Cả 6 người cùng xin giảm nhẹ hình phạt gồm Lê Đình Công (SN 1964), Lê Đình Chức (SN 1980, em bị cáo Công), Lê Đình Doanh (SN 1988, con bị cáo Công), Bùi Viết Hiểu (SN 1943), Nguyễn Quốc Tiến (SN 1980), Bùi Thị Nối (SN 1958).
Án sơ thẩm trước đó đã tuyên Công, Chức tử hình; Doanh tù chung thân; Hiểu 16 năm tù; Tiến 13 năm tù cùng về tội “Giết người” và Nối 6 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Qua xét xử, cấp phúc thẩm khẳng định các cơ quan tố tụng đã làm đúng trình tự, thủ tục; các bị cáo cũng không khiếu nại nên hành vi và quyết định của người/cơ quan tiến hành tố tụng là đúng. Tại tòa, các bị cáo cũng thừa nhận hành vi phạm tội của mình, việc này phù hợp lời khai tại cơ quan điều tra, của người làm chứng…
Cấp phúc thẩm cho rằng đủ cơ sở kết luận, từ năm 2013, ông Lê Đình Kình (đã mất, bố các bị cáo Công, Chức) đã cùng Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu… thành lập Tổ đồng thuận nhằm hô hào giữ đất Đồng Sênh ở Đồng Tâm dù đây là đất quốc phòng.
Nhóm này trong nhiều năm đã nhiều lần chống đối cơ quan chức năng, đe dọa người dân và thậm chí còn bắt giữ trái phép công an, cán bộ... Công, Hiểu, Tuyển nhiều lần livestream, đăng clip kêu gọi chống đối, đe dọa giết 300 công an… đồng thời mua 10 lựu đạn, chế tạo 85 chai bom xăng…
Rạng sáng 9/1/2020, khi cảnh sát vào thôn Hoành bảo vệ các mục tiêu đã bị Tổ đồng thuận ném bom xăng, lựu đạn, dùng dao tấn công bất chấp việc lực lượng chức năng kêu gọi dừng lại trước khi quá muộn.
Lúc này, các cảnh sát Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy và Dương Đức Hoàng Quân khi tiến trên trần nhà đã bị ngã xuống hố sâu 4m. Thấy vậy, Lê Đình Chức và Lê Đình Doanh đã dùng dao nhọn chọc xuống rồi nhiều lần đổ xăng vào hố, thiêu khiến 3 cảnh sát hi sinh.
Trong vụ, Lê Đình Công bị xác định là người chủ trì các cuộc họp kích động mọi người chống đối; đe dọa giết công an và cùng tham gia việc mua lựu đạn… Bị cáo là người trực tiếp tấn công lực lượng cảnh sát.
Hội đồng xét xử cũng xác định, Bùi Viết Hiểu là người đã chứng kiến việc giao đất, biết rõ đây là đất quốc phòng nhưng vẫn thường xuyên tụ tập, lăng mạ cán bộ, ghi hình đe dọa cán bộ và bàn bạc việc mua lựu đạn. Vào sáng 9/1/2020, bị cáo này đã trực tiếp ném 2 bom xăng.
Bị cáo Lê Đình Chức tiếp nhận chủ trương tấn công lực lượng công an rồi ném gạch, bom xăng vào cảnh sát và sau đó dùng dao chọc, đổ xăng thiêu 3 chiến sĩ ở dưới hố, gây ra cái chết của các anh. Bị cáo Lê Đình Doanh cũng tham gia họp bàn, là người trực tiếp mua vũ khí và ném 3 – 4 quả bom xăng cùng nhiều gạch đá về cảnh sát. Theo chỉ đạo của Chức, Doanh còn dùng xăng thiêu 3 cảnh sát.
Bị cáo Nguyễn Quốc Tiến là người góp tiền mua lựu đạn, chế tạo bom xăng… Sáng 9/1/2020, Tiến bắn 3 quả pháo báo hiệu tấn công và sau đó ném gạch, bom vào cảnh sát…
Hội đồng xét xử cho rằng, các bị cáo đã họp bàn, chuẩn bị kỹ lưỡng công cụ phạm tội và quyết tâm thực hiện hành vi tàn ác, gây ra cái chết vô cùng thương tâm. Nhóm này cũng sử dụng vũ khí có tính sát thương cao, có khả năng gây chết nhiều người… nên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo về tội giết người với các tình tiết kịch khung theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự là đúng.
Xét vai trò, tính chất, mức độ hành vi của các bị cáo và hậu quả vụ án, cấp phúc thẩm nhận thấy mức án cấp sơ thẩm tuyên là đúng, tương xứng nên không có căn cứ giảm nhẹ hoặc chấp nhận đề nghị trả hồ sơ điều tra lại của các luật sư.
Với Bùi Thị Nối, tòa phúc thẩm xác định bị cáo chịu sự lôi kéo, được người khác hứa chia đất Đồng Sênh lại có nhận thức kém nên đã vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng trật tự địa phương.
Tòa sơ thẩm đã xác định bị cáo Nối là nông dân chất phác, nhận thức pháp luật hạn chế… nên được chuyển tội danh từ giết người sang chống người thi hành công vụ và xử 6 năm tù là có căn cứ; không thể giảm nhẹ thêm.
Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử quyết định bác kháng cáo của cả 6 người, giữ nguyên các quyết định trong án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội.