Premysl Rabas, Giám đốc sở thú Dvur Kralove (Czech), nơi cắt bỏ sừng của tất cả các con tê giác đen và trắng, cho biết đây là quyết định không hề dễ dàng.
Những mối đe dọa mà loài tê giác đang phải đối mặt hiện nay không chỉ ở tự nhiên mà ngay cả trong vườn thú là quá cao. Sau vụ một con tê giác ở vườn thú Thoiry (Paris, Pháp) bị giết để lấy sừng hôm 6/3, sự an toàn của loài vật quý hiếm này trở thành mối quan tâm hàng đầu của sở thú. Ít nhất, trong trường hợp này, một con tê giác mất sừng mà còn sống, tốt hơn là một con đã chết.
Jirousova, cán bộ ở sở thú, cho biết bác sĩ thú y sẽ gây tê trước khi cưa sừng tê giác. “Trước đây, chúng tôi từng cưa sừng tê giác vì lý do sức khỏe, nhưng chưa bao giờ phải làm điều này vì những kẻ săn trộm”, cô nói.
Con tê giác đầu tiên bị cưa sừng vào hôm 20/3, có tên là Pamir. Sở thú sẽ cưa sừng những con còn lại trong tương lai gần.
Vào đêm 6, rạng ngày 7/3, sở thú Thoiry (Pháp) thông báo những kẻ trộm đã phá vỡ rào chắn an ninh, đột nhập vào sở thú và giết chết một con tê giác đực để lấy sừng. Nhân viên phát hiện xác của con vật vào sáng hôm sau, một chiếc sừng bị lấy đi, còn một chiếc đang cưa dở.
Liên Hợp Quốc& có quy ước về cấm buôn bán sừng tê giác trên toàn thế giới, nhưng lợi nhuận quá lớn khiến những tên trộm vẫn thực hiện hành vi này. Một chiếc sừng tê giác nặng gần 1 kg có giá lên tới 53.900 USD, đắt hơn vàng hoặc cocaine, theo giá thị trường chợ đen vào năm 2015.
Vườn thú ở Dvur Kralove, cách Prague 150 km về phía đông bắc, đang chăm sóc cho 17 con tê giác đen và 4 con trắng. Dvur Kralove là vườn thú duy nhất trên thế giới đã thành công trong việc nuôi nhốt những con tê giác trắng cực kỳ hiếm.