Vũng lầy chưa lối thoát

GD&TĐ - Brazil vẫn đang chìm trong vũng lầy Covid-19 suốt nhiều tháng và hôm 23/3 lại ghi nhận ngày chết chóc chưa từng thấy kể từ đầu dịch với 3.251 người thiệt mạng vì Covid-19.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cuộc khủng hoảng sức khỏe tại quốc gia Nam Mỹ này không chỉ là vấn đề nội bộ mà có nguy cơ đe dọa cả thế giới.

Con số người chết vẫn cao kỷ lục tại Brazil trong khi dịch bệnh trên thế giới đang có dấu hiệu khả quan cho thấy tình hình tại đây phức tạp như thế nào. Một trong những động thái đối phó dịch nổi bật của nước này là liên tục thay bộ trưởng y tế.

Trong tuần qua, Brazil đã công bố bổ nhiệm chuyên gia tim mạch Marcelo Queiroga làm tân bộ trưởng y tế, người thứ tư đảm nhiệm chức vụ này kể từ đầu dịch.

Ghế nóng ngành y Brazil liên tục đổi chủ cũng phản ánh phần nào sự loay hoay của chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro trong xử lý dịch. Ông đang phải đối diện với sức ép cả trong nước và quốc tế do cuộc khủng hoảng Covid-19.

Nhà lãnh đạo này vẫn giữ lập trường không thừa nhận mức độ nghiêm trọng của Covid-19 và ngăn cản chính quyền các bang áp dụng lệnh phong tỏa, bất chấp việc các bệnh viện và nghĩa địa luôn quá tải vì bệnh nhân.

Giám đốc khu vực châu Mỹ của WHO là Carissa Etienne cảnh báo Covid-19 đang bùng phát ngày càng mạnh hơn tại Brazil, đẩy nước này đến ngưỡng đặc biệt nguy hiểm. Các chỉ số liên quan đến đại dịch luôn trong tình trạng nghiêm trọng, khi khu điều trị tích cực tại hầu hết các bang đang khai thác với công suất trên 90%. Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống y tế Brazil đứng trước nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Trong 10 ngày qua, Brazil cũng chiếm tới một phần tư số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu. Đặc biệt, số ca nhiễm mới và tử vong trong ngày còn đang có xu hướng tăng lên so với trước và vẫn chưa đạt đỉnh dịch.

Hiện việc tiêm vắc-xin vẫn là cách khả quan nhất để đối phó với đại dịch, nhưng công tác tiêm chủng tại Brazil cũng bị chậm so với các nước. Theo ước tính tới ngày 23/3 mới chỉ có 2,6% số người trưởng thành ở nước này được tiêm đủ hai liều vắc-xin.

Tình hình tại Brazil không chỉ tác động xấu đến nền kinh tế - xã hội của nước này mà có khả năng tạo ra nguy cơ đối với thế giới. Biến thể virus có tên là P.1 có nguồn gốc tại Brazil có tốc độ lây lan cực mạnh, cao hơn cả biến thể tại Anh, đã lan sang nhiều nước khác trên toàn cầu. Giới chuyên gia y tế nhận định đây nhiều khả năng là nguyên nhân khiến tình hình đại dịch ở Brazil chìm trong khủng hoảng
kéo dài.

Việc các loại vắc-xin hiện nay có chiến thắng được biến chủng P.1 của Brazil hay không vẫn đang gây tranh cãi. Trong khi đó, nếu cuộc khủng hoảng dịch bệnh tại nước này vẫn tiếp tục không có lối thoát thì virus sẽ được tự do nhân bản, qua đó tiềm ẩn nguy cơ tạo ra các loại biến chủng khác còn nguy hiểm hơn và đây mới thực sự là mối lo đối với toàn cầu.

Hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng trên khắp thế giới có thể bị ảnh hưởng xấu nếu một quốc gia nào đó để phát sinh các loại biến chủng có khả năng tránh được các loại vắc-xin đang được tiêm đại trà. Khả năng này được coi là hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra.

Do đó, giới chuyên gia y tế đang kêu gọi các nước hỗ trợ Brazil kiểm soát dịch và không để hệ thống y tế sụp đổ, qua đó tránh nguy cơ cho cả thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ