Xét xử 32 bị cáo trốn thuế trong vụ 'buôn lậu 200 triệu lít xăng'

GD&TĐ - Ngày 20/3, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với 32 bị cáo về tội trốn thuế trong đại án 920G buôn lậu 200 triệu lít xăng.

Các bị cáo bị xét xử về tội trốn thuế. (Ảnh: P.M)
Các bị cáo bị xét xử về tội trốn thuế. (Ảnh: P.M)

Các bị cáo cầm đầu cùng ngụ TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) gồm; Mai Thị Dần (57 tuổi), Nguyễn Đức Chuyên (62 tuổi, chồng Mai Thị Dần), Nguyễn Đức Dần (37 tuổi, cháu của Nguyễn Đức Chuyên).

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đồng Nai, ngày 8/2/2021 Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả; in phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; nhận hối lộ, xảy ra tại Đồng Nai và các tỉnh, thành khác.

Trong quá trình điều tra cơ quan công an xác định bị cáo Nguyễn Thăng Long ngoài liên quan đến tội buôn lậu đã bị xét xử ra thì còn phạm tội tiêu thụ nguồn xăng, dầu không có hoá đơn do bà Mai Thị Dần, Giám đốc Công ty TNHH Hà Lộc (TP Vũng Tàu) cung cấp.

Qua quá trình điều tra cơ quan điều tra xác định, bà Dần cùng với chồng là ông Chuyên góp vốn thành lập Công ty Hà Lộc với ngành nghề kinh doanh là mua bán xăng, vận tải xăng, vận tải xăng, dầu đường biển và đường bộ,...

Vào năm 2018, Đức Dần biết được việc một số đối tượng đang bán xăng, dầu không rõ nguồn gốc và không có hóa đơn chứng từ, với giá rẻ hơn. Với ý định kiếm lời từ việc mua vào và bán lại cho khách hàng, Đức Dần đã đề xuất ý tưởng này cho Mai Thị Dần và Chuyên.

Sau khi nhận được sự đồng ý từ Mai Thị Dần, Chuyên, Đức Dần đã thành lập Công ty Đầu tư thương mại dịch vụ vận tải Hà Anh, gọi tắt là Công ty Hà Anh. Mục đích của công ty này là tách tàu biển ra khỏi Công ty Hà Lộc để hoạt động độc lập. Để thuận tiện cho hoạt động kinh doanh, các bị cáo đã thuê các bị cáo khác thay phiên nhau làm giám đốc.

Đối với việc mua bán và vận chuyển xăng, dầu, Đức Dần đã được Chuyên và Mai Thị Dần đồng ý sử dụng nhân viên, thuyền trưởng, thuyền viên và tàu biển của Công ty Hà Lộc.

Đức Dần đã điều động tàu ra biển theo hướng phao số 0 (biển Vũng Tàu) thuộc vùng biển Việt Nam để mua xăng, dầu từ các tàu (chưa xác định rõ quốc tịch, số hiệu) và sau đó đem bán ra thị trường Việt Nam.

Trong khoảng thời gian từ ngày 6/7/2020 đến 8/10/2021, Đức Dần đã mua tổng cộng hơn 7,4 triệu lít xăng và hơn 2,1 triệu lít dầu DO mà không có hóa đơn, chứng từ nhập vào kho xăng, dầu của Công ty Hà Lộc.

Hành vi này đã dẫn đến việc các bị cáo trốn thuế tổng số tiền hơn 15,2 tỷ đồng.

Sau khi Công ty Hà Anh nhập xăng, dầu không có hóa đơn, chứng từ, thì được giao cho Lê Thị Thùy Linh (40 tuổi, ngụ TP Vũng Tàu) thực hiện và không ghi chép vào sổ sách kế toán, nhằm mục đích trốn thuế.

Ngoài Linh, các bị cáo khác trong đường dây trốn thuế của bị cáo Mai Thị Dần còn là giám đốc, quản lý, thuyền trưởng, thuyền phó, thủy thủ, máy trưởng, thợ máy... Các bị cáo này đã vận hành hoặc theo tàu để lén lút đi nhận xăng, dầu vào ban đêm tại phao số 0 (biển Vũng Tàu) và đem về nhập kho Công ty Hà Lộc.

Các bị cáo khi làm việc đều biết số xăng, dầu này mua bán không có hóa đơn, chứng từ nhưng vẫn thực hiện các công việc như: cho tàu rời cảng, cập mạn với tàu thuyền khác trên biển, chuyển tải, sang mạn xăng, dầu trái phép... Với số xăng, dầu nhập về, Linh sẽ bán lại cho nhiều đầu mối ở nhiều tỉnh, thành.

Trước đó, từ ngày 25/10 đến 8/12/2022, TAND tỉnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự đối với 74 bị cáo trong chuyên án 920G (giai đoạn 1) về các tội buôn lậu và nhận hối lộ. Trong đó, mức án cao nhất đối với các "ông trùm" là 17 năm tù.

Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 20/3 đến 8/4.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ