Nếu không sớm xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân một cách thiết thực thì không chỉ ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng mà còn kéo theo nhiều hệ luỵ cho các thành phần kinh tế khác...
Giảm tăng trưởng do hạn hán và xâm nhập mặn
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2016, GDP nông - lâm - thuỷ sản giảm 0,18%, giá trị sản xuất ước đạt 397.400 tỷ đồng, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó nông nghiệp đạt 297.200 tỷ đồng, giảm 0,7%, lĩnh vực giảm mạnh nhất là trồng trọt với 3%. Như vậy, sau 10 năm kể từ năm 2005, lần đầu tiên ngành nông nghiệp tăng trưởng âm.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), lĩnh vực trồng trọt đã gánh chịu thiệt hại kép cả về diện tích và sản lượng đối với rất nhiều cây trồng, từ lúa, ngô, khoai, đậu tương, mía đường…
Nguyên nhân chính của sự sụt giảm dẫn đến nông nghiệp tăng trưởng âm được bà Hồng nêu ra là bởi từ đầu năm đến nay, chúng ta gặp quá nhiều bất lợi do thiên tai, thời tiết. Rét đậm, hạn hán, xâm nhập mặn… là nguyên nhân khiến cho tất cả các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp đều theo chiều mũi tên đi xuống.
Phân tích những khó khăn mà lĩnh vực trồng trọt gặp phải thời gian qua, ông Đào Thế Anh - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, biến đổi khí hậu nặng nề trong thời gian vừa qua đã tác động mạnh, làm giảm diện tích trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long và hạn hán đã gây thiệt hại nghiêm trọng ở Tây Nguyên. Do đó, mặc dù xuất khẩu rau quả và nhiều loại nông sản 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm ngoái đã bù đắp được một phần nhưng vẫn không đủ để kéo tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
Ngoài những tác động về diễn biến bất thường của thời tiết, ngành nông nghiệp còn tồn tại không ít điểm yếu cố hữu. Cụ thể: Kịch bản về thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đã được dự báo từ nhiều năm nay nhưng chúng ta không có giải pháp căn cơ ngay từ đầu. Cách làm chỉ chạy theo giải quyết thiệt hại có thể xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững. Điều này đòi hỏi phải có hệ thống cảnh báo sớm và có chính sách chủ động, không thể kéo dài tình trạng bị động, đối phó.
Cần có chính sách phù hợp
Theo ông Đặng Kim Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn, trong những năm qua, ngành nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển nhất định. Tuy nhiên, sự phát triển này thiếu bền vững. Định hướng nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, theo kiểu thu gom của 10 triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ thành một khối lượng hàng hoá lớn, lộn xộn để xuất khẩu với giá rẻ. Đã đến lúc, Việt Nam cần chuyển từ nền nông nghiệp cạnh tranh theo chiều rộng sang sản xuất theo chiều sâu, tăng giá trị và muốn vững bền thì phải thay đổi bằng chính sách.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa sát, thiếu tính hợp lý. Ông Nguyễn Duy Lượng - Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, những năm qua việc xây dựng chính sách để phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, ổn định khu vực nông thôn, hỗ trợ nông dân một cách thiết thực vẫn chưa được quan tâm thoả đáng.
Trước hai thách thức lớn là hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu, tại Hội nghị “Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2016” được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu thực hiện các giải pháp đồng bộ để sản xuất nông nghiệp có khả năng cạnh tranh cao hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn, gắn với xây dựng nông thôn mới; cũng như kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để khơi thông, phát triển, mở rộng thị trường. Nỗ lực cải cách hành chính, cải cách mạnh mẽ để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp để giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm.