Xây dựng chương trình đặc biệt cho sinh viên khuyết tật

GD&TĐ - Lăn xe trong sân Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ĐH Thái Nguyên), cậu sinh viên khuyết tật Nguyễn Văn Tuân rạng ngời nói cười với các bạn cùng lớp. Hoàn cảnh gia đình của Tuân rất khó khăn nhưng em đã vượt khó vươn lên, học giỏi, tự tin. Hiện Tuân là Phó Chủ tịch CLB Tin học của trường. Hỏi cảm xúc về quãng thời gian sinh viên, Tuân vui vẻ nói: “Em biết ơn thầy cô và nhà trường! Em cảm thấy vô cùng hạnh phúc!”.

SV Nguyễn Văn Tuân tự tin trong lớp học
SV Nguyễn Văn Tuân tự tin trong lớp học

CNTT - ngành học phù hợp với SV khuyết tật

Nguyễn Văn Tuân và các bạn trẻ không may mắn bị khuyết tật về thể chất đã và đang được các thầy cô, SV trong trường hỗ trợ, tạo một môi trường học tập thân thiện, hòa đồng. Hiện tỷ lệ sinh viên khuyết tật đến học tại Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) là khá cao so với những trường thành viên ĐH Thái Nguyên. Tính từ khóa đào tạo thứ 5 đến nay là khóa 17, Trường ĐH CNTT&TT đã và đang đào tạo 22 SV khuyết tật, trong đó có cả SV khuyết tật của nước bạn Lào. Đa số các SV đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, được nhà trường miễn 100% học phí, hỗ trợ chỗ ở tại KTX.

TS Nguyễn Văn Tảo ấp ủ kế hoạch trong năm học tới sẽ thực hiện kết nối trước khi tuyển sinh: Cán bộ, giảng viên của trường sẽ tới với các trường đào tạo cho học sinh khuyết tật để giới thiệu các em có thể học lĩnh vực này ở trường. Bên cạnh đó, tạo điều kiện tốt nhất để các em có thể học tập tốt tại đây. Sinh viên toàn trường sẽ có chương trình xây dựng kết nối doanh nghiệp trong suốt quá trình học, quan tâm đến “đầu ra”, trong đó SV thiệt thòi phải được chú ý đặc biệt. Nếu được cộng đồng chung tay, doanh nghiệp sẽ có nhận thức khác để dành một tỷ lệ nhất định cho người khuyết tật đến làm việc. 

TS Nguyễn Văn Tảo - Hiệu trưởng Trường ĐH CNTT&TT (ĐH Thái Nguyên) - cho biết khi theo khóa học về quản trị, lãnh đạo trường ĐH của Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là khi làm việc với các giảng viên nước ngoài, trải nghiệm trực tiếp tại các trường ĐH tại Úc, vị hiệu trưởng thấy rằng việc tạo cơ hội cho những người thiệt thòi có thể hòa nhập với cộng đồng là rất quan trọng. Theo đó, một cơ sở giáo dục cần tạo những điều kiện thuận lợi nhất để thể hiện sự chào đón những người thiệt thòi, tạo sự bình đẳng cho mọi đối tượng.

“Lĩnh vực đào tạo về CNTT của trường có thể tạo điều kiện cho các SV thiệt thòi có nhiều cơ hội học tập hơn ở các lĩnh vực khác. Có nhiều SV học CNTT đạt thành tích học tập rất cao. Sau khi tốt nghiệp, các em tìm được việc làm trong môi trường phù hợp. Từ thực tế, xu hướng thế giới đang quan tâm, tôi thấy rằng trường có thể có một chương trình đặc biệt hướng đến đối tượng SV khuyết tật” – TS Nguyễn Văn Tảo chia sẻ.

TS Nguyễn Văn Tảo – Hiệu trưởng Trường ĐH CNTT&TT (ĐH Thái Nguyên)
TS Nguyễn Văn Tảo – Hiệu trưởng Trường ĐH CNTT&TT (ĐH Thái Nguyên)

Tạo điều kiện về cơ sở vật chất, chính sách hỗ trợ

Việc hướng sự quan tâm đến đối tượng SV khuyết tật được thể hiện ngay trong các đề tài NCKH ở Trường ĐH CNTT&TT (ĐH Thái Nguyên). Một nhóm giảng viên của trường đã thực hiện đề tài NCKH cấp Bộ rất thiết thực: Xây dựng hệ thống dịch từ ngôn ngữ thông thường sang ngôn ngữ người khiếm thính, sử dụng mô tả bằng hình người 3D. Đề tài vừa nghiệm thu ở bước 1, được Hội đồng cấp Bộ đánh giá xuất sắc. Các giảng viên còn hướng dẫn SV nghiên cứu các đề tài hỗ trợ người khuyết tật tự học chữ nổi hay điều khiển thiết bị bằng sóng não…

Trường ĐH CNTT&TT cũng đang sang sửa lại một số tòa nhà, phòng làm việc, chú ý làm sao để có thể hỗ trợ cho các SV khuyết tật. Hiện khu nhà mới, thư viện… đã có đường xe lăn cho SV khuyết tật. Tới đây, Ban lãnh đạo nhà trường đặt mục tiêu làm đường đi xe lăn lên giảng đường. Về chính sách, trong điều kiện của nhà trường, các suất học bổng cho học SV có hoàn cảnh khó khăn đều dành ưu tiên số 1 cho các SV khuyết tật.

Đặc biệt, TS Nguyễn Văn Tảo đang vận dụng các mối quan hệ để làm sao kết nối với những nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, mang đến những điều kiện tốt nhất để cho người khuyết tật có cơ hội phát triển. Tin vui mới nhất là thông qua ĐH Thái Nguyên, một trường ở Thái Lan mong muốn được hợp tác với Trường ĐH CNTT &TTđể lan tỏa mô hình hỗ trợ người khuyết tật.

Được biết, ngôi trường này đã thành lập Trung tâm hỗ trợ người khuyết tật, hoạt động thành công 10 năm nay. TS Nguyễn Văn Tảo đã trao đổi và được trường bạn mời sang tham quan mô hình của họ. Ban lãnh đạo Trường ĐH CNTT&TT kỳ vọng sẽ học hỏi được kinh nghiệm kết nối cộng đồng cùng chung tay hỗ trợ người khuyết tật để có thể áp dụng vào nhà trường trong năm học tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ