Xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học đối với GV - sẽ sớm có quy định cụ thể

GD&TĐ - Thủ tướng gửi thư khuyến khích học tập suốt đời; lấy ý kiến GV để "lọc sạn" sớm cho SGK lớp 2 và lớp 6; Xoá bỏ chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ đối với GV ,… là những thông tin giáo dục thu hút quan tâm tuần qua.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan trao Bằng khen cho các đơn vị thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: qdnd.vn)
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan trao Bằng khen cho các đơn vị thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: qdnd.vn)

Vinh danh các mô hình học tập và khuyến khích “học tập suốt đời”

Sáng 1/12, tại Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2016-2020, Hội Khuyến học Việt Nam đã vinh danh, trao bằng khen tới 294 đại biểu.

Có thể nói, 294 đại diện điển hình của 4 mô hình học tập tiêu biểu giai đoạn 2016 - 2020 tiêu biểu trong phong trào thi đua học tập suốt đời theo Quyết định 281/QĐ-TTg được vinh danh tại Đại hội những bông hoa đa sắc màu trong vườn hoa khuyến học, khuyến tài được dâng lên Bác Hồ kính yêu nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh và 50 năm toàn dân thực hiện di chúc của Người.

Phát biểu tại Đại hội, GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: "Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, sáng tạo, Đại hội biểu dương các Mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc đã hoàn thành chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Tại đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước có bài phát biểu quan trọng ghi nhận và biểu dương những cố gắng và thành tích của những gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập tiêu biểu toàn quốc và của hệ thống Hội Khuyến học các cấp.

Đồng thời giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, đặc biệt tổ chức Đảng và Đảng viên cần tiếp tục quan tâm phát triển phong trào thi đua, đẩy mạnh sự học của toàn xã hội trong thời gian tới nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bằng tri thức, bằng trí tuệ trên nền tảng khoa học công nghệ phát triển.

Cùng ngày (1/12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi Hội Khuyến học Việt Nam, các tấm gương điển hình, tiêu biểu nhân Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2016 -2020, với nội dung động viên, khuyến khích học tập suốt đời.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Giáo viên góp ý về sách giáo khoa lớp 2 và 6 mới

Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT tổ chức ba đợt lấy ý kiến góp ý từ giáo viên về bản mẫu sách giáo khoa lớp 2 và 6.

Đợt góp ý đầu tiên, mỗi Sở GD&ĐT chọn cử 10 giáo viên có kinh nghiệm ở mỗi môn học để nghiên cứu, góp ý các bản mẫu sách giáo khoa qua website của nhà xuất bản. Địa chỉ website, tài khoản và mẫu phiếu góp ý được Bộ gửi tới email các Sở để cung cấp cho giáo viên. Các ý kiến đợt một gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 10/12.

Đợt thứ hai, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức cho giáo viên dạy lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022 góp ý. Các trường đưa việc tìm hiểu nội dung bản mẫu sách giáo khoa vào sinh hoạt tổ chuyên môn để nghiên cứu, góp ý và chuẩn bị việc đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, bắt đầu từ ngày 25/12.

Đợt thứ ba, Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố thông báo cho giáo viên, cán bộ quản lý tìm hiểu, góp ý bản mẫu đã được nhà xuất bản hoàn thiện, đưa lên website trước khi in và phát hành.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên

Tại buổi tiếp xúc cử tri tại thị xã An Nhơn (Bình Định) sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14, mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thông tin về lộ trình bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết đã làm việc với Bộ Nội vụ để thống nhất việc xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học đối với giáo viên, dự kiến tháng 12/2020 sẽ ban hành quy định cụ thể về vấn đề này.

“Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên. Thực tế, trong quá trình đào tạo các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là chưa thiết thực.”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận định.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 2/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, việc loại bỏ yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với giáo viên nằm trong kế hoạch rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GD&ĐT.

Cụ thể, đây là thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non và phổ thông. Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT đã tiến hành sửa đổi thông tư này.

Hiện thông tư đã được thẩm định, theo kế hoạch, sẽ được Bộ GD&ĐT ban hành trong tháng 12/2020. Sau khi ban hành 45 ngày, theo quy định, thông tư sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2021.

Sau khi bỏ yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với giáo viên, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành một chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nhằm giúp giáo viên cập nhật các kiến thức cơ bản. Đồng thời, sẽ đưa toàn bộ chương trình đào tạo ngoại ngữ, tin học vào chương trình đào tạo và chương trình bồi dưỡng giáo viên.

Cũng về vấn đề này, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 và Nghị định số 138 ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức đã quy định cụ thể việc miễn thi ngoại ngữ, tin học đối với từng trường hợp.

Đối với từng vị trí việc làm, vị trí nào cần thiết cần phải có tin học, ngoại ngữ cũng đã được quy định rất cụ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ