Xét tuyển đại học cần chuyển từ 'số lượng' sang 'chất lượng'

GD&TĐ - Bên cạnh việc nghiên cứu, xem xét lại những tác động của xét tuyển sớm, các chuyên gia cho rằng, không nên có quá nhiều phương án xét tuyển...

Sinh viên thực hiện nộp hồ sơ nhập học Trường Đại học Công Thương TPHCM năm 2023. Ảnh minh họa: INT
Sinh viên thực hiện nộp hồ sơ nhập học Trường Đại học Công Thương TPHCM năm 2023. Ảnh minh họa: INT

Theo các chuyên gia, việc không có quá nhiều phương án xét tuyển sẽ tạo thuận lợi cho học sinh; quan trọng là không tác động xấu với giáo dục phổ thông.

Những bất cập

Từ tháng 5/2024, Vũ Hải Đăng - cựu học sinh Trường THPT Trương Định (Hà Nội) được thông báo trúng tuyển đại học bằng phương thức xét tuyển sớm. Thông tin này khiến Hải Đăng thấy thoải mái và không còn lo lắng, áp lực trong học tập.

“Thời điểm đó, mục tiêu duy nhất của em là thi đỗ tốt nghiệp THPT và chờ đợi đến ngày nhập học”, Hải Đăng bộc bạch và thừa nhận đã chủ quan, lơ là trong học tập kể từ khi biết mình trúng tuyển sớm. Nam sinh lo lắng nếu lên đại học có nội dung liên quan đến những bài học ở cuối chương trình lớp 12 sẽ vất vả, vì thời gian này em học khá “lơ mơ”.

Theo cô Hà Thị Thu - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Bá Thước (Thanh Hóa), dù chưa kết thúc học kỳ II nhưng nhiều học sinh đã được một số trường đại học thông báo trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm. Điều này khiến học sinh sao nhãng trong học tập, ảnh hưởng không tốt đến dạy – học và kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Ngoài ra, hiện có đến 20 phương thức xét tuyển đại học, trong đó nhiều phương thức không hiệu quả. Việc này, vô hình trung khiến thí sinh lúng túng và bối rối trong lựa chọn. “Tôi mong sang năm 2025 sẽ khắc phục được những nhược điểm và bất cập nêu trên”, cô Thu bày tỏ.

Theo TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) cho phép các cơ sở đào tạo được tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên, tự chủ vẫn phải nằm trong khuôn khổ của các quy định. Do đó, không để những bất cập từ việc có quá nhiều phương thức xét tuyển sớm làm ảnh hưởng không tốt đến giáo dục phổ thông.

can chuyen tu so luong sang chat luong (2).JPG
Sinh viên Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam. Ảnh: TG

Sớm khắc phục nhược điểm

Khẳng định, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT đủ độ tin cậy để các trường đại học xét tuyển, GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng ĐH Thái Nguyên đề xuất, nên giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ. Bên cạnh đó, thay vì quá nhiều phương thức tuyển sinh như hiện nay, chỉ sử dụng 3 - 5 phương thức là phù hợp. Nhiều phương thức tuyển sinh có thể dẫn đến không công bằng với thí sinh.

Từ năm 2022, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đã thử nghiệm phương án tuyển sinh tổng hợp, bao gồm tất cả tiêu chí. PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, phương án này tạo thuận tiện, công bằng cho thí sinh và hiệu quả trong công tác xét tuyển. Nếu trước đó, số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường là 8.500 thí sinh thì năm nay, tăng lên 17.200 em. Hiệu quả của phương án xét tuyển giúp thu hút nhiều hơn số lượng thí sinh đăng ký vào trường.

Đề xuất xem xét bỏ phương thức tuyển sinh sớm, PGS.TS Trần Thiên Phúc lý giải, thời điểm các trường xét tuyển sớm học sinh chưa hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Ngoài ra, một số cán bộ đã tư vấn thí sinh đặt nguyện vọng trúng tuyển sớm lên đầu khi đăng ký xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống). Tư vấn như vậy là không đúng, dẫn đến thiếu công bằng, làm mất cơ hội của thí sinh.

Năm 2025, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp theo Chương trình GDPT 2018, với các tổ hợp được thay đổi so với chương trình cũ. Vì thế, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT mong muốn, Bộ GD&ĐT sớm cụ thể hóa kế hoạch tuyển sinh năm 2025 để các trường chủ động trong công tác xét tuyển. Ngoài ra, cũng nên loại bỏ phương thức xét tuyển không mang lại hiệu quả trong công tác tuyển sinh.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức cũng gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn. Những nhược điểm của phương thức xét tuyển sớm, sự công bằng, khách quan giữa các phương thức xét tuyển và giữa cơ sở đào tạo chưa hoàn toàn được khắc phục. Dự kiến, Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh Quy chế tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp với Chương trình GDPT 2018; đồng thời khắc phục bất cập xét tuyển sớm, nhiều phương thức và tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng.

Tại Hội nghị giáo dục đại học năm 2024, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, thời gian tới, các cơ sở giáo dục đại học cần tập trung chuyển từ “số lượng” sang “chất lượng”; bởi chỉ có duy trì và nâng cao chất lượng mới tiếp tục thu hút được số lượng.

Nêu một số nhiệm vụ cụ thể, Thứ trưởng đề nghị Vụ Giáo dục Đại học khẩn trương phối hợp để sớm có dự thảo hướng dẫn tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, đảm bảo chất lượng, cũng như công bằng cho thí sinh.

Theo đó, Vụ Giáo dục Đại học cần tiếp tục phối hợp với các trường, hoàn thiện Chuẩn chương trình đào tạo các lĩnh vực, trình độ đào tạo để sớm ban hành. Làm sao để các Chuẩn chương trình đào tạo đưa vào năng lực cốt lõi của người công dân toàn cầu trong tương lai như: Công nghệ số, năng lực tự học, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra, các đơn vị, cơ sở đào tạo cần phối hợp làm tốt công tác truyền thông để xã hội hiểu đúng, rõ về giáo dục đại học, giải quyết tốt những bức xúc của dư luận xã hội. Cần đặt lợi ích người học lên hàng đầu, định hướng ngành nghề, công tác tuyển sinh và tác động trực tiếp, gián tiếp đến việc dạy và học, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông…

Bà Nguyễn Thu Thuỷ cho biết, có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Hệ thống ghi nhận hơn 733.000 em nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Tỷ lệ tuyển sinh đại học chính quy đạt 82,9%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ