng trước “bờ vực”
Chúng tôi về thăm nhà chị Y Hlạng, nghệ nhân tiêu biểu gìn giữ nghề dệt thổ cẩm ở làng Pu Tá (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) vào một chiều nắng chói chang. Bên khung dệt, chị Hlạng hướng dẫn bé gái trong làng cách tạo ra một họa tiết, hoa văn trên vải đẹp và bắt mắt.
Thấy có người đến nhà, chị Hlạng tạm nghỉ tay, rót nước mát mời khách. Người phụ nữ với thân hình nhỏ thó trầm ngâm kể: Xưa kia, phụ nữ ở làng đều phải biết dệt thổ cẩm và truyền lại cho con cháu. Mỗi cô gái khi lớn lên đều được mẹ chỉ cho dệt thổ cẩm, ủ rượu cần… Chính vì vậy, từ nhỏ mình đã quen với tiếng kẽo cà kẽo kẹt của khung dệt.
Lớn lên, chị Hlạng vẫn duy trì dệt thổ cẩm và truyền lại cho các con của mình. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, thế hệ trẻ trong làng dần rời xa quê để đến các thành phố lớn.
Những bộ quần áo thổ cẩm cũng bị quên lãng, thay vào đó là đủ các “mốt” trang phục. Từ đó, nghề dệt ở làng Pu Tá cũng đứng trước “bờ vực”. Lo sợ nghề dệt bị mai một nên năm 2005, chị Hlạng đi khắp làng để kêu gọi, động viên chị em học nghề dệt nhằm lưu giữ văn hóa dân tộc.
“Trước khi mất, mẹ đã để lại một tấm vải thổ cẩm với họa tiết hoa văn cổ. Trải qua bao nhiêu năm mình luôn giữ tấm vải ấy bên mình để nhớ về mẹ và một thời dệt thổ cẩm “lên ngôi”.
Khi mới cầm tấm vải trên tay, mình đã yêu thích và muốn duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm này. Sau đó, có dịp mình được tham quan ở các tỉnh phía Bắc. Tại đây, mình thấy người dân duy trì nghề dệt và phát triển rất mạnh.
Nhiều đêm thao thức mình thấy tiếc nuối cho thổ cẩm ở làng. Chính vì vậy, mình muốn kêu gọi những cháu nhỏ, phụ nữ trong làng gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của ông bà”, chị Hlạng tâm sự.
Nghĩ là làm, chị Hlạng về làng và bắt đầu đến từng nhà vận động các cháu gái, phụ nữ duy trì nghề dệt thổ cẩm. Nhưng công tác vận động gặp nhiều khó khăn.
Trong làng chỉ lác đác người nghe theo bởi họ chưa nhìn thấy được giá trị và nét đẹp truyền thống ở những tấm vải thổ cẩm. Ngày qua ngày, chị Hlạng vẫn rong ruổi đến gõ cửa từng nhà để thay đổi tư tưởng của người dân.
“Khi đó, người dân nghĩ dệt một tấm vải thổ cẩm tốn nhiều thời gian và công sức. Còn quần áo bán sẵn thì các sạp hàng đã về thẳng làng, chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ là có thể mua được.
Tuy nhiên, mình không đồng tình nên quyết định dệt một tấm vải thật đẹp để bà con thấy được giá trị văn hóa của dân tộc. Không những vậy, những tấm vải dệt bằng tay có độ bền và người dân có thể thỏa sức sáng tạo họa tiết theo ý thích của mình”, chị Hlạng chia sẻ.
Ban đầu chỉ đếm trên đầu ngón tay những người nghe theo và tìm đến chị Hlạng để học hỏi nghề dệt thổ cẩm. Nhưng trải qua một thời gian, nhiều người tìm đến nhà chị để học dệt làm một tấm vải, chiếc khăn… Khi tay nghề của người dân trong làng “cứng cáp” chị Hlạng chia sẻ những vị khách mua vải thổ cẩm để họ duy trì thu nhập.
“Đợt Đại hội đại biểu phụ nữ cấp xã nhiệm kỳ 2016 – 2021, mình bán được hơn 70 bộ đồ thổ cẩm cho người dân các xã lân cận. Sau đó, nhiều người tìm đến mình để đặt hàng nên mình vui lắm.
Chị em trong làng chia đều số tiền kiếm được. Ai nấy đều vui vẻ và hăng say hơn với cái nghề truyền thống này. Qua đó, chứng minh được rằng, những tấm vải thổ cẩm có một giá trị khác biệt, độc đáo mà không có một sản phẩm nào có thể so sánh được”, chị Hlạng rạng ngời khoe.
Y Nhon nhớ khung dệt lắm!
Trước đây, chị Y Nhon cùng gia đình thường xuyên ra chợ mua quần áo về mặc. Tuy nhiên, do công việc nhà nông, tất bật với nương rẫy nên quần áo chỉ được một thời gian là sờn cũ. Năm 2015, Y Nhon được chị Hlạng động viên tham gia học dệt thổ cẩm. Thế rồi, chị Y Nhon và một số phụ nữ trong làng cũng đến để tìm hiểu.
“Ban đầu, mình không biết gì về dệt nên tay chân còn lóng ngóng lắm. Khi đụng vào khung dệt mình không biết phải thao tác như thế nào. Nhưng trải qua một thời gian được chị Hlạng hướng dẫn, mình đã biết dệt những họa tiết, hoa văn đơn giản.
Càng học mình càng thích và đam mê sáng tạo ra những họa tiết mới lạ. Những ngày không lên nương rẫy mình tranh thủ dệt vải bán cũng kiếm được ít đồng trang trải cuộc sống. Hôm nào bận mình thấy nhớ khung dệt lắm”, chị Y Nhon nói.
Không chỉ riêng Y Nhon, nhiều phụ nữ trong làng cũng tìm đến chị Hlạng học nghề dệt. Trải qua một thời gian tưởng chừng bị mai một, đến nay những tấm vải thổ cẩm của làng Pu Tá có “tiếng” khắp gần xa.
Ngoài duy trì nghề dệt thổ cẩm, chị Hlạng còn là một tấm gương tiên phong trồng sâm ở xã Măng Ri. Bên cạnh đó, gia đình chị là hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với những đóng góp của mình, chị vinh dự được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng 2 bằng khen.
Không những vậy, các cấp chính quyền ở Kon Tum cũng trao tặng bằng khen, giấy khen cho chị do có công trong việc duy trì, phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc.