Đổi mới làng quê nông thôn mới
Quyết tâm xây dựng nông thôn mới, từ năm 2016 đến năm 2019, xã Thái Tân đã tập trung đầu các công trình trọng điểm như: Làm đường giao thông, xây dựng bổ sung phòng học cho các trường,... Đến nay, đường giao thông nông thôn ở Thái Tân đều được mở rộng, trường lớp, các thiết chế văn hóa được đầu tư khang trang. Cả 3 trường học đều đạt tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia, trong đó, Trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 là minh chứng rõ nhất cho sự đồng lòng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Tân.
Năm 2019, Thái Tân được công nhận xã nông thôn mới, năm này niềm vui nhân đôi khi xã cũng được công nhận 3 trường mầm non, tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia. Từ thành công này Thái Tân thêm quyết tâm bước tiếp chặng đường xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Trong đó phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển và mở rộng vùng trồng cà rốt, dưa hấu, nhân rộng giống bưởi Tân Thắng kết hợp với việc quảng bá, xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng của xã, đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, du lịch gắn với làng nghề gốm Chu Đậu.
Giáo dục truyền thống thông qua các hoạt động sinh hoạt làng nghề Gốm cổ truyền. |
Là người con của quê hương Thái Tân, anh Nguyễn Hữu Thức - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu chia sẻ: Việc phát triển làng nghề, đặc biệt là làng gốm Chu Đậu, chúng tôi không chỉ khôi phục dòng sản phẩm mang đậm tinh hoa văn hoá Việt từ thế kỷ XI-XII mà còn mong muốn biến nơi đây thành một vùng du lịch làng nghề nổi tiếng, đặc biệt để thương hiệu Gốm “Chu Đậu” ngày càng lan tỏa khắp năm châu.
Doanh nghiệp đồng hành cùng sự phát triển của quê hương địa phương, làng quê giàu đẹp, trường lớp khang trang, Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu đã trở thành bảo tàng của một trong những dòng gốm cổ cao cấp nhất của Việt Nam phát triển rực rỡ vào thế kỷ XIV-XV.
Tạo đà phát triển giáo dục
Chỉ tay vào những công trình được sửa chữa, xây dựng mới khang trang, sạch đẹp, cô Đoàn Thị Thắm - hiệu trưởng Trường mầm non Thái Tân cho biết: Phong trào xây dựng Nông thôn mới là động lực để trường thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ chất lượng.
Tập thể nhà trường luôn nỗ lực trong phong trào giáo dục mầm non của huyện Nam Sách nhiều năm đạt danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc", cờ thi đua của Tỉnh, Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen, UBND tỉnh tặng bằng khen, nhiều giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện đạt kết quả cao.
Nông thôn mới Thái Tân giúp trường học nâng cao chất lượng giáo dục. |
Năm học 2022-2023, Trường mầm non Thái Tân có số học sinh là 460 cháu được chia thành 18 nhóm, lớp, trong đó có 4 nhóm trẻ và 14 lớp mẫu giáo. Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch chiến lược, phương hướng phát triển nhà trường phù hợp với mục tiêu giáo dục mầm non và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo từng giai đoạn và nguồn lực của Nhà trường nhằm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Đảm bảo mục tiêu chiến lược, các giải pháp cơ bản trong quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Xã Thái Tân đạt chuẩn Nông thôn mới đã giúp nhà trường có sự đổi thay lớn về cơ sở vật chất. Những năm gần đây, nhà trường được rất nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh học sinh trong công tác quản lý cũng như thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ và nhận được sự ủng hộ, quan tâm, tin tưởng của phụ huynh học sinh, góp phần thúc đẩy phong trào của nhà trường ngày một phát triển.
Với mô hình xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, thư viện thân thiện của bé, môi trường xanh, nhà trường lồng ghép phương pháp giáo dục kỹ năng vào các hoạt động trong trường mầm non một cách bài bản, chất lượng.
Đến xã Nông thôn mới Thái Tân hôm nay, tận mắt thấy đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, nhà cửa trường học khang trang sạch đẹp, các hoạt động nuôi dưỡng - chăm sóc - giáo dục trẻ đạt chất lượng theo mục tiêu, chương trình giáo dục đề ra.
Nông thôn mới ở Thái Tân đã giúp kinh tế các gia đình ổn định hơn nên hầu hết cha mẹ học sinh đã ý thức và có trách nhiệm đầu tư cho con cái trong việc học. Giáo dục truyền thống trong các nhà trường được đẩy mạnh, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể, cá nhân để tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện theo kế hoạch, phù hợp với truyền thống của địa phương giúp trẻ hiểu hơn về truyền thống văn hóa địa phương mình.