Ông Bảy Cà (người cùng xóm) chứng kiến khai quật xác chết! |
Bí ẩn trong ngôi nhà cổ!
Nằm ven Tỉnh lộ 954, đi từ hướng thị trấn Chợ Vàm về Tân Châu, tới cây số 18 hỏi thăm ông Đinh Hữu Trí thì ai cũng biết, bởi đây là gia đình nho giáo và căn nhà cổ hơn 120 năm hiện ở, đang cất giữ xác chết Đinh Công Hạo, là người anh thứ ba của ông.
Giữa trưa nắng gắt, bóng mấy cây mít, cây xòai phủ kín cả sân rộng, không khí trở nên dễ chịu, bước vào bên trong căn nhà… lại thấy không khí lành lạnh hơn! Bà Dư Tuyết (vợ) và các con ông Trí tiếp đón niềm nở, đồng ý mở cửa nhà chái, dẫn lên gác cho xem “xác ướp” mà người ta đồn đại.
Chị Phan Kim Trang, con dâu thứ hai, cho biết về nhà này hơn 2 năm, ngày nào cũng lo chuyện nhang khói, quét dọn bụi bặm, đi tới lui thường xuyên. “Chị có phát hiện mùi hôi, thấy nước rỉ ra từ quan tài?”. – Tôi hỏi.
“Bình thường hà. Hổng thấy gì hết”. – Trang nói. Tay chỉ vào đầu chiếc quan tài bằng gỗ màu cà phê, có gắn ống nhựa đẽo nhỏ hơn ngón tay út, được truyền lồng lên nóc nhà, gọi là “ống thông hơi”. Rút ống ra thử, chị cười cười: “Đó. Đâu có mùi vị gì”.
Quan tài kê cao ngang đầu gối, đứng sát nhìn qua nắp kiếng và bao quanh có trét dầu chai, xác chết khô tóp được phủ lên lớp đồ; chỉ thấy chòm tóc còn nguyên, ngón tay ló ra giống như… cây sắt gỉ sét, mấy thứ vật dụng biểu hiện mục nát.
Gác cao chừng hai thước, rộng cỡ ba thước, dài khỏang sáu thước. Từ cầu thang bước lên, quan tài nằm xéo tay mặt và thẳng hướng Tây, sát vách có bàn thờ treo khuôn hình Đức Phật Thích Ca. Tôi thấy là lạ, hơi thắc mắc. Trang nghiêm mặt, bắt đầu kể, giọng điệu nghe đầy vẻ bí ẩn?
Di ảnh Đinh Công Hạo hồi còn nhỏ |
Từ ngày Phan Kim Trang về làm dâu, đã thấy quan tài như vậy, không hiểu tại sao. Nhưng, bên chồng nói rằng nhiều lần chỉnh sửa, sau đó lại “tự động” xê dịch nữa, thấy vậy mới để nằm xéo luôn tới nay. Lần đầu tiên chứng kiến chuyện lạ, tôi lấy máy ảnh dự định chụp vài kiểu, Trang vội xua tay: “Dạ, hổng được! Bổn phận làm dâu, con hổng có quyền. Phải hỏi ông già chồng, cho thì mới được”.
Không để lở cơ hội, tôi năn nỉ mãi, Trang cứ một mực! Rốt cuộc, bà Dư Tuyết bảo: “Thôi, chụp đi. Cái này là tui cả gan nhe. Ổng về hay được, sẽ la dữ lắm. Người vô coi thì nhiều, nhưng ít cho ai chụp hình”. Căn gác có gắn đèn điện, khách đến bật lên sáng trưng, dễ dàng coi xác chết. Song, không khí âm u bao trùm, chứa đựng nhiều điều bí ẩn!?
Xác chết chưa có lời giải?
Đúng hẹn với gia đình. Hôm sau, quay trở lại, ông Đinh Hữu Trí chờ sẵn, cả nhà ai nấy rất vui vẻ. “Tháng chạp năm nay, xác anh tui tròn bốn mươi hai năm. Còn nguyên hà, chỉ khô tóp lại thôi. Ngòai ra, hổng có chuyện gì hết”. – Ông từ tốn. Đinh Công Hạo là anh thứ ba, chết ngày 19 tháng chạp và giáp Tết Mậu Thân, được 17 tuổi. Còn ông Trí là em út, năm nay được 54 tuổi.
“Đây có phải là xác ướp như người ta đồn?”. – Tôi tỏ vẻ điều láng máng nghe được. Ông Trí bật cười: “Làm gì có. Tiền ở đâu mà làm. Thời kỳ khó khăn, chứ đâu phải như bây giờ. Mà ai làm chi vậy”. Trầm ngâm hồi lâu, ông bảo chuyện này khó nói, nghe qua giống như hoang đường lắm, số là như vầy…
Đinh Công Hạo học hết trường làng, mới lên quận Tân Châu thi vào trung học; gia đình rất hy vọng vì thuở nhỏ bộc lộ chút ít khiếu thơ, văn và có học thêm chữ Hán. Nào ngờ, ngày đi thi Hạo “tự nhiên” bị qua mắt, bỏ về nhà, phát bệnh dẫn đến không thấy đường.
Xác chết Đinh Công Hạo sau 42 năm |
Đông tây, nam bắc đủ thứ, bệnh tình ngày thêm trầm trọng, xấu số ở tuổi 17. “Trước khi chết, anh tui bỏ ăn khỏang ba, bốn ngày”. – Ông Trí nói, chỉ có vậy thôi. Chôn rồi, ông già Đinh Đại Bửu ngủ thấy “Hạo về kêu đào lên và nói rằng con còn sống”, sau bao lần đắn đo, ngày thứ 3 mới bạo dạn ra đào.
Điều kỳ lạ, xác không hôi, thối mà dịu như… bình thường; gia đình phải cáo báo chính quyền và làm đơn xin được giữ lại. Hay tin, nhiều bác sĩ giỏi thời đó ở Châu Đốc và Sài Gòn đến xét nghiệm, theo dõi suốt 7 ngày liền, nhưng không ai đưa ra kết luận gì. Đến ngày thứ 10, da thịt chuyển sang trắng trong, xương hiện lên như màu đen và lấy kim chích không còn chảy máu (?)
Gia đình quyết định cho vào quan tài, đậy nắp kiếng, đưa lên gác trong nhà kho cho tới nay. Ban đầu âm u lắm, sau này mới thay 2 miếng ngói bằng kiếng để ánh sáng chiếu vô… đỡ phần lạnh lẽo, người đến coi cũng dạn dĩ hơn!
Vậy là, 42 năm trôi qua, hiện trạng không có gì thay đổi, xác chết vẫn còn, không hôi, thối mà chỉ khô tóp lại. Điều lạ lùng nữa, trên căn gác không thấy có con kiến, hay côn trùng thường gặp. Ông Đinh Hữu Trí khẳng định, mọi việc diễn ra tự nhiên, rất bình thường, chứ không có sử dụng thuốc ướp hoặc biện pháp nào khác.
Ông Đinh Hữu Trí bên quan tài của anh mình |
“Trước 30-4-1975, có một bác sĩ ngọai quốc đến coi, xin đổi hai triệu đô-la, đòi đưa xác anh tui về Mỹ. Nhưng, gia đình hông chịu, người đó cũng hổng quay trở lại”. – Ông Trí tiết lộ. Nay, cha mẹ qua đời hết rồi, gia đình ông coi xác Đinh Công Hạo như “báu vật”, quyết giữ gìn.
Nói đây là xác ướp thì không phải, còn gọi xác rũ chưa hẳn là đúng. Ông Đinh Hữu Trí bảo rằng, xác của anh ông là khô tóp dần, không rỉ nước và bóc mùi hôi, thối; mấy chục năm qua chưa hề có biểu hiện bệnh truyền nhiễm; vả lại không một ai kết luận về trường hợp này.
Thực tế trên vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang), cho thấy các vị hòa thượng, sãi cả cao niên khi qua đời, nhiều chùa cho để chiếc quan tài khơi trần trong nhà chư tăng, với phương pháp ướp xác rất độc đáo. Đúng 3 năm sau, mới khui ra đem hỏa táng và lấy tro đưa vào tháp. Đó là tập quán thông thường trong các phum, sóc của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Đằng này, xác chết hơn 40 năm vẫn còn, quả là chuyện lạ và hiếm thấy ở Việt Nam!
Phan Trọng Ân
(An Giang)