(GD&TĐ) - Chính thức được Bộ GD- ĐT ký quyết định phê duyệt vào cuối tháng 12-2007, ban đầu Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đăng ký ngành Quy hoạch. Tuy nhiên, song song với chương trình tiên tiến mà Bộ GD - ĐT đang triển khai, ĐH Kiến trúc TP.HCM cũng đang có chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Quy hoạch do EU tài trợ hoàn toàn. Chính vì lẽ đó, trường đã đề xuất Bộ GD- ĐT cho chuyển sang ngành Thiết kế đô thị nhằm tránh sự lãng phí nguồn kinh phí do Bộ tài trợ do hai chương trình cùng trùng với nhau.
Tháng 8-2008, ĐH Kiến trúc TP.HCM mới chính thức triển khai chương trình tiên tiến trên. Trong qúa trình triển khai trường cũng gặp một số khó khăn bước đầu. Lúc đầu, chúng tôi tính hợp tác chương trình tiên tiến với Anh nhưng trong quá trình hợp tác, gặp khó về tài chính và không đáp ứng điều kiện tài chính phía đối tác Anh nên cuối năm trường chuyển hướng sang hợp tác với trường ĐH Leuven của Bỉ. Mục tiêu đào tạo của chương trình tiên tiến ngành Thiết kế đô thị của trường luôn hướng đến 4 tiêu chí.
Đảm bảo được năng lực của người học sau khi họ ra trường, năng lực này không chỉ của địa phương mà còn của quốc tế vì đây là chương trình quốc tế. Sinh viên phải mang giá trị học thuật-tức phải nắm và hiểu mình đang học gì. Thứ ba chính là bối cảnh học tập, mà bối cảnh học tập ở Việt Nam cũng rất quan trọng. Học sinh dù học chương trình quốc tế nhưng khi ra trường phải giải quyết được các vấn đề đô thị của Việt Nam. Cuối cùng là đổi mới giáo dục và phương pháp giảng dạy.
Giờ vẽ tại trường ĐH Kiến trúc TP.HCM |
Hoạt động giáo dục trong các lớp của chương trình tiên tiến tại ĐH Kiến trúc TP.HCM có sự rất khác với các lớp học bình thuờng vì môi trường học tập hết sức chất lượng. Hiện sinh viên 5 lớp đang theo học chương trình tiên tiến của trường ít nhiều đã thể hiện những mặt mạnh của mình trong quá trình học tập và nghiên cứu. Từ những nền tảng cơ bản trên sự chuyển biến là rất rõ nét, vì xuất phát điểm của hai chương trình tiên tiến mà trường đang triển khai ( Một của Bộ GD là ngành thiết kế đô thị. Một của EU tài trợ là ngành Quy hoạch) đều được xây dựng trên tiêu chí của châu Âu. Do đó, chương trình đào tạo, giảng dạy đều theo chuẩn của họ dưới sự đồng bộ cao. Chính vì thế, đội ngũ giáo viên không gặp khó vì phần nhiều giảng viên đã được học tập, tập huấn ở nước ngoài dưới sự tài trợ của EU trong chương trình hợp tác phát triển ngành quy hoạch, dù chương trình tiên tiến dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà nhà trường gặp phải trong quá trình xây dựng và phát triển chương trình tiên tiến chính là quy định về chuẩn mà Bộ xây dựng, đưa ra cho các trường. Đó là giảng viên dạy chương trình tiên tiến vừa phải giỏi tiếng Anh vừa phải có trình độ Tiến sĩ. Trong thực tế với đội ngũ qúa mỏng cho 5 lớp của chương trình tiên tiến, việc trường gặp khó về quy định trên là điều khó tránh khỏi. Bởi có nhiều trường hợp được cái này nhưng lại mất cái kia và ngược lại. Giải pháp cho vấn đề này, trường đã linh động xử lý các vấn đề trên bằng cách: Đối với các chuyên gia hàng đầu mà chưa đủ chuẩn tiếng Anh, mình không tổ chức dạy bằng tiếng Anh mà tổ chức các chuyên đề và mời chuyên gia ấy về thảo luận, tổ chức chuyên đề.
Song song với các buổi chuyên đề, việc dạy các chương trình lõi, nội dung lý thuyết dạy bằng tiếng Anh vẫn được thực hiện. Trong đó, việc quy định mời các chuyên gia, GS đầu ngành của các Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM hợp tác theo quy định của Bộ cũng gây ít nhiều khó khăn bởi trong thực tế, tính hiệu quả của việc mời giảng viên cần được tính đến. Thực tế cho thấy nếu chúng ta cứ áp dụng một cách cứng nhắc quy định mời giảng viên nước ngoài về thỉnh giảng từ trường đối tác theo quy định e rằng chưa thật sự hợp lý, đặc biệt với ngành thiết kế đô thị. Việc trường mời một chuyên gia nước ngoài công tác lâu năm trong lĩnh vực quy hoạch, thiết kế đô thị đang làm việc tại Việt Nam vẫn sẽ tốt hơn việc mời một GS ở Bỉ qua. Bởi khi đấy việc giảng dạy của họ sẽ thiếu đi tính thực tế, thiếu sự hiểu biết về quy hoạch đô thị của Việt Nam, dẫn đến hiệu quả đào tạo không cao.
Ngoài những khó khăn trên thì việc triển khai chương trình tiên tiến của trường vẫn đang hết sức thuận lợi, với hiệu quả đào tạo cao. Chúng tôi chỉ mong sao, Bộ cho phép các trường được “linh động” trong một vài tình huống cụ thể, cũng như sự mềm mỏng hơn trong các quy định, thì chương trình tiên tiến mà chúng ta đang triển khai chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc đào tạo và bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao, đội ngũ cán bộ nhân sự trẻ ở tương lai.
TS Lê Anh Đức
(Phó chủ nhiệm khoa Quy hoạch, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM)
Anh Tú (Ghi)