Xe dù, bến cóc giăng mắc “úp” khách dịp Tết

(GD&TĐ) - Cứ mỗi dịp gần Tết, xe dù, bến cóc gia tăng đe dọa trật tự an toàn giao thông TP và tính mạng của người dân nội đô.

Xe dù, bến cóc giăng mắc “úp” khách dịp Tết

Những bến xe dù... hợp pháp

Tuyến đường Lê Hồng Phong (nằm ở giữa quận 5 và quận 10) lâu nay được coi là “thủ phủ” của các doanh nghiệp vận tải hành khách, vận tải hàng hóa.

Trong một đoạn đường chưa đầy 500m, đã có đến mấy chục trụ sở, văn phòng của các hãng vận tải gồm: Phương Trang, Thành Bưởi, Quang Hạnh, Tân Hoàng Anh... Lớn có, nhỏ có nhưng nhìn chung là luôn tấp nập xe khách ra, vào hoạt động bất kể ngày đêm.

Kèm theo hình ảnh nườm nượp hành khách lên xuống là hàng trăm chiếc taxi, xe ôm luôn lượn lờ, đỗ dọc hai bên lề đường để sẵn sàng chuyển bánh khi hành khách có nhu cầu. Quang cảnh nơi này lúc nào nhìn cũng chẳng khác nào một bến xe hợp pháp giữa đường phố.

Trong khi đó, khu vực Quận 1 cũng là một trong những điểm nóng của thực trạng xe khách vào nội thành bắt khách. Theo ghi nhận của chúng tôi, riêng ở đường Phạm Ngũ Lão đã có một số hãng chuyên hoạt động. Ở số 317 - 319 có hãng Phương Trang (chạy tuyến Đà Lạt, Nha Trang, Mũi Né), ở số 275G có hãng Ngọc Trang (chạy tuyến Nha Trang, Phan Thiết).

Ngoài ra, còn có hãng Thiên Phú chạy tuyến Vũng Tàu, Long Hải (ở 88 Lê Thị Hồng Gấm), hãng Sinh CAFE (ở số 246 Đề Thám), hãng Hoa Mai (ở số 44 đường Nguyễn Thái Bình),...hoạt động rầm rộ chẳng khác như một bến xe bình thường.

Ngoài ra, còn có hàng chục doanh nghiệp vận tải khác nằm rải rác ở địa bàn các quận như: Hãng Sơn Lâm chạy tuyến Đà Lạt (số 12 Trương Định, quận 3), Hãng Năm Thùy chạy tuyến Buôn Ma Thuột (số 173 Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình), Hãng Trần Hòa chạy tuyến Đại Lộc - Quảng Nam (152 Tân Hương, quận Tân Phú),...

Bên cạnh việc các hãng lớn có điều kiện thuê trụ sở, mặt bằng làm nơi đón, trả khách trong nội thành một cách khá thoải mái thì các doanh nghiệp nhỏ hoặc các cá nhân (chủ sở hữu của một vài xe ôtô) không có đủ điều kiện thì sẽ ra, vào đón khách tại các bãi xe chui khắp TP như khu vực QL22, vòng xoay An Lạc, cầu vượt An Sương, Ngã tư Ga…

Họ thường đón trả khách một cách bạt mạng, bất chấp các quy định. Chỉ cần đưa xe lượn lờ khắp các con đường, thấy người dân có nhu cầu là họ tấp vô, hoặc chờ đội quân xe ôm bắt khách mang tới…

Biết mà khó xử lý!

Theo quy định, TP HCM cho phép một số tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố được giữ xe để thu phí theo qui định. Lợi dụng sơ hở này, nhiều chiếc xe dù liền nghĩ ra cách là giả danh xe chạy theo dạng hợp đồng du lịch (thường là loại 29 chỗ) và vô tư đóng tiền theo quy định để đậu lại dưới lòng đường.

Còn một phương thức khác đó là khi những đối tượng “cò mồi” (hợp tác ăn chia với chủ xe) đã gom đủ số lượng khách tại các địa điểm cố định, những chiếc xe này sẽ được điều đến để đón lượng khách trên.

Một số địa điểm chui có hẳn chỗ để cho xe chạy vào, còn đa phần các địa điểm khác sẽ để xe dừng ở lề đường, sau đó cho khách và đồ đạc lên rồi “cao chạy xa bay”. Quá trình này chỉ được thực hiện trong ít phút, rất khẩn trương và mau lẹ.

Tinh quái hơn nữa còn có các loại xe chạy tuyến cố định. Nhưng lại qua mắt các lực lượng chức năng bằng cách tổ chức làm hợp đồng với khách (một cá nhân bất kỳ cũng có thể làm một hợp đồng dân sự với chủ xe) theo kiểu chạy từ một địa điểm cố định (ở các tỉnh) đến một loạt địa điểm, địa danh trong địa bàn thành phố dưới danh nghĩa là xe hợp đồng chở người dân đi khám, chữa bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hồng Việt - Phó Chánh thanh tra (Sở GTVT TP HCM) - cho biết: Đa phần đối với các trường hợp này, lực lượng chức năng thường rất khó xử lý vì các loại xe này cũng đáp ứng đủ các loại giấy tờ cần thiết theo quy định, có hợp đồng giữa chủ xe và lượng khách trên xe. Vì thế chỉ khi nào bắt được quả tang xe đang dừng hẳn lại đón, trả khách thì mới có đủ điều kiện xử phạt lỗi dừng đỗ sai quy định.

Ngoài ra, trường hợp các xe đậu vào hẳn trong nhà để khách lên, lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông cũng không được phép vào bắt quả tang, chỉ khi xe chạy ra ngoài đường mới có thể yêu cầu kiểm tra.

Tuy nhiên, dù có nhiều người biết rõ những nguy cơ như vừa thống kê nhưng do các lý do như việc đón xe dù rất thuận tiện, người dân ngại di chuyển ra các bến xe chính thức...

Còn theo đại diện Ban Giám đốc Bến xe Miền Đông, ngoài việc xử lý một cách quyết liệt kiểm soát và xử phạt nghiêm đối với những trường hợp vi phạm như: tước giấy phép kinh doanh đối với những doanh nghiệp vận tải hành khách vi phạm có quy mô, hệ thống thì công tác tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật là rất cần thiết.

Trong đó, cần kiến nghị Chính phủ bổ sung một số quy định chặt chẽ trong hoạt động của loại hình phương tiện xe vận tải hành khách trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì mới hy vọng dẹp được nạn xe dù.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ