Đó là ông lão Trương Minh Quang, 68 tuổi, sống tại quận 11, TPHCM. Hàng ngày, ông vẫn đi xe buýt bưng rổ bánh thửng đi bán ở góc đường Nguyễn Tri Phương – 3/2 hơn 10 năm nay.
Được biết, từ năm 9 tuổi, ông bị bệnh đậu mùa khiến cả hai mắt bị nổi ban đen. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ không có tiền để đưa ông đến bệnh viện. Biến chứng của bệnh làm ông bị mù cả hai mắt.
Ông lão mù hiện đang sống trong căn nhà trọ nhỏ, khá ẩm thấp với bờ tường được gia cố bằng những mái tôn cũ kĩ. Căn nhà nằm trên đường Minh Phụng. Ông sống với người bạn đời của mình là bà Nguyễn Thị Kiu (68 tuổi).
Dù đã ở cái tuổi lục tuần, tay chân đã yếu, nhưng hàng ngày, ông vẫn cùng vợ nấu bánh thửng để đem đi bán. Mỗi rổ bánh thường 50-60 cái, mỗi ngày ông cũng kiếm được khoảng 80.000-100.000 đồng. Nhưng có nhiều hôm trời mưa, tiền bán bánh chỉ đủ tiền xe về nhà.
"Có bữa bán chạy, bữa ế nhất là những hôm mưa to, Khi ấy cả nhà phải ăn bánh bù cơm. Trung bình mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 100 ngàn tiền lời", ông cho hay.
Bà Kiu chỉ quanh quẩn ở nhà vì bị bệnh tim và tiểu đường nên không thể làm việc nặng được. Mọi chi tiêu của hai vợ chồng đều đè lên vai ông lão. Được bao nhiều tiền, hai vợ chồng dồn phần lớn tiền bạc vào thuốc men.
Ông lão tâm sự mình vẫn chưa quen lắm với các tờ tiền mới nên bán nhiều khi chỉ biết tin vào lòng tốt và sự thật thà của khách hàng. "Cũng rất nhiều lần họ không trả tiền bánh, làm tôi cứ ngồi chờ họ hoài đến tối luôn", ông cụ chia sẻ.
|
Ông lão mù luôn quan niệm, dù trời không cho ông đôi mắt nhưng ông luôn cố gắng mưu sinh bằng chính sức lực của mình. Ảnh: Trí thức trẻ. |
Bánh thửng là một loại bánh ngọt của người miền Trung và thường nhầm với bánh bông lan. Bánh thửng còn được gọi là bánh phát tài phát lộc, thường được sử dụng như món ăn truyền thống trong dịp xuân về.
Dù mưa dù nắng, hàng ngày, ông lão vẫn chăm chỉ miệt mài với rổ bánh, cùng ước mong kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống bên người vợ bệnh tim. Ông lão luôn quan niệm, dù trời không cho ông đôi mắt nhưng ông luôn cố gắng mưu sinh bằng chính sức lực của mình.
"Ngày nào còn sống thì ngày ấy tôi còn chăm chỉ làm việc, chỉ mong sao trời thương cho sức khỏe tốt là vui rồi", ông lão chia sẻ.
Nghe tiếng rao yếu ớt của ông lão hòa lẫn với dòng xe xuôi ngược trong buổi chiều chập choạng tối khiến nhiều người không khỏi nao lòng.