Chuyển đổi số là xu thế tất yếu nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) Việt Nam đang rất lúng túng khi muốn chuyển đổi số. Để giải bài toán này và giúp doanh nghiệp dần dịch chuyển sang nền kinh tế số một cách hiệu quả và bền vững, các tổ chức-hội đoàn cần hỗ trợ doanh nghiệp thành viên trang bị những kiến thức nền tảng về chuyển đổi số và từng bước nắm bắt cơ hội phát triển với nền kinh tế số.
Buổi giao lưu - tọa đàm nhằm giúp các tổ chức - hội đoàn có các thông tin và mối quan hệ thiết thực để giúp hội viên của mình thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả.
Theo ông Phí Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn CNTT PAT (một trong 2 diễn giả của buổi tọa đàm), xu hướng chuyển đổi số là tất yếu mà chúng ta phải tuân theo, không thể "ngược dòng". Bởi việc chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều lợi ích mang tính sống còn cho DN trong thời đại 4.0.
Vấn đề còn lại nên xem xét là chúng ta chuyển đổi như thế nào, giải pháp nào mang lại hiệu quả tốt nhất? Và trong việc chuyển đổi số hóa của DN, thì tư duy-nhận thức của chủ DN, của người lãnh đạo là quan trọng nhất.
Ông Tuấn cho rằng, doanh nghiệp phải hiểu tại sao phải chuyển đổi và chuyển đổi mang lại lợi ích gì. Lấy ví dụ một DN hàng không đã chuyển đổi từ việc hành khách phải tới đại lý mua vé, rồi phải nhớ in/mang theo vé và các giấy tờ tùy thân đầy bóp khi làm thủ tục check-in lên máy bay, thì hiện nay chỉ cần mã vé điện tử qua email, mở trên điện thoại là được, không sợ quên, không sợ trễ chuyến vì phải quay về nhà lấy.
Đây là một ví dụ cụ thể trong việc chuyển đổi một phần nhỏ dịch vụ của doanh nghiệp qua số hóa, và giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian - chi phí cho không chỉ khách hàng mà cả DN khi áp dụng vào việc quản lý sản phẩm, dịch vụ hay doanh nghiệp của mình.
Từ kinh nghiệm làm việc tại FPT, ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc Phát triển Kinh doanh Công ty Cổ phần Hệ thống Thông tin FPT, cho biết FPT đã chuyển đổi số chính mình trước tiên bằng việc gia tăng số hóa sản phẩm-dịch vụ của FPT, môi trường làm việc và trải nghiệm nhân viên, rồi kết hợp với các đối tác để cung cấp dịch vụ số hóa cho khách hàng của FPT.
Theo ông Sơn, có sự khác biệt giữa tin học hóa và chuyển đổi số của DN. Một team làm việc cho dự án chuyển đổi số tốt nhất nên gồm 3 thành viên: 1. leader process (người dẫn dắt, nắm rõ hay sáng tạo về quy trình sản xuất - làm việc); 2. change management (người quản trị sự thay đổi của DN); 3. IT management.
Để bắt đầu chuyển đổi số, ông Sơn khuyên các DN vừa và nhỏ nên lựa chọn một mảng nhỏ của DN và "chạy" dự án chuyển đổi số này trong thời gian ngắn khoảng 6 tháng trước. Khi đó, sẽ nhìn thấy sự thay đổi và kết quả tích cực sẽ giúp DN có thêm niềm tin, động lực, phấn khích để thực hiện chuyển đổi số ở cấp độ lớn hơn và dài hơi hơn.
Tham dự buổi tọa đàm, bà Sunny Lan - CEO & Founder của công ty Truyền thông số SUNNY DIGITAL, chia sẻ: Từng tư vấn cho khá nhiều DN vừa và nhỏ chuyển đổi quy trình bán hàng, Marketing và chăm sóc khách hàng thành các hoạt động thực hiện bằng máy tính hoặc điện thoại, toàn bộ quy trình diễn ra tự động trên online. Việc này giúp giảm bớt thời gian và tiết kiệm nhân lực mà lại gia tăng hiệu quả hơn cho DN. Nhiều DN hiện nay đã chú trọng nhiều đến trải nghiệm khách hàng bằng số hóa, thậm chí theo thời gian thực và trong lĩnh vực Digital Marketing áp dụng khá nhiều và nhanh hơn các lĩnh vực khác.