Thiếu nhân lực trình độ cao
Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Đây cũng là một trong những thách thức quan trọng mà cuộc CMCN 4.0 đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành kinh tế thâm dụng đầu vào giá trị kinh tế thấp sang nền kinh tế công nghệ cao. Tuy nhiên, điều đáng bàn và đáng quan tâm là Việt Nam đang quá thiếu nhân lực có trình độ cao.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, đây là điểm yếu Việt Nam cần nhanh chóng khắc phục khi các thỏa ước kinh tế cùng xu hướng dịch chuyển nhân lực chất lượng cao trong khối ASEAN đã chuyển động (Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN). Những hạn chế cố hữu và là điểm trừ của nguồn nhân lực Việt Nam, theo PGS.TS Nhựt, nằm ở 3 khía cạnh: Một là trình độ chuyên môn kỹ thuật, thứ hai là năng suất lao động, thứ ba là kỹ năng nghề nghiệp. Tuy vậy, điều đáng lo ngại, hệ thống giáo dục đại học lại chưa đáp ứng được ba vấn đề trên một cách hiệu quả.
Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam mới nhất cũng cho thấy: Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trong số 12 nước châu Á tham gia xếp hạng. Chỉ số cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam cũng chỉ đạt 3,39/10 điểm, xếp thứ 73/133 quốc gia được xếp hạng…
Thẳng thắn nhìn nhận về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay của Việt Nam, ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: Số lượng công việc cần lao động chất lượng cao ngày càng gia tăng, trong khi thứ hạng chỉ số lao động có chất lượng của Việt Nam còn đứng ở vị trí thấp.
Ảnh minh họa/ INT |
Ví dụ điển hình là ngành Công nghệ thông tin. Ước tính mỗi năm, nhu cầu tuyển dụng vẫn tăng đều đặn gần 50%, trong khi thực tế với 500.000 ứng viên công nghệ thông tin ra trường chỉ có 8% đáp ứng được nhu cầu này. Thực tế này cho thấy, chất lượng nguồn lao động đặc biệt là ngành Kỹ thuật hiện đang trở thành đòi hỏi bức thiết. Còn theo các bản báo cáo của Vietnamworks, có gần 15.000 nhân sự trong ngành Công nghệ thông tin Việt Nam được tuyển dụng trong năm 2016; đến cuối năm 2018, ngành này thiếu hụt khoảng 70.000 người và đến năm 2020 sẽ là 500.000 người…
Giải pháp nào để sớm có nguồn nhân lực cao?
Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% vào năm 2020. Tuy nhiên, dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành này sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Không những vậy, Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.
Do đó, để sớm định hình và có lực lượng lao động chất lượng trình độ quốc tế, theo TS Lê Chi Lan - Trường ĐH Sài Gòn, liên kết đào tạo trình độ đại học là biện pháp khả thi nhất hiện nay để cung cấp được nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng. Trong đó, những chương trình liên kết quốc tế cần được chú trọng thực hành, sử dụng ngoại ngữ, tích hợp kiến thức và kỹ năng của nhiều ngành học. Đặc biệt, các trường ĐH cần chú trọng, cải thiện mối quan hệ hợp tác toàn diện với các cơ quan chính quyền, với doanh nghiệp và với các cơ sở giáo dục trên địa bàn của mình.
Cũng chung quan điểm các trường ĐH phải giữ vai trò chủ đạo trong việc xây dựng và tạo ra nguồn lao động có khả năng cạnh tranh với nhân lực các nước trong khu vực, TS Bùi Văn Danh - Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn cho rằng: Ngoài đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục, thiết kế lại chương trình giảng dạy bậc học phổ thông theo hướng tiếp cận với những gì thế giới đang và sẽ thực hiện, các trường ĐH cần phải xác định rõ thế mạnh nội tại của mình, chuyên tâm vào đào tạo các chương trình thuộc thế mạnh ấy theo hướng thật sự chất lượng, tiệm cận với các chuẩn mực của thế giới thay vì chạy theo việc thực hiện công tác kiểm định chất lượng tràn lan nhưng thiếu thực chất.
Do đó, để tạo được nguồn nhân lực này, TPHCM và các trường ĐH phải ngồi lại, cùng nhau xây dựng một trung tâm cải tiến công nghệ. Bên cạnh việc kiện toàn hệ thống cơ sở vật chất, trung tâm nghiên cứu, TPHCM và các trường cần hình thành một mô hình đại học dựa trên nền tảng công nghệ, giúp chia sẻ những tài liệu, tài nguyên mà TP có thể dễ dàng sử dụng. Từ đó đào tạo nhân lực theo đơn đặt hàng.
Tại hội nghị nhân lực mới đây do TPHCM tổ chức, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TPHCM cũng nhìn nhận, đội ngũ nhân lực chất lượng cao rất quan trọng, nó không chỉ đóng vai trò chủ đạo, nòng cốt trong việc giúp TPHCM nói riêng, cả nước nói chung sớm bước vào tiến trình hội nhập quốc tế, mà còn giúp nguồn nhân lực Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, năng suất lao động với các nước trong khu vực.
Và để làm được việc đó, Bí thư Thành ủy TPHCM tin rằng, nếu mỗi TP hoặc địa phương có một chương trình đồng bộ trong đào tạo, khuyến khích và thu hút trí thức theo hướng tinh lọc, trên các lĩnh vực cụ thể trong một giai đoạn nhất định (5 năm hoặc 10 năm) Việt Nam sẽ sớm có được đội ngũ nhân lực chất lượng.