Xăm mình - xu hướng thể hiện cá tính của giới trẻ Trung Quốc

Nhờ ảnh hưởng từ các ngôi sao nổi tiếng, trong thập kỷ qua, mốt xăm mình trở nên phổ biến và dần được xã hội Trung Quốc chấp nhận. Thậm chí, giới trẻ và các thợ xăm tài hoa còn biến nó trở thành xu hướng.
Xăm mình - xu hướng thể hiện cá tính của giới trẻ Trung Quốc
He Wei, một nhà thiết kế tự do 37 tuổi ở Bắc Kinh, đang được xăm hình tại Creation Tattoo

He Wei, một nhà thiết kế tự do 37 tuổi ở Bắc Kinh, đang được xăm hình tại Creation Tattoo. He nói rằng nếu không có những hình xăm, cơ thể anh sẽ rất trống trải. Ảnh: CNN

Nghệ thuật xăm đã tồn tại từ lâu ở Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu như trong suốt khoảng thời gian đó, sự tồn tại của chúng luôn gắn liền những kỳ thị của xã hội. Nhắc đến xăm mình, người ta nghĩ ngay đến những kẻ tù tội, bụi đời hay những băng nhóm xã hội đen.

"Cách đây 10 năm, chúng ta vẫn luôn gắn hình xăm với tội phạm hay xã hội đen. Những người muốn xăm mình rất sợ bị xã hội săm soi", Liao Lijia, thợ xăm 28 tuổi ở cửa hàng Creation Tattoo, Bắc Kinh, nói. "Tuy nhiên, văn hóa xăm hiện nay đã được người Trung Quốc chấp nhận, nhất là Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu".

Hàng loạt cửa hàng xăm mọc lên như nấm ở các thành phố trên khắp Trung Quốc và nhiều người nhanh chóng sắm cho mình đồ nghề để gia nhập ngành kinh doanh ngày càng hấp dẫn này.

"Trong ba năm qua, số khách hàng của chúng tôi mỗi năm đều đặn tăng gấp đôi", Yu Haiyang, ông chủ của Liao, nói. Bình quân mỗi tháng, cửa tiệm của Yu kiếm được khoảng 10.500 USD. "Thu nhập của tôi hiện cao gấp 10 lần so với 6 năm trước".

Cá tính riêng

Đối với giới trẻ, xăm là một cách để họ khẳng định cá tính riêng và đánh dấu những kỷ niệm trong cuộc đời, dù là tích cực hay tiêu cực.

"Tôi nghĩ mỗi hình xăm là một ký hiệu cho bản thân, giống như tên tôi vậy. Đó là một phần đặc biệt trên cơ thể, khiến tôi trở nên khác biệt. Hãy thể hiện tâm hồn và thế giới của bạn", Wang Zi, 28 tuổi, một nhà thiết kế thời trang, nói.

Wang có một hình xăm khinh khí cầu trên xương bả vai. Cô đã tự thiết kế hình xăm này để luôn khắc ghi giấc mơ được bay trên khinh khí cầu từ thuở bé.

[Caption]Wang Zi, 28 tuổi, một nhà thiết kế thời trang,

Wang Zi, một nhà thiết kế thời trang, có một hình xăm khinh khí cầu trên xương bả vai. Ảnh: CNN

Du Wei, 28 tuổi, làm về công nghệ thông tin ở Bắc Kinh, có một hình xăm con bướm ở trên ngực, gợi nhắc về đứa con đã mất của cô.

Trong khi các ký tự tiếng Trung rất được ưa chuộng ở phương Tây, như danh thủ David Beckham có một câu tục ngữ Trung Hoa trên cơ thể, thì đa số người Trung Quốc lại thích xăm các ký tự và cụm từ bằng tiếng Anh.

Các từ phổ biến nhất là "love" và "forever". Có những người chọn xăm lời bài hát như "Imagine" của John Lennon hay những câu trích trong kinh thánh.

Da Hua, một thợ xăm, thường lấy cảm hứng từ truyền thuyết Trung Quốc. Ban đầu, anh tập xăm trên những miếng da lợn mua ở chợ địa phương.

Văn hóa xăm

Châu Á từ lâu đã có văn hóa xăm riêng của mình. Nhật Bản nổi tiếng với phong cách xăm đậm nét và táo bạo. Hong Kong cũng là một pháo đài của nghệ thuật xăm. 

Thành phố cảng từng tiếp đón nhiều thủy thủ Anh quốc có văn hóa xăm pha trộn giữa những hình ảnh truyền thống của phương Tây như hoa hồng, mỏ neo, với những họa tiết phương Đông như rồng, hổ.

Trung Hoa đại lục cũng đang bắt đầu hình thành phong cách xăm riêng cho mình, vừa cổ điển vừa hiện đại.

Qiao Zhengfei, một thợ xăm 20 tuổi, từng có cửa hàng riêng ở thành phố Hạ Môn trước khi lên Bắc Kinh để mở rộng kinh doanh.

Cô chuyên xăm các hình phức tạp bằng mực đen. Qiao rất thích thú khi những hình xăm này trở thành hiện thân sống động về công việc của cô.

"Đó một lựa chọn về thẩm mỹ", cô nói. "Tôi không thể làm được những hình xăm truyền thống của Trung Quốc như rồng hay cá. Chúng không đồng cảm với tôi".

Kinh doanh hay nghệ thuật

xam-3288-1440496941.jpg

Một tác phẩm của thợ xăm Da Hua. Ảnh: CNN

Ở Trung Quốc, nhiều cửa hàng xăm chỉ là những căn phòng nhỏ, che rèm và chủ nhân là những người xăm trổ đầy mình. Một số cửa hàng lớn được đầu tư trang trí hơn.

Các thợ xăm Trung Quốc hầu như đều không muốn xem công việc của mình là một hình thức nghệ thuật, mà chỉ đơn thuần là một nghề kinh doanh.

8 năm trước, Zhao Liang tốt nghiệp sư phạm chuyên ngành hội họa và dự kiến đi dạy hoặc trở thành viên chức nhà nước.

"Tuy nhiên, cả hai nghề đó thu nhập đều thấp. Vì phải phụ giúp gia đình, tôi nghĩ mình cần tìm một công việc có thu nhập đủ sống".

Vào một ngày, anh nhìn thấy một áp phích quảng cáo về những hình xăm với giá 50 nhân dân tệ (8 USD) một hình và nghĩ tại sao mình không thử.

"Sau đó tôi bắt đầu làm nghề xăm. Tôi chỉ thấy rằng cuộc sống của mình đang ngày càng khá lên", Zhao nói.

Theo vnexpress.net
Khách sạn Messina Riviera, Italy.

Italy biến khách sạn thành ký túc xá

GD&TĐ - Biến khách sạn thành ký túc xá là một phần nỗ lực của Chính phủ Italy nhằm thúc đẩy giáo dục đại học và thu hút sinh viên quốc tế.