“Vui vầy” với sách mùa... Covid-19

“Vui vầy” với sách mùa... Covid-19

Được sách... chào đón

Cái giá sách trong nhà mà trước kia Xuân Bách (tỉnh Thái Bình) chẳng bao giờ biết tới giờ đã trở thành nơi bầu bạn với cậu học trò lớp 7 này. Sách khoa học luôn được Bách ưu tiên đọc trước, sau đó mới đến sách địa lý, văn học, lịch sử...

Thậm chí, những cuốn sách kỹ năng, tâm lý bị xếp chồng, phủ bụi ở một góc, Bách cũng không bỏ qua. Với Xuân Bách, giữa lúc phải nghỉ học vì Covid-19, cậu mới nhận ra trong nhà có một giá sách rất đồ sộ để ngày ngày trốn vào đó mà nghiền những trang sách.

“Nghỉ học để tránh Covid-19 khiến chúng con có cả quỹ thời gian tự quản lý rất lớn. Những ngày đầu, ngoài giờ ôn bài, phần lớn con xem tivi, chạy chơi. Thế nhưng, giữa lúc chơi nhiều cũng chán con “tìm thấy” giá sách của gia đình ở trên tầng hai.

Thế là từ đó ngày nào con cũng dành thời gian đọc sách. May mà được sách... chào đón chứ không buồn rích. Đến giờ, con đã đọc gần hết những cuốn sách trong đó” – Xuân Bách kể.

Cũng giống như Xuân Bách, những ngày nghỉ học này, hai anh em Đức Huy, Đức Tùng (Hà Nội) đã lục tung cả tủ sách gia đình để tìm cho mình những cuốn sách hay nhất để đọc. Hai anh em này đôi khi vì tranh đọc một cuốn sách mà cãi lộn. Nhưng cũng có khi chúng cười rúc rích chia sẻ cho nhau những điều thú vị khám phá được từ sách.

“Chưa khi nào chúng con có nhiều thời gian để đọc sách như thế, có thể đọc bất cứ lúc nào: Sáng – chiều – tối. Cũng nhờ dịp này con mới nhận ra lâu nay mình bỏ quên những cuốn sách thú vị trong tủ sách nhà mình. Con đã đọc được rất nhiều sách văn học – thể loại con thích nhất. Đôi khi “đổi món” con đọc cả sách địa lý, khoa học nữa” – Đức Huy mau miệng nói.

Theo chị Trần Thị Hoa, mẹ Đức Huy, Đức Tùng, không ai mong Covid-19 xuất hiện, hoành hành để rồi khiến học sinh phải nghỉ học, nghỉ chơi nơi công cộng như hiện nay. Bị bó chân với ngày dài là điều chẳng vui vẻ gì với đám trẻ.

“Thế nhưng cũng thật mừng trong tình huống bất đắc dĩ này các con có cơ hội khám phá không gian sống của gia đình để tìm ra những giá sách, tủ sách ngay trong nhà mà trước kia không hẳn chúng đã biết, đã nhận ra. Và khi đó, thói quen đọc sách, tự học hỏi qua những trang sách của các con được hình thành và rèn giũa” – chị Hoa bày tỏ.

Được lắng nghe... “tiếng lòng”

Những ngày đám trẻ nghỉ học để phòng tránh Covid-19, chị Minh Hạnh (Hà Nội) thấy mình bận rộn hơn rất nhiều. Như bao người mẹ khác, chị Hạnh không chỉ tất bật với công việc cơ quan mà còn tất bật với chuyện tự học, tự quản của hai đứa nhỏ.

Thế nhưng, chị Hạnh bảo rằng, chị không lấy làm mệt mỏi, khó chịu, trái lại chị còn luôn cố gắng thu xếp để làm sao có nhiều thời gian hơn bên con. Hàng ngày, chị Hạnh “khoán” hai đứa nhỏ ở nhà tự hoàn thành bài tập cô gửi qua Zalo, Facebook vào ban ngày để cả buổi tối chúng sẽ được đọc sách cùng bố mẹ.

“Tôi đã khá ngạc nhiên khi đám trẻ lúc nào cũng hoàn thành việc học rất nghiêm túc và luôn chờ đợi khoảng thời gian được ngồi bên bố mẹ đọc sách.

Chúng tôi có thể chia nhau đóng vai các nhân vật trong một câu chuyện nào đó. Chúng tôi lần lượt khám phá những cuốn sách được mua về từ lâu rồi nhưng gần như chưa được cầm đến. Thú thật là trước kia chúng tôi chưa có nhiều thời gian để đọc sách cùng nhau như thế” – chị Minh Hạnh chia sẻ.

Là ông bố ba con, nhà báo - anh Chánh Văn Hoàng Anh Tú bày tỏ về sự đáng tiếc khi bỗng đâu Covid-19 hoành hành trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Thế nhưng, trong cái rủi này, theo anh Chánh Văn, đây lại là thời điểm đem lại cơ hội cho cha mẹ - con cái ở bên nhau nhiều hơn, chia sẻ với nhau nhiều hơn.

Trong khoảng thời gian ấy, việc đọc sách cùng nhau là cách trò chuyện ngọt ngào nhất, hiệu quả nhất để cha mẹ - con cái cùng lắng nghe “tiếng lòng” của nhau. Cũng bởi, từ mỗi buổi đọc sách, các thành viên trong gia đình có cơ hội gần gũi bên nhau, kết nối trong cùng một không gian để có những giây phút chia sẻ, trao đổi, cười cùng nhau nhiều hơn, nói cùng nhau nhiều hơn.

Với nhà báo Hoàng Anh Tú, ký ức đọng lại trong tâm trí con trẻ không hẳn là bố mẹ đã mua món quà gì cho con hoặc đi chơi cùng con như thế nào. Có lẽ, ký ức sâu sắc nhất sau 10 năm – 20 năm chúng lớn lên chính là những giờ chúng được trò chuyện, đọc sách cùng cha mẹ.

“Tôi không tin có một đứa trẻ nào không thích đọc sách với cha mẹ mà chỉ có những đứa trẻ không có cơ hội được cùng cha mẹ đọc sách. Hơn nữa, câu chuyện của cuốn sách hấp dẫn hay không chưa chắc đã nằm ở nội dung mà nằm ở cách tiếp cận câu chuyện, cách chúng ta chia sẻ, cảm nhận cùng với nhau về câu chuyện.

Điều này được bắt đầu từ sự truyền cảm của mẹ, của cha đến trẻ để chúng có thể được tiếp xúc, trò chuyện, khám phá những trang sách. Và quan trọng hơn tất thảy là trong không gian ấy, trẻ được yêu thương – đó chính là món quà lớn nhất, là niềm mong đợi lớn nhất mà các con muốn được nhận bất kỳ khi nào” – Nhà báo Hoàng Anh Tú nhấn mạnh.

“Những khoảng thời gian ở bên con, cha mẹ cần tập trung vào câu chuyện và hòa mình vào không gian ấy cùng các con một cách trọn vẹn nhất.

Việc thiết lập một không gian để cha mẹ - con cái được thoải mái nhất với nhau chỉ có thể trở thành hiện thực khi cha mẹ dành hết thời gian, tâm sức của mình cho buổi đọc sách.

Sẽ thật tệ nếu như những khoảng thời gian đọc sách cùng con cha mẹ phải ngắt quãng thậm chí ngừng câu chuyện vì chuông điện thoai reo hay vì một lời hẹn vô cớ nào đó rồi lại suốt ngày nói lời xin lỗi với con trẻ” - Nhà báo Hoàng Anh Tú.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.