Vượt đèo… về quê!

GD&TĐ - Đỉnh đèo Hải Vân (TP Đà Nẵng) những ngày qua trở thành điểm dừng chân trên hành trình trở về quê đầy gian nan của những người dân lao động ở miền Nam.

Chị Vừ Thị Giống bồng trên tay đứa con nhỏ 2 tháng của mình.
Chị Vừ Thị Giống bồng trên tay đứa con nhỏ 2 tháng của mình.

Hình ảnh những người mẹ đút cho con nhỏ muỗng cháo, hay nhai vội ổ bánh mỳ… trong đêm mưa lạnh lẽo trên đèo Hải Vân khiến nhiều rơi nước mắt.

“Đội mưa” vượt đèo Hải Vân

19 giờ ngày 5/10 đỉnh đèo Hải Vân nơi tiếp giáp của TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế đông và tấp nập hơn mọi khi, từng dòng người chạy xe máy “cà tàng” từ miền Nam lần lượt dừng lại để ăn vội hộp cơm, húp bát súp để tiếp tục hành trình hồi hương của mình.

Đồng hồ điểm 0 giờ, ở đỉnh đèo Hải Vân cơn mưa nặng hạt trên đèo Hải Vân vẫn không ngớt. Trời mưa, nhiệt độ xuống thấp, từng cơn gió thổi buốt khiến những người đứng nơi đây lạnh đến thấu xương.

Vừa bưng tô súp nóng nhận từ các mạnh thường quân, chị Vừ Thị Giống (22 tuổi, dân tộc H’Mông, quê tỉnh Điện Biên) cố ăn vài miếng để đỡ đói và có sữa cho đứa con 2 tháng tuổi bú, sau chặng đường từ tỉnh Bình Dương đi về.

Chị Giống tâm sự rằng, cách đây 2 tháng, ngày chị sinh con ở tỉnh Bình Dương, diễn biến dịch bệnh rất căng thẳng. Cô đã tự sinh đứa con trai ở ngoài lề đường. Sau khi sinh, người chồng chở chị về phòng trọ và sống tạm qua ngày dịch.

“Chồng chở em đi sinh nhưng bệnh viện mắc dịch bệnh, người ta làm thủ tục lâu quá… Lúc chờ đợi ngoài vỉa hè, em đã tự sinh con luôn. Chồng hoảng hốt chở em và con về phòng trọ, vì lúc đó dịch bệnh không ai giúp được hết. Sau đó, may mắn có chị hàng xóm ở dãy trọ chăm sóc giúp”, Giống chia sẻ.

Trong cơn mưa lạnh, Giống kể về những ngày tháng tuổi thơ cơ cực, khó khăn chồng chất. Chuỗi ngày vào miền Nam mưu sinh, kiếm được tiền từ sức lao động khiến em cảm thấy vui vẻ.

Thế nhưng, dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát khiến vợ chồng chị Giống lâm cảnh khó khăn như bao người khác. Quá khắc nghiệt, cuối cùng, 2 vợ chồng chị đành phải tạm rời miền Nam để về quê, và hy vọng sẽ quay lại mưu sinh để các con sau này đỡ khổ.

“Ở quê, em còn 2 đứa con, nên bế đứa nhỏ về ăn rau cháo sống qua ngày. Vừa sinh xong đi đường kiệt sức, thế nhưng hết dịch vợ chồng tính đưa cả nhà vào miền Nam lại. Ở trong đó mấy đứa nhỏ có thể tự kiếm tiền, có tiền thì tự tìm chỗ đi học chữ…”, chị Giống bộc bạch.

Bưng hộp cơm trên tay vừa nhận, chị Hồ Thị Liên (SN 1984, quê Tân Kỳ, Nghệ An) kể, 3 ngày nay vợ chồng chị cùng hai con nhỏ chạy xe máy liên tục từ Đồng Nai để về quê. Trên hành trình về nhà mỗi người chỉ vội chợp mắt thời gian ngắn rồi tiếp tục di chuyển.

“Hai vợ chồng vào Đồng Nai làm công ty gỗ nhưng thất nghiệp 3 tháng nay. Khó khăn, không còn cách nào khác cả nhà đèo nhau bằng xe máy về lại quê” - chị Liên nói.

Các tình nguyện viên nấu cháo bỏ vào hộp để cho các cháu nhỏ.
Các tình nguyện viên nấu cháo bỏ vào hộp để cho các cháu nhỏ.

Xót thương cho từng hoàn cảnh người hồi hương

Ngày 6/10, nhằm hỗ trợ người dân từ phía Nam về quê qua hầm đường bộ Hải Vân, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn gửi Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả tiến hành mở cửa hầm trung chuyển để bà con được di chuyển an toàn trong đêm 6/10.
Trong đêm 6/10, hơn 1.000 người dân với hàng trăm xe máy được lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố phối hợp cùng các đơn vị liên quan hỗ trợ dẫn đoàn qua hầm đường bộ Hải Vân 2 về hướng tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Dừng chân được hơn 30 phút để ăn vội bữa tối và kiểm tra xe trước khi lên đường vượt đèo về quê. Trong tiếng gọi nhau, tiếng động cơ xe máy ồn ào, một bà mẹ bất ngờ khóc thét khi đứa con nhỏ của mình bỗng dưng bị ngất xỉu. Người mẹ vội vã bồng đứa con nhỏ của mình chạy thẳng về phía có các tình nguyện viên, cầu cứu.

Nhanh chóng bế đứa nhỏ khỏi vòng tay mẹ, một tình nguyện viên cũng là y tá của bệnh viện ôm đứa nhỏ chạy vào một quán nước trên đỉnh đèo. Các y tá, bác sĩ khẩn cấp sơ cứu.

Qua kiểm tra, nhóm tình nguyện nhận định cháu bé ngất xỉu do tụt đường huyết vì quá đói và mệt sau chặng đường dài. Sau khi cấp cứu, đứa bé đã tỉnh trở lại lúc này mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.

Được biết, gia đình chị ở Nghệ An, trên đường đi từ miền Nam về cháu bé nôn ói, không ăn được gì. Khi đến đỉnh đèo Hải Vân thì hết nôn ói, chị mở chiếc áo mưa ra xem thì con đã lịm.

“Vợ chồng em chạy từ Bình Phước về, trên đường gặp nhiều khó khăn, lúc nãy em tưởng đã mất con… May mắn các bác sĩ đã cứu giúp cháu”, người mẹ bật khóc.

Trong hàng nghìn người rời miền Nam về quê bằng xe máy tự phát, đa phần họ là những người lao động nghèo khó, cuộc sống ở quê vất vả nên họ đành bôn ba đất khách quê người để kiếm miếng cơm manh áo.

Dịch phức tạp, thất nghiệp nhiều tháng họ đành phải quay về quê để sống tạm qua ngày. Thế nhưng, khi rời địa phận TP Đà Nẵng họ vẫn nhắn gửi rằng sẽ sớm quay lại miền Nam, tiếp tục ước mơ lập nghiệp nơi xứ người.

Chứng kiến những dòng người tha hương cầu thực đi về quê đi ngang qua thành phố, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, thành phố hỗ trợ tối đa cho người dân khi qua địa phận Đà Nẵng.

“Dòng người đi về nhìn rất xót xa, thương cho từng hoàn cảnh của những người dân, nên giúp được gì thì chúng ta phải giúp hết sức. Mình nhìn mình và nghĩ đến bạn nên rất chia sẻ nên việc gì chia sẻ, hỗ trợ được thì chúng ta cũng sẵn lòng”, ông Chinh chia sẻ.

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng hỗ trợ thực phẩm, nước uống, nhiên liệu... cho người về quê, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Đây như là một món quà động viên, tiếp sức cho người dân nghèo trên quãng đường về quê.

Ngoài ra, để đảm bảo công tác y tế, sẵn sàng chăm sóc, hỗ trợ sức khỏe công dân trong quá trình trở về quê khi đi ngang qua Đà Nẵng, Sở Y tế bố trí 2 tổ y tế thường trực tại 2 địa điểm cửa ngõ vào, ra TP để xử lý, cấp cứu, hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho công dân.

Cụ thể, tại quận Liên Chiểu tại điểm Trạm trung chuyển hầm Hải Vân, tại huyện Hòa Vang điểm giao xã Hòa Khương – Hòa Vang, Đà Nẵng và xã Đại Hiệp – Đại Lộc, Quảng Nam.

Sở Y tế bố trí 2 tổ cấp cứu lưu động sẵn sàng cấp cứu, vận chuyển cấp cứu, xử lý các vấn đề khẩn cấp liên quan đến sức khỏe công dân.

Rời đèo Hải Vân trong đêm mưa, hình ảnh những người mẹ trẻ đút cho đứa con ăn miếng súp, những người khác ăn vội ổ bánh mì, miếng cơm… trong đêm mưa gió lạnh lẽo, kèm tiếng khóc của những đứa trẻ vì mệt mỏi… tất cả những hình ảnh đó khiến nhiều người chứng kiến phải rớt nước mắt. Chỉ mong sao họ sớm về quê an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ