Xây dựng bộ chuẩn mầm non 5 tuổi mới không nên cứng nhắc

GD&TĐ - Bộ chuẩn mầm non 5 tuổi là thước đo để giáo viên, nhà trường có thể căn cứ vào đó lên kế hoạch, chương trình giảng dạy cho trẻ mần non ở địa phương mình. Tuy nhiên, theo đề xuất của nhiều giáo viên chuẩn mầm non 5 tuổi mới nên chia ra các mức độ khác nhau để đánh giá.

Trẻ mần non Trường Mầm non Tân Mai (quận Long Biên, Hà Nội). Ảnh Ngô Chuyên.
Trẻ mần non Trường Mầm non Tân Mai (quận Long Biên, Hà Nội). Ảnh Ngô Chuyên.

Chia ra nhiều bộ đánh giá

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Bích Ngọc – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Mai (quận Long Biên, TP. Hà Nội): Bộ chuẩn mầm non 5 tuổi hiện nay là bộ đánh giá chung cho tất cả các trẻ mầm non ở mọi vùng miền. Do vậy chưa thực sự hướng tới từng đối tượng cụ thể ở các địa phương có địa hình, kinh tế xã hội và trình độ văn hóa khác nhau.

Ngoài ra, trẻ mầm non 5 tuổi có mức độ phát triển khác nhau nên nếu áp dụng chung một mức sàn đánh giá cho các em là chưa phù hợp. Hơn nữa, hiện nay, xu hướng giáo dục mầm non hướng tới sự phát triển tố chất, thế mạnh riêng của từng trẻ.

Đơn cử, nhiều chỉ số trong bộ chuẩn mầm non 5 tuổi năm 2010, trẻ phát triển chậm sẽ không đạt được, từ đó dẫn đến kết quả chung yếu hơn so với trẻ phát triển bình thường.

Từ đó, cô Ngọc đề xuất bộ chuẩn mầm non 5 tuổi mới nên chia ra các mức độ để đánh giá. Ví dụ: Bộ chuẩn có thể chia thành 3 mức độ tương ứng với sự phát triển của trẻ như: Trẻ phát triển mức yếu, trẻ phát triển trung bình và trẻ phát triển tốt.

Cô Nguyễn Bích Ngọc – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Mai (quận Long Biên, TP. Hà Nội) cùng học trò của mình. Ảnh Ngô Chuyên.

Cô Nguyễn Bích Ngọc – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Mai (quận Long Biên, TP. Hà Nội) cùng học trò của mình. Ảnh Ngô Chuyên.

Thứ hai, các chỉ số cần được đánh giá riêng biệt giữa thành phố và nông thôn. Đơn cử, trẻ mầm non ở miền núi không được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm như thành phố nên cần có các tiêu chí đánh giá khác với thành phố, phù hợp với điều kiện của mỗi vùng miền khác nhau.

Tuy nhiên, cũng cần phải đánh giá bộ chuẩn dành cho trẻ mầm non 5 tuổi là khoa học, có tính đối chiếu cao để giáo viên dựa vào đó xây dựng bài giảng phù hợp với tốc độ phát triển của học sinh.

Giáo viên có thể dựa trên chuẩn để xây dựng các hoạt động, chương trình học tập, vui chơi giúp trẻ em phát triển tốt nhất về thể chất lẫn tinh thần. Đó là một trong những công cụ hữu ích đối với các thầy cô giáo, nhưng chưa phải một thước đo duy nhất.

Bộ chuẩn hiện hành phù hợp với vùng đồng bằng, thành thị nhiều hơn

Đó là chia sẻ của cô Bùi Thị Hương – Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Quang Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

Nhận định Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi được ban hành từ năm 2010, đến nay đã hiện hành 12 năm. Bộ chuẩn đưa ra 5 lĩnh vực phát triển gồm phát triển thể chất, phát triển ngôn ngữ, phát triển nhận thức, phát triển thẩm mỹ và phát triển tình cảm xã hội. Trong đó, bộ chuẩn 2010 đã chọn lọc những chuẩn và tiêu chí cơ bản nhất, cần thiết nhất nhằm đánh giá năng lực cho trẻ 5 tuổi.

Sau 12 năm đưa vào sử dụng, cô Hương nhận thấy bộ chuẩn đã đáp ứng được nhiều yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực cho trẻ 5 tuổi, thậm chí là những trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn.

Bùi Thị Hương – Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Quang Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh Ngô Chuyên.

Bùi Thị Hương – Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Quang Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh Ngô Chuyên.

Mỗi tiêu chí trong bộ chuẩn được đưa ra súc tích, cô đọng và để giáo viên có thể đánh giá một cách chính xác nhất các kỹ năng mà trẻ cần đạt được khi 5 tuổi.

Bộ chuẩn năm 2010 cũng là cách để đánh giá giáo dục mầm non ở các cơ sở; đồng thời hỗ trợ trẻ 5 tuổi một số kỹ năng cơ bản như tâm lý, thể chất. Yêu cầu về kiến thức không quá cao. Ví dụ, yêu cầu với môn chữ cái chỉ dừng lại ở làm quen con chữ; còn môn Toán làm quen con số.

Tuy nhiên, cô Hương bày tỏ mong muốn nếu điều chỉnh lại bộ chuẩn 2010 cần đáp ứng nhu cầu thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, đặc biệt là vùng nông thôn và thành thị.

Cụ thể tại vùng nông thôn, điều kiện cơ sở vật chất để phát triển chương trình, kiến thức cũng như kỹ năng cho trẻ có nhiều điểm khác so với vùng thành thị.

Bên cạnh đó, tư duy của trẻ là trực quan sinh động. Nhưng ở những nơi mà điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, đồ chơi cho các hoạt động trải nghiệm chưa nhiều thì yêu cầu kỹ năng của trẻ cần giảm thấp hơn so với những nơi có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn.

Theo cô Hương, bộ chuẩn hiện hành phù hợp với vùng đồng bằng, thành thị nhiều hơn. Với miền núi, bộ chuẩn nên giảm yêu cầu về các tiêu chí bởi trẻ ở vùng khó khăn không thể đạt hết các tiêu chí hoặc chỉ dừng ở mức đạt, chưa phải kết quả cao.

Cô Hương lấy ví dụ tại Trường Mầm non xã Quang Lộc nằm ở vùng nông thôn nên để trẻ đáp ứng các yêu cầu của bộ chuẩn, tại các cơ sở giáo dục mầm non còn xây dựng thêm chương trình của địa phương nhằm cung cấp thêm kỹ năng cho trẻ.

Nhiều yêu cầu của bộ chuẩn còn mang tính chất chung cho các tỉnh thành nên khi triển khai, giáo viên phải tìm cách cụ thể hóa, mở rộng vấn đề chương trình phù hợp với năng lực và điều kiện của địa phuong nhằm giúp phát triển kỹ năng của trẻ một cách toàn diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.