Những hành vi phát tán tin giả, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước... cần phải được xử lý nghiêm.
Hành vi lệch lạc trên mạng “ảo” nhưng tác động lớn
Không gian mạng xã hội như một quốc gia “xuyên biên giới” với lượng tin tức khổng lồ và khả năng kết nối mọi người vượt những rào cản địa lý. Nhưng cũng từ đây, xuất hiện nhiều hơn những tin đồn thất thiệt, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá chế độ.
Theo một khảo sát của chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chỉ ra rằng, hiện tượng tin giả, các phát ngôn thù ghét, nói xấu, phỉ báng, vu khống, bịa đặt, kỳ thị dân tộc, tôn giáo, kỳ thị giới tính, các hành vi gây hấn, tấn công trên mạng,… đang trở nên đáng báo động.
Thực tế cho thấy, những hành vi lệch lạc này có thể làm khủng hoảng đời sống của cá nhân, tổ chức, gây nặng nề và trầm cảm xã hội, thậm chí những “cơn bão mạng” có thể “khai tử” doanh nghiệp, có cá nhân đã lựa chọn cái chết làm lối thoát.
Và cũng từ không gian mạng, hoạt động truyền thông được các thế lực thù địch tận dụng triệt để, tạo nên sự hỗn loạn, nhiễu loạn thông tin trong xã hội với mưu toan làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta dao động về tư tưởng, mất phương hướng về chính trị để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Lao Động, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) cho hay hiện nay, công dân của chúng ta sử dụng mạng internet và mạng xã hội là khá lớn. Theo thống kê, có hàng chục triệu tài khoản sử dụng mạng xã hội.
Bên cạnh những thuận tiện trong việc chia sẻ, kết nối thông tin thì cũng có những đối tượng lợi dụng mạng thông tin xã hội để bình luận, kích động và đưa tin sai sự thật, thậm chí nói xấu, xuyên tạc, chống phá chế độ… Hiện tượng này có tác động tới người dùng mạng xã hội và ảnh hưởng rất lớn về chủ trương đường lối, chính sách, uy tín lãnh đạo…
Phải xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa
Ông Nguyễn Ngọc Phương cho rằng: Các cơ quan hữu quan cần căn cứ vào Luật An ninh mạng và các luật liên quan để xử lý những hành vi vi phạm.
Với những hành vi đăng tải, phát tán tin giả, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước trên Internet, mạng xã hội… thì bộ phận giám sát và cơ quan chức năng cần phải làm rõ tính chất, mức độ vi phạm để có xử lý nghiêm, răn đe, phòng ngừa người khác. Với việc đăng tải, lan truyền thông tin cơ quan chức năng cũng cần phải xác định đâu là nguồn đăng, đâu là những người chia sẻ, hành vi nào là cố ý, hành vi nào là vô ý để có biện pháp xử lý cho phù hợp.
Đồng thời, những nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ cũng cần phải có bộ lọc để rà soát được những thông tin độc hại, tin giả…
Cùng trao đổi việc này, theo ThS.LS Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay: Luật An ninh mạng là một văn bản quan trọng quy định các nội dung, việc làm được phép thực hiện trên mạng internet, mạng viễn thông, mạng xã hội và những hành vi bị ngăn cấm.
Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Bởi vậy khi người dân sử dụng mạng xã hội cần phải hiểu biết pháp luật, tìm hiểu các quy định về những nội dung, Việt Nam được phép và không được phép trên mạng xã hội. Người nào cố ý hoặc vô ý thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể.
Theo ThS, Luật sư Đặng Văn Cường, Điều 8 của Luật An ninh mạng "nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc".
Các hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cũng bị nghiêm cấm.