Xâm hại tình dục, dâm ô trẻ em: Trách nhiệm thuộc về ai?

Tại Việt Nam, hệ thống các cơ quan bảo vệ trẻ em còn thiếu sự đồng bộ, hợp tác liên ngành, pháp luật còn nhiều kẽ hở...

Xâm hại tình dục, dâm ô trẻ em: Trách nhiệm thuộc về ai?

Trong thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em. Điều đáng nói, tại các môi trường tưởng chừng như an toàn nhất với trẻ như gia đình, nhà trường, những hành vi đồi bại vẫn ngang nhiên hiện diện.

Trao đổi với VOV.VN, bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình về bảo vệ trẻ em Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho rằng, hệ thống pháp luật của Việt Nam về bảo vệ trẻ em còn thiếu sự đồng bộ, chưa có sự hợp tác liên ngành chặt chẽ.

PV: Thưa bà, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em gây hoang mang dư luận. Liệu đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này, thưa bà?

xam hai tinh duc, dam o tre em: trach nhiem thuoc ve ai? hinh 1
Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình về bảo vệ trẻ em Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF tại Việt Nam.

Bà Lê Hồng Loan: Dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề mà chúng ta phải quan tâm và cần tìm hướng giải quyết. Vấn đề này liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó có hành lang pháp lý, chuẩn mực xã hội.

Tại Việt Nam, có rất nhiều các hành vi xã hội được chấp nhận như sờ vào bộ phận sinh dục của trẻ em trai như một cách nựng trẻ, hay ôm hôn trẻ em vẫn được giải trình là nựng. Thậm chí các bậc cha mẹ cũng không biết đó là các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ và vẫn chấp nhận nó.

Với những hành vi khiến các em cảm thấy không thoải mái hoặc làm tổn hại đến các em, thì các em hoàn toàn có quyền được tố cáo. Nếu chúng ta dung thứ cho các hành vi dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em, không xử nghiêm sẽ rất khó ngăn chặn những tình trạng này.

Trong những năm qua, hành lang pháp lý đã và đang được cải thiện rất nhiều, các quy định về bảo vệ trẻ em có trong nhiều điều luật, trong đó có Luật trẻ em 2016. Nhưng trong thực tiễn hiện nay vẫn còn rất nhiều kẽ hở trong luật pháp. Có những vấn đề mà Luật pháp của Việt Nam chưa hài hòa với luật pháp quốc tế. Đơn cử như dâm ô chưa được quy định chặt chẽ, hành động động chạm vào vùng kín mới được coi là dâm ô, nhưng tại các quốc gia khác, hành vi liên quan đến thân thể, lời nói cũng có thể coi là dâm ô. Đây là nội dung chúng ta cần điều chỉnh lại cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và phù hợp với luật hình sự.

Vấn đề xâm hại trẻ em đang dần trở nên phức tạp hơn cùng với sự phát triển của xã hội và công nghệ thông tin. Tại Việt Nam và nhiều nước đã xuất hiện tình trạng xâm hại tình dục trẻ em mà không có sự giao tiếp trực tiếp giữa người xâm hại và trẻ em như gạ gẫm trên mạng, yêu cầu trẻ em  phô bày các bộ phận qua mạng để thỏa mãn nhu cầu tính dục của người xâm hại. Nhiều trường hợp các em còn bị ghi hình để phát tán. Các biện pháp, chế tài với những hành vi này chưa thực sự thỏa đáng.

Việt Nam là 1 trong 3 nước tại châu Á Thái Bình Dương quy định độ tuổi trẻ em dưới 16 tuổi. Trong khi đó, công ước quốc tế quyền trẻ em đã công nhận trước 18 tuổi trẻ em chưa trưởng thành hết. Nhóm các em từ 16-17 tuổi, cũng có nguy cơ cao bị xâm hại, bạo hành, bóc lột, nhưng hiện nay luật còn thiếu tiếp cận với những đối tượng này.

Bên cạnh đó, dù đã quy định trong luật, nhưng thực tế, các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại tình dục còn rất ít, mới dừng lại ở mức độ động viên, thăm hỏi.  Quá trình tố tụng đưa đến các biện pháp với người xâm phạm, sự tham gia của các cơ quan phúc lợi xã hội y tế, công an tư pháp còn hạn chế. Đơn cử như hiện nay chưa có quy trình với hệ thống bệnh viện khi có trường hợp trẻ em bị xâm hại.

PV: Việt Nam có tới 17 cơ quan, tổ chức về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, nhưng hiện nay vẫn có rất nhiều sự việc đáng tiếc liên tiếp xảy ra, bà có nhận định gì về vấn đề này?

Bà Lê Hồng Loan: Sở dĩ chúng ta có tới hàng chục cơ quan cùng chung tay bảo vệ trẻ em nhưng việc bảo vệ trẻ em chưa phát huy hiệu quả là bởi hệ thống này chưa đồng bộ và không có sự hợp tác liên ngành. Ở các nước, quy định về việc cung cấp và quy trình tiếp nhận các thông báo, đánh giá nguy cơ các dịch vụ can thiệp bảo vệ và phục hồi rất đồng bộ, liên ngành, chặt chẽ, với việc phân công rõ ràng của các bên liên quan từ việc tiếp nhận và chịu trách nhiệm đến đâu. Ngành y tế chịu trách nhiệm đến đâu, công an phải làm gì, các cơ quan tư pháp, cơ quan toà án làm gì, nhà  trường có trách nhiệm gì trong việc cung cấp, can thiệp.

Như vậy, Việt Nam cần phải xây dựng 1 quy trình có sự thống nhất liên ngành về vấn đề tiếp nhận đánh giá can thiệp, đảm bảo các dịch vụ được cung cấp một cách đồng bộ.

Ở các nước khi một vụ xâm hại xảy ra sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu của các cơ quan chịu trách nhiệm. Một hệ thống phải có sự kết hợp của các lực lượng chuyên nghiệp, các cơ quan nhà nước cũng như là các tổ chức xã hội và có trách nhiệm giải trình rất rõ ràng.

PV: Thưa bà, khi một sự việc về xâm hại tình dục trẻ em xảy ra, thì trách nhiệm giải trình thuộc về cơ quan nào?

Bà Lê Hồng Loan: Việt Nam cũng giống như các quốc gia khác, hệ thống bảo vệ trẻ em phải là một hệ thống liên ngành. Chúng ta phải có các cơ quan đầu mối của chính phủ và các cơ quan liên quan. Hoạt động và trách nhiệm phải quy định rõ ràng trong quy trình liên ngành. Các ngành phải đảm bảo trách nhiệm của mình và phải chịu trách nhiệm giải trình. Nếu như các trường hợp mà trẻ em được phát hiện ở cộng đồng khi đã được thông báo nhưng không lên được kế hoạch can thiệp thì đây là trách nhiệm của ngành LĐTBXH, của cán bộ LĐTBXH, của chính quyền địa phương chứ không thể đổ trách nhiệm đó lên cho người tình nguyện viên ở cơ sở được.

Ví dụ như khi nạn nhân đã được chuyển gửi đến bệnh viện, mà không có hệ thống chăm sóc, dịch vụ thiết yếu thì phải là trách nhiệm của bệnh viện. Không một ngành nào, cơ quan đơn lẻ nào có thể làm việc đơn lẻ để bảo vệ trẻ em. Một hệ thống bảo vệ trẻ em đồng bộ phải có sự tham gia của nhiều các cơ quan của Chính phủ, các tổ chức xã hội, các đoàn thể và sự tham gia rất quan trọng của gia đình, của cá nhân và của cả khối tư nhân nữa. Nhưng phải có cơ quan đầu mối và có quy định rất rõ ràng.

Ở một số nước, việc quy trách nhiệm được làm rất cụ thể. Ví dụ khi xảy ra một vụ việc bạo lực hay xâm hại tình dục thì họ sẽ quy trách nhiệm cụ thể cho đơn vị tiếp nhận, đơn vị xử lý. Ngoài ra chúng ta còn phải quy định rõ những dịch vụ hỗ trợ dưới luật. Đó không phải là các dịch vụ hỗ trợ, từ thiện mà đó phải là các dịch vụ bắt buộc.

Tôi cho rằng không có một giải pháp thần kỳ nào, duy nhất và nhanh nhất để có thể ngăn chặn được nạn xâm hại tình dục trẻ em. Vấn đề chúng ta phải xử lý đồng bộ như tăng cường hành lang pháp lý, tăng cường chế tài xử phạt, nâng cao các dịch vụ hỗ trợ trẻ em.

Xin cảm ơn bà!

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ