Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè từ ngày 1.5 - 16.8 trên Biển Đông, trong đó có khu vực quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cảnh sát biển và Bộ Nông nghiệp - Nông thôn của Trung Quốc còn ngang nhiên đe dọa tiến hành chiến dịch “trấn áp” tất cả tàu vi phạm.
Độc chiếm ngư trường
Thông qua lệnh cấm đánh bắt, Trung Quốc đang cố ý sử dụng sai hoặc lạm dụng hệ thống và nguyên tắc pháp lý để đạt được mục đích chính trị, độc chiếm ngư trường ở Biển Đông, theo nhận định của giới chuyên gia.
Trả lời Thanh Niên, đại tá hải quân Mỹ Christopher Howard Sharman, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hoover thuộc Đại học Stanford, nhận định: “Bắc Kinh đang áp dụng luật pháp trong nước để thực thi quy định hạn chế đối với hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc lẫn nước ngoài. Đây là hành động phi pháp nguy hiểm và khiêu khích”. Ông Sharman đánh giá Trung Quốc áp đặt luật riêng đối với chuẩn mực chung về hàng hải quốc tế là nhằm thể hiện mức độ kiểm soát hành chính của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông, mở rộng sức ảnh hưởng, thách thức luật pháp quốc tế, vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) và đe dọa quyền đánh bắt của ngư dân các nước láng giềng. “Chính quyền Trung Quốc muốn chứng tỏ tất cả thực thể bị nước này chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông đều đang nằm trong sự quản lý, kiểm soát nội bộ và không có tranh chấp”, theo ông Sharman.
Cũng trả lời Thanh Niên, chuyên gia Lucio III Pitlo thuộc Tổ chức Asia Pacific Pathways to Progress Foundation (Philippines) nói: “Lệnh cấm đánh bắt cùng với động thái thành lập 2 đơn vị hành chính cấp quận - huyện bất hợp pháp để kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa gần đây là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thể hiện với dư luận trong nước này rằng Trung Quốc vẫn mạnh mẽ bất chấp đại dịch Covid-19”. Chuyên gia này nhấn mạnh hành động của Trung Quốc cũng nhằm gây cản trở hoạt động đánh bắt và thăm dò dầu khí của các nước láng giềng.
Kể từ đầu năm 2020, tàu hải cảnh Trung Quốc liên tục có hành động quấy rối tàu cá của các nước láng giềng, ngang ngược đâm chìm tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, dọa dẫm và ngăn chặn láng giềng thăm dò, khai thác tài nguyên ngoài khơi. “Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam là hành động mới nhất trong chuỗi hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” phi pháp nuốt trọn gần cả Biển Đông”, ông Sharman lưu ý.
Trong khi đó, chuyên gia Sumathy Permal, Giám đốc Trung tâm vì Eo biển Malacca thuộc Viện Nghiên cứu hàng hải Malaysia, đánh giá với Thanh Niên rằng việc Trung Quốc điều lực lượng tàu chấp pháp xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của nước khác gần đây giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành cho thấy Bắc Kinh vẫn giữ cách hành xử “bắt nạt” láng giềng, bất kể tiến trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đang diễn ra.
Chỉ là ngụy biện
Với đội tàu cá có hơn 4 triệu thuyền viên thuộc hàng lớn nhất thế giới, Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm đánh bắt là nhằm thúc đẩy phát triển thủy sản bền vững và cải thiện hệ sinh thái ở Biển Đông. Hôm 4.5, Chủ tịch Liên minh Nghề cá quốc gia Philippines Fernando Hicap lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh bắt đơn phương của Trung Quốc và vạch rõ: “Trung Quốc không có quyền lấy cớ bảo tồn thủy sản để ban bố lệnh cấm đánh bắt tại các vùng biển mà họ không có chủ quyền hợp pháp”.
Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) cũng chỉ ra rằng các tàu Trung Quốc gây hủy hoại sinh vật biển với hoạt động khai thác sò tai tượng quy mô lớn và nạo vét để xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, phá hủy hơn 161 km2 rạn san hô ở nhiều khu vực trên Biển Đông.
“Thay vì dọa dẫm tàu cá nước ngoài, Bắc Kinh trước mắt nên tìm cách quản lý chính ngư dân của mình vốn tham gia hoạt động đánh bắt không bền vững nhắm vào những sinh vật biển đang có nguy cơ bị đe dọa và cần được bảo vệ như sò tai tượng. Các quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nên bàn về hoạt động đánh bắt cá, sau đó yêu cầu Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán”, theo chuyên gia Pitlo.
Ngày 8.5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông. Sau đó, Bộ NN-PTNT khẳng định lệnh cấm của Trung Quốc không có giá trị đối với vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bộ NN-PTNT đề nghị chính quyền các địa phương động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam và hướng dẫn ngư dân tổ chức thành đoàn, đội khi đi sản xuất để hỗ trợ nhau trên biển.
Mỹ thể hiện chiều sâu năng lực ở Biển Đông
Hôm qua, Hãng ảnh vệ tinh ImageSat Intl. (Israel) công bố hình ảnh chụp Đá Chữ Thập ngày 9.5 cho thấy sự xuất hiện của máy bay cảnh báo sớm KJ-500, KJ-200, cùng một trực thăng Z-8 của Trung Quốc tại bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp trái phép. Các máy bay đậu bên ngoài nhà chứa được cho là có mục đích thể hiện tính sẵn sàng trong bối cảnh lực lượng Mỹ đang hiện diện tại khu vực.
Cùng ngày, hải quân Mỹ thông báo tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords thực hiện hoạt động hiện diện ở phía nam Biển Đông vào ngày 12.5, gần tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella do Công ty dầu khí Petronas (Malaysia) vận hành. Trước đó, tàu tác chiến cận bờ USS Montgomery cùng tàu tiếp tế USNS Cesar Chavez có hoạt động tương tự vào ngày 7.5. Trong thông cáo, Chỉ huy Hạm đội 7 Bill Merz tái khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động vào bất cứ lúc nào và tại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép ở Biển Đông. Ông Merz tuyên bố: “Mỹ ủng hộ nỗ lực của các đồng minh và đối tác về việc theo đuổi lợi ích kinh tế hợp pháp”.
Gần đây, Mỹ liên tục có các hoạt động quân sự tại Biển Đông nhằm phản ứng “yêu sách biển phi pháp” và “hành động cưỡng ép” của Trung Quốc. Các máy bay ném bom B-1B Lancer của Mỹ hoạt động hai lần tại Biển Đông vào các ngày 29.4 và 8.5. Trong 2 ngày 28 - 29.4, hai tàu chiến Mỹ thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chuẩn đô đốc Fred Kacher, Chỉ huy Nhóm tác chiến viễn chinh số 7, nói rằng hoạt động của tàu chiến cho thấy chiều sâu năng lực của hải quân Mỹ trong khu vực và là tín hiệu của sự ủng hộ của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở.