Xâm hại tình dục trẻ em: “Lỗ hổng” pháp lý

GD&TĐ - Liên tiếp các vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trong thời gian qua gây làn sóng bức xúc trong dư luận. Không những thế, qua những vụ việc này đã bộc lộ một “khoảng trống” pháp lý đối với việc nghiêm trị hành vi xâm hại trẻ em.

Xâm hại tình dục trẻ em: “Lỗ hổng” pháp lý

Mòn mỏi tìm công lý cho con

Phải đến khi anh V.V.M (trú tại xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) nhờ báo chí vào cuộc, vụ việc con gái anh bị xâm hại tình dục mới được khởi tố đúng người, đúng tội.

Theo đó, ngày 24/2/2019, cháu V.N.Q (con gái anh M, sinh năm 2009) trên đường đi học về đã bị Nguyễn Trọng Trình (SN 1989, trú tại xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ) ép lên xe máy và chở đến nơi vắng vẻ để xâm hại tình dục. Cơ quan điều tra công an huyện Chương Mỹ đã bắt tạm giam và khởi tố đối tượng Trình tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi”.

Quyết định này của cơ quan điều tra gây phẫn nộ cho gia đình cháu Q và dư luận, bởi cháu bé bị đối tượng khống chế, ép phải quan hệ tình dục dẫn đến gãy tay, gãy răng, tổn thương vùng kín, rách màng trinh, thủng tầng sinh môn. Ngày 22/3, cơ quan điều tra công an thành phố Hà Nội đã thụ lý vụ án, điều tra lại và khởi tố đối tượng Trình về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Chị T (Thạch Thất, Hà Nội) cũng đã gõ cửa không biết bao nhiêu cơ quan chức năng để đòi công bằng cho con gái, bị một hàng xóm xâm hại tình dục. Sau khi nghe con tả lại tỉ mỉ hành động dâm ô của người đàn ông ấy, chị rụng rời chân tay, trình báo công an ngay lập tức.

Dù cháu bé được đi giám định tổn thương vùng kín, song kết quả giám định phải đến gần 1 tháng mới có. Kể từ đó đến nay, vụ án có dấu hiệu “chìm xuồng” khi không thấy cơ quan chức năng nào “đả động” đến lá đơn kêu cứu của chị và kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ, thách thức.

“Khó” xử lý, do đâu?

Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Văn phòng luật sư Kết Nối - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Pháp luật Việt Nam vẫn còn khoảng trống trong truy tố đối với tội xâm hại trẻ em, đặc biệt là tội dâm ô trẻ em.

Theo quy định, tội dâm ô trẻ em là hành vi khách quan, tiếp xúc bên ngoài bộ phận sinh dục. Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018), sau rất nhiều lần sửa đổi vẫn chưa có giải pháp, khắc phục quy định cụ thể thế nào là hành vi dâm ô trong tội “Dâm ô người dưới 16 tuổi”.

Trong khi đợi văn bản hướng dẫn mới về hành vi dâm ô, chúng ta vẫn đang phải sử dụng các hướng dẫn ở văn bản cũ (đã hết hiệu lực). Cụ thể theo hướng dẫn tại thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 2/1/1998 hướng dẫn áp dụng một số quy định của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có nêu: Hành vi dâm ô đối với trẻ em quy định tại Điều 202b là hành vi của người phạm tội, như sờ, bóp... vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp... vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác nhưng không có việc giao cấu với trẻ em.

“Quy định này làm “khó” cơ quan điều tra và cả gia đình bị hại, bởi thường, tội phạm ấu dâm chủ yếu thực hiện trong ngõ hẻm, nơi vắng vẻ, hầu như khó có nhân chứng. Các dấu hiệu xâm hại bên ngoài cơ thể của các bé dường như khó xác minh được, bởi trong nhiều vụ án, đó là hình thức sờ soạng, va chạm bên ngoài, không để lại thương tật hoặc tinh dịch.

Đó là chưa kể nhiều vụ án khi các cháu nói cho gia đình biết thì đã muộn, dấu vết xâm hại đã biến mất. Mặt khác, Bộ luật Hình sự hiện hành cũng cho thấy, tội ấu dâm gồm giao cấu trẻ em, hiếp dâm, dâm ô... có hình phạt còn thấp. Việc tiến hành tố tụng trọng chứng hơn trọng cung khiến cho nhiều vụ án rơi vào bế tắc” - Luật sư Hùng cho biết.

Bà Khuất Thu Hồng, chuyên gia bảo vệ trẻ em khẳng định, nhiều vụ án xâm hại trẻ em đang có nguy cơ chìm xuồng bắt nguồn từ sự im lặng của các bên liên quan. Nạn nhân và gia đình ái ngại, lo sợ, cơ quan chức năng chậm trễ giải quyết, xã hội đổ lỗi cho nạn nhân... “Sự im lặng đó khiến cho sự việc trở nên trầm trọng hơn và khó giải quyết hơn”, bà Hồng trao đổi.

Sửa đổi luật để bảo vệ trẻ em hiệu quả

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, tội phạm hiện nay có thể có như nhìn trộm nạn nhân, quay video, chụp ảnh, bắt nạn nhân diễn cảnh nóng ... lại không được đề cập trong luật.

Ngoài ra, dựa vào yếu tố “nhằm thỏa mãn tình dục” ở đây hoàn toàn đánh giá dựa trên cảm nhận chủ quan của đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, chưa có tiêu chí, quy định thế nào là nhằm thỏa mãn tình dục.

“Trong trường hợp nếu đối tượng khai báo không nhằm thỏa mãn tình dục liệu cơ quan chấp pháp, thực thi pháp luật có chứng minh được họ nhằm thỏa mãn tình dục hay không? Đây cũng là kẽ hở để nhiều đối tượng lách như vụ việc cưỡng hôn xảy ra ở thang máy, thầy giáo ở Bắc Giang vỗ mông, đùi học sinh.

Nếu chúng ta quy định rõ ràng chỉ cần hành vi cố ý, chủ động thực hiện các hành vi được liệt kê là dâm ô là đủ yếu tố thỏa mãn hành vi dâm ô có lẽ 2 đối tượng trên đã bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội dâm ô rồi. Như vậy, các nhà lập pháp nên bỏ quy định “nhằm thỏa mãn tình dục” và chỉ cần xác định hành vi cố ý, chủ động thực hiện các hành vi dâm ô là đủ căn cứ khởi tố hình sự.

Chúng tôi hy vọng các nhà lập pháp có quy định cụ thể, chi tiết, dễ hiểu, có tính áp dụng thực tiễn các hành vi dâm ô để làm căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự. Quy định cần mở rộng hơn phạm vi xử lý, bảo vệ nạn nhân từ xa, phòng ngừa, chống lại mọi hành vi có tính chất dâm ô” - luật sư Hùng nói.

Hiến pháp Việt Nam khẳng định quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền được pháp luật bảo vệ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm của công dân. Luật sư Hùng cho rằng, chúng ta cần giúp các em tự bảo vệ mình bằng các hiểu biết về pháp luật ngay trong nhà trường. Khi các em hiểu về quyền nhân thân, được tạo điều kiện và môi trường tham gia, lên tiếng bảo vệ mình, thì sẽ góp phần giảm thiểu những vụ án đau lòng như thời gian qua.

 Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm, mỗi năm có gần 2 nghìn vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số hơn 1 nghìn vụ xâm hại tình dục. Đa số nạn nhân là bé gái ở độ tuổi từ 12 - 15 tuổi, chiếm 57,46%, số trẻ em dưới 6 tuổi là 13,2%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ