(GD&TĐ) - Chỉ cách trung tâm huyện hơn 10 km nhưng do địa hình chia cắt, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn nên xã Mông Ân của huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) đến năm 2010 mới một vài thôn bản có điện.
Trước kia, nhìn nơi khác có điện, người dân Mông Ân chỉ biết tự an ủi chứ chẳng bao giờ mong có điện về. Thôi thì chịu sống trong bóng tối, như ngàn đời tổ tiên vậy. Nhưng tết này, “cái điện” đã về đến trung tâm xã, bà con sẽ được đón tết một cái tết thật đầm ấm, ý nghĩa.
Tết này đối với người Mông và người Tày ở xã Mông Ân vui nhất là đã có điện. Hiện ở trung tâm xã, nhiều gia đình đã được xem tivi, được xem những gì đối với họ vốn quá xa xôi. Điện ở đây có thể nói quý như vàng. Ai lên mảnh đất này mới thấu hiểu cuộc sống của những con người nơi đây, 70% là dân tộc Mông, 30% dân tộc Tày. Những năm trước, người dân các bản sống trong cảnh tăm tối. Bà con chưa từng nghe và biết điện là gì. Vậy là sự khát khao cháy bỏng của người dân đã trở thành hiện thực.
Thầy cô giáo tranh thủ có điện soạn bài trên máy vi tính |
Để điện về với Mông Ân, trước đó công cuộc đưa điện tới các xã vùng cao được UBND huyện Bảo Lâm rất trú trọng triển khai, được sự quan tâm của Chính phủ năm 2010 điện lưới quốc gia mới được kéo về đến trung tâm xã Mông Ân, nhưng “ điện mới về” đến một số thôn, bản. Đặc biệt, tết Tân Mão bà con nhân dân Mông Ân vui mừng là được sự quan tâm của các cấp, các ngành đặc biệt là Ban quản lý dự án Ứng dụng điện mặt trời - Ủy ban Dân Tộc đã đưa thêm nguồn điện năng lượng mặt trời về Mông Ân phục vụ cho trụ sở UBND xã, trạm y tế, tủ bảo quản vaccine, nhà trường, trạm thu phát tín hiệu truyền hình qua vệ tinh. Chị Lò Thị Tươi cán bộ trung tâm y tế xã bộc bạch: “ Từ nay chúng em không phải thức từ 3 giờ sáng để đi ra trung tâm y tế huyện lấy Vaccine mỗi khi đến đợt tiêm phòng dịch cho bàn con nhân dân. Tối lại có điện để sử dụng, sinh hoạt thật là tiện lợi, chiếc tivi trạm được trang bị vài năm bỏ xó nay đã phát huy được tác dụng”. Hiệu trưởng trường THCS Mông Ân, La Văn Toàn vui mừng cho biết, nhờ có hệ điện năng lượng mặt trời các thầy cô giáo có xem ti vi trực tiếp ở các giờ nghỉ lao, giáo viên sử dụng máy vi tính trong công tác giảng dạy, trời nóng các em có thể sử dụng quạt.
Tết Tân Mão này núi rừng sẽ bừng sáng ở Mông Ân, điện sẽ làm thay đổi cuộc sống con người, để họ vươn lên thoát nghèo, tự tin bước vào cuộc sống rộng lớn không hề xa lạ. Chiếc cối giã gạo, xay ngô này đã gắn bó bao đời với gia đình anh Chương Văn Tiến bản Nà Làng, sẽ đựơc cất đi bởi nó đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Từ hôm có điện về anh Tiến có thể mang thóc ra ngay đầu bản để xay xát, xã Mông Ân hiện nay mới có hai bản Lũng Vài, Nà Bon có điện vẫn còn nhiều bản điện lưới chưa thể đến được như bản Phia Mản, Phiêng Mụng A, Phiêng Mụng B…hi vọng trong thời gian tới sẽ có. Mặc dù, điện chưa thể đến tất cả các thôn, bản trong xã nhưng với hai dòng điện là điện lưới quốc gia và điện dự án năng lượng mặt trời đã góp phần không nhỏ nâng cao đời sống vật chât, tinh thần cho đồng bào các dân tộc nơi đây. Mong ước bao đời của nhân dân Mông Ân là có nguồn điện thắp sáng, điện sinh hoạt và phục vụ sản xuất thì nay đã được thoả ước ao. Những vật dụng như ti vi, đầu chảo, nồi cơm điện, ổ phích cắm và ngay cả máy xay tuy xa lạ nhưng đã được bà con dân bản đầu tư mua sắm và học cách sử dụng.
Giúp việc bảo quản vaccine, chăm sóc sức khỏe bà con nhân dân tốt hơn |
Chủ tịch xã Mông Ân Nông Trọng Hòa phấn khởi nói: “ Là một xã đặc biệt khó khăn nằm trong Chương trình 135 giai đoạn II, những năm qua xã được sự đầu tư quan tâm của Nhà nước rất nhiều nên đời sống kinh tế bà con ngày một nâng cao. Đường điện lưới quốc gia vào đây cuối nguồn nên rất yếu, mới đến được một số bản. Được sự quan tâm của Chính phủ, UBDT dự án điện mặt trời đã về với xã. Năm nay, chúng tôi trực tết cùng bà con nhân dân được đón đón xuân mới trong ánh điện, được xem đài, tivi…hai hệ điện góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của xã trong thời gian tới”.
Tết Tân Mão, người dân Mông Ân rất phấn khởi vì trong một năm lao động sản xuất đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, càng phấn khởi hơn khi các cháu học sinh được học tập đầy đủ ánh sáng, trạm y tế luôn có điện để phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, có điện để xát thóc, làm đường, phục vụ sản xuất đúng như chủ trương của Đảng đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm để miền núi tiến kịp với miền xuôi. Ý nghĩa tốt đẹp ấy sẽ góp phần thúc đẩy phong trào xoá đói giảm nghèo của thôn bản, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân góp phần xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp.
Hoàng Quang-A Dương