Xây dựng quy tắc an toàn khi đón học sinh trở lại trường

Xây dựng quy tắc an toàn khi đón học sinh trở lại trường

An toàn trường học là hàng đầu

Việt Nam đang khống chế được dịch bệnh và bắt đầu chuyển đổi sang giai đoạn mới, giai đoạn thích nghi và chung sống an toàn với Covid-19. Khi trường học “mở cửa” trở lại, tất cả cán bộ, giáo viên và HS cần được bảo đảm an toàn cao nhất.

Nhấn mạnh điều này, ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF) gợi ý một số nội dung cơ sở giáo dục nên làm. Theo đó, nhà trường cần kết hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế địa phương để tiến hành vệ sinh, khử độc, trường lớp, khu về sinh và phát hiện sớm những cán bộ, giáo viên và HS có nguy cơ nhiễm dịch.

Mỗi trường xây dựng quy tắc ứng xử riêng để phòng dịch Covid-19 trong môi trường học đường. Quy tắc được phổ biến rộng rãi trong toàn trường và tới cha mẹ HS để cùng thống nhất thực hiện. 

Quy tắc thể hiện dưới dạng một quy trình ngắn gọn, dễ thực hiện, bao gồm những quy định về những hành vi cá nhân và hoạt động nhà trường phù hợp với các khung giờ hoạt động cố định trong trường. Mọi người tới trường phải đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng hoặc xoa nước diệt khuẩn. 

Xúc nước muối hầu họng trước khi tới trường và khi tan trường. Kiểm tra thân nhiệt khi qua cổng trường hay trên ôtô đưa đón. Hạn chế ra khỏi trường lớp đang trong giờ học. Dãn cách khi ngồi học hay khi tiếp xúc, tương tác giữa các thành viên trong trường. Không tổ chức hoạt động sinh hoạt tập thể trong trường. 

Có chế độ giám sát riêng về vệ sinh phòng dịch với đội ngũ nuôi dưỡng, bảo vệ và những người thường xuyên tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau. Thành lập phòng y tế tại trường để phối hợp, xử lý kịp thời cá nhân có biểu hiện nghi nhiễm.

Nhà trường cũng cần xây dựng kế hoạch cho HS trở lại trường theo phương châm tiếp cận “dãn cách từng bước và an toàn”. Ưu tiên HS lớp lớn, HS cuối cấp đi học trước. Học tập trung nhiều nhất 3 buổi một tuần, kết hợp với học trực tuyến. Sĩ số HS mỗi lớp giảm đi ít nhất một nửa. Cần quan sát, lắng nghe thực tế nhà trường và tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ để điều chỉnh kịp thời hoạt động nhà trường dần trở lại trạng thái dạy học bình thường.

Xây dựng nội dung hoạt động giáo dục từ thực tế sống động

Đại dịch Covid-19 tuy nguy hiểm nhưng lại là thời cơ để nhà trường xây dựng được các bài học thực tế sống động, các chuyên đề giáo dục về giá trị sống, kỹ năng sống phong phú cho HS. Bài học đầu tiên, theo ông Đặng Tự Ân, là giáo viên giúp HS vượt qua các khó khăn, rào cản tâm lý bởi ảnh hưởng dịch bệnh; từ đó khởi động, mau chóng lấy lại trạng thái học tập tốt nhất.

HS có thể được thảo luận các chủ đề về virus và dịch bệnh Covid-19: Tác động của nó tới xã hội, kinh tế của mỗi quốc gia, toàn cầu; đại dịch đã thay đổi thế giới ở nhiều mặt; xã hội được kết nối chặt chẽ để chống dịch; xây dựng mạng lưới y tế toàn dân rộng rãi nhằm ứng phó dịch bệnh kịp thời; công nghiệp dược phẩm quan trọng hơn bao giờ hết; an ninh lương thực được đặt lên hàng đầu…

Bên cạnh đó, những quan niệm mới về giá trị sống: “Ở nhà là yêu nước”; “Hãy dãn cách xã hội và liên kết gia đình”; những hành động “Tình dân tộc, nghĩa đồng bào”; tấm gương các y bác sĩ, các chiến sĩ bộ đội, công an trên tuyến đầu chống dịch; những việc làm tự nguyện, đầy lòng trắc ẩn, cảm thông với nghĩa “nhường cơm xẻ áo”; các máy “ATM gạo”, “Siêu thị 0 đồng”… nên được giáo viên tổ chức sưu tầm, lồng ghép vào bài học trong giờ chính khóa một cách phù hợp.

Nhà trường cũng có thể hướng dẫn HS được nói, được viết thu hoạch sâu sắc nhất của bản thân trong những ngày tạm nghỉ học phòng dịch Covid-19. Nội dung thu hoạch có thể là cảm nghĩ về gia đình, xã hội; đặc biệt về tình cảm, đầm ấm trong gia đình, sự quan tâm, sẻ chia cùng cộng đồng cũng như những thay đổi, phát triển và lớn lên của bản thân mỗi HS.

Tổ chức dạy học hậu Covid-19

Về nội dung này, ông Đặng Tự Ân cho rằng, kế hoạch hoạt động chuyên môn và kế hoạch dạy học cần hết sức linh hoạt, phụ thuộc theo từng lớp, từng trường và cấp học. Không thể vì HS nghỉ học quá lâu mà chỉ đạo dạy học duy ý trí, cứng nhắc, gây áp lực lên giáo viên, HS.

Mỗi trường phải tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng chất lượng học tập của HS trong thời gian HS nghỉ học ở nhà. Từ đó, xây dựng kế hoạch dạy học chi tiết cho từng lớp và toàn trường. Tùy mức độ, khả năng học tập của HS, nhà trường tổ chức học bù, phụ đạo hay ôn tập phù hợp nhất với HS ở các mức độ khác nhau. Tuyệt đối không để HS vì nghỉ học mà thiếu hụt kiến thức so với các HS khác trong cùng một lớp, một trường.

Các tổ chuyên môn trong trường được thảo luận để hiểu biết sâu sắc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020 của Bộ GD&ĐT. Trong đó nhấn mạnh tổ chức đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của HS bằng các phương pháp, kĩ thuật, công cụ khác nhau, phù hợp với tình hình thực tế và theo quy định của Bộ. 

Không tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá vào các bài hoặc nội dung, yêu cầu đã được giảm tải; các bài không dạy hoặc đã chuyển thành đọc thêm, tự chọn, tự học. Tổ chức dạy học các môn tự chọn một cách phù hợp. Ưu tiên thời gian tối đa tổ chức dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình quốc gia. Sử dụng thời gian đầu của năm học 2020-2021 để tập trung ôn tập, bổ sung nội dung kiến thức cần thiết cho HS trước khi thực hiện chương trình năm học mới.

“Mục tiêu lớn nhất cho các nhà trường là phát huy tính tự chủ, sáng tạo của cán bộ, giáo viên để sớm đưa hoạt động nhà trường về trạng thái cân bằng, phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19” – ông Đặng Tự Ân nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba

Kiev khẳng định không có Kế hoạch B

GD&TĐ - Ngoại trưởng Ukraine cho biết, Kiev không có kế hoạch B cho cuộc xung đột với Nga nếu Quốc hội Mỹ từ chối phê duyệt thêm viện trợ quân sự cho nước này.
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…