Năm 1979, tôi đoạt giải Nhì học sinh giỏi Văn quốc gia, Lê Bá Khánh Trình đoạt giải Tư học sinh giỏi Toán quốc gia rồi liền sau đó đoạt giải nhất và giải đặc biệt tại kỳ thi Olympic toán quốc tế/International Mathematical Olympiad (IMO) lần thứ XXI được tổ chức tại London, thủ đô Vương quốc Anh.
Năm 1980, tôi là sinh viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Lê Bá Khánh Trình qua Liên Xô học khoa Toán – Cơ Trường Đại học Tổng hợp Matxcơva mang tên Lomonosov. Giai đoạn sinh viên rồi nghiên cứu sinh ở Nga, lần nào về nước, Lê Bá Khánh Trình cũng tìm tôi để “bù khú cho đã”. Giờ đây, hạnh ngộ giữa Sài Gòn, hai đứa lại là bạn “đồng ngành, dị nghệ”. Nghĩa là cùng gọi Bộ GD&ĐT là “Bộ mình”, nhưng tôi mải mê sáng tác cùng nghiên cứu văn chương và làm báo, còn Lê Bá Khánh Trình thì chăm chú giảng dạy giải tích tại khoa Toán – Tin học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM. Đồng thời, anh còn rèn luyện hình học tĩnh và động cho các lớp chuyên toán của Trường THPT Năng khiếu trực thuộc trường này, ngoài ra còn thỉnh giảng toán tại một số nơi ở trong lẫn ngoài nước.
Đón Tết Canh Tý 2020, Lê Bá Khánh Trình cùng tôi dạo chơi đôi nơi. Đây là trích đoạn đối thoại trong cuộc du xuân thú vị ấy.

Từ sau khi ẵm giải Nhất, lại khua luôn giải Đặc biệt IMO năm 1979, Lê Bá Khánh Trình được báo chí khai thác “hơi bị” nhiều. Đề nghị bạn nói thật: Trong loạt bài đó, có những điểm nào “nhà văn tán láo, nhà báo bốc phét” chăng?
Chậc… Vô thiên lủng! Có bài báo ca ngợi rằng Lê Bá Khánh Trình từ tấm bé đã giải toán “cực kỳ cừ khôi”. Sự thật thì ngược lại. Lúc nhỏ, mình học yếu nhiều môn, kể cả Toán. Lớp có sĩ số 32 học sinh, tháng nào mình cũng bị xếp vị thứ 26 hoặc 27. Cha mẹ mình khuyên nhủ mãi, mình cố gắng ngoi dần. Đến cuối cấp II (nay là cấp THCS) Trường Thống Nhất ở Huế, mình đứng nhì lớp. Năm 1976, mình thi đậu vào lớp 10 khối chuyên Toán Trường Quốc Học.
Còn điều gì liên quan Lê Bá Khánh Trình bị báo chí phản ánh sai lầm?
Năm 1979, đội tuyển học sinh Việt Nam giỏi toán gồm “4 chàng ngự lâm pháo thủ” qua Luân Đôn tham dự IMO. 3 chàng kia – gồm Phạm Hữu Tiệp, Phạm Ngọc Anh Cương, Bùi Tá Long đều đoạt Huy chương Bạc. Mình đạt tổng điểm tối đa 42/42 nên giật Huy chương Vàng, lại hân hạnh nhận thêm giải đặc biệt dành cho thí sinh có lời giải “đẹp” nhất. Chẳng rõ căn cứ vào đâu mà có báo loan rằng đích thân nữ hoàng
Elizabeth đệ nhị trao giải cho Lê Bá Khánh Trình. Trật lất! Người trao giải cho mình là một nữ quận công đại diện cho nữ hoàng.
Bài thi IMO năm 1979 của Lê Bá Khánh Trình sau đó được đưa về Việt Nam, trưng bày trong Nhà Bảo tàng ở Huế?
Nhiều phóng viên nhìn thấy bài của Lê Bá Khánh Trình được trưng bày trong Nhà Bảo tàng nơi đường Lê Lợi, TP Huế, liền phán đoán thế. Thế là nhầm to! Sau khi tham gia IMO năm 1979 tại London, mình đã mang một số tờ giấy thi còn trống về. Các cán bộ bảo tồn bảo tàng đề nghị mình chép lại bài đã làm vào giấy thi đó để trưng bày. Đó là bản sao theo trí nhớ, chứ chẳng phải nguyên bản.
Với tư cách nhà sư phạm, Lê Bá Khánh Trình nghĩ gì về các cuộc thi học sinh giỏi nhiều môn cấp tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương, cấp quốc gia, và cấp quốc tế?
Các cuộc thi học sinh giỏi dù bất kỳ môn nào và cấp nào đều cần thiết, nhất là với mục tiêu đào tạo mũi nhọn. Tất nhiên, lo phát triển mũi nhọn thì không thể quên tăng cường giáo dục đại trà. Hãy lưu ý, các cuộc thi học sinh giỏi nhiều môn, nhiều cấp cũng là các cuộc chơi đầy trí tuệ. Mà chơi thì đừng quá căng thẳng. Nhiều nước mạnh về Toán như Đức, Pháp, Bỉ, Nga, Thuỵ Điển, Mỹ chẳng xem IMO là mốc to tát. Lại thêm: Chơi cho ra… chơi, rất cần chơi đẹp, thể hiện qua hệ thống đề được đầu tư xây dựng thoả đáng, đổi mới, kích thích thí sinh phát huy sáng tạo; thể hiện qua quy cách chấm khoa học, công bằng, minh bạch.
Sau khi đăng quang IMO 1979 tại Anh, Lê Bá Khánh Trình trở thành “cậu bé vàng của Toán học Việt Nam”, thời gian qua liên tục làm trưởng hoặc phó đoàn học sinh giỏi Toán Việt Nam dự thi IMO ở nhiều quốc gia. Thú vị nhỉ?
Theo quy định của IMO, các trưởng đoàn phải đến nước đăng cai để làm đề trước, các phó đoàn đi sau cùng lực lượng tuyển thủ. Với tư cách trưởng hoặc phó đoàn, mình từng sang Mêhicô, Colombia, Hong Kong, Brazil, Rumani... Xin nhận xét rằng lâu nay dẫu chưa đoạt thêm giải đặc biệt, nhưng học sinh giỏi toán Việt Nam ngày càng thông minh, nhanh nhẹn, chăm rèn luyện, chứng tỏ năng lực xuất sắc, nếu được đầu tư đúng đắn và phù hợp chắc chắn còn vượt trội. Thử tính Huy chương Vàng IMO mà chúng ta đã đoạt trong thế kỷ XXI này: Năm 2001 đoạt 1 Huy chương Vàng, 2002 đoạt 3 Huy chương Vàng, 2003 đoạt 2 Huy chương Vàng, 2004 đoạt 4 Huy chương Vàng, 2005 không Huy chương Vàng nào, 2006 đoạt 3 Huy chương Vàng, 2007 đoạt 3 Huy chương Vàng, 2008 đoạt 2 Huy chương Vàng, 2009 đoạt 2 Huy chương Vàng, 2010 không Huy chương Vàng nào, 2011 không Huy chương Vàng nào, 2012 đoạt 1 Huy chương Vàng, 2013 đoạt 3 Huy chương Vàng, 2014 đoạt 3 Huy chương Vàng, 2015 đoạt 2 Huy chương Vàng, 2016 đoạt 1 Huy chương Vàng, 2017 đoạt 4 Huy chương Vàng, 2018 đoạt 1 Huy chương Vàng, 2019 đoạt 2 Huy chương Vàng. Tất nhiên, đoạt Huy chương Vàng thì quá hồ hởi phấn khởi, nhưng đừng vì mong muốn thành tích ưu việt đó mà gây áp lực không đáng có đối với học sinh giỏi dự thi IMO. Với riêng bản thân mình, rất cảm động, rất đáng nhớ là IMO 2019 ở Anh, mình làm phó đoàn, hân hạnh gặp GS Tony Gardier – vị giám khảo từng chấm giải đặc biệt cho mình tròn 40 năm trước.
![]() |
Sài Gòn, 19/2/1999, chú rể Lê Bá Khánh Trình và cô dâu Phạm Thị Ái Trinh, phù dâu bìa trái là Nguyễn Thị Sơn Ca |
Hình như ít người biết rằng Lê Bá Khánh Trình trang bị vốn hiểu biết khá dày dặn về lịch sử, văn chương, hội h, điêu khắc, âm nhạc, kịch, điện ảnh, và cả thể thao?
Lần đầu thăm nhà riêng của mình, một số người tỏ vẻ ngạc nhiên: “Ồ! Một tủ rượu và mấy tủ sách báo. Chỉ xét nhan đề thì thấy số lượng đầu sách toán ít hơn văn và sử. Sao vậy hử?”. E thiên hạ ngạc nhiên hơn khi biết mình khoái sưu tập nhiều loại rượu do nhiều nước sản xuất để bày cho vui mắt, nhưng hiếm khi mình đưa cay. Mình cũng ưa ngắm tranh và tượng, ưa coi kịch và xem phim. Thể thao thì thỉnh thoảng chơi bóng bàn, chứ nổi bật là mình và bằng hữu ngồi cổ vũ một số trận World Cup được truyền hình trực tiếp. Sách thì mình thích đọc thơ, truyện, sử, nhưng mình sướng nhất là… truyện tranh, như mấy bộ Tintin, Lucky Lucke, Đôrêmon. Còn âm nhạc, ối dào, mình quá kết. Thuở học sinh Trường Quốc Học – Huế, mình từng hoà tấu guitar cổ điển bản Polonaise của Michal Kleofas Oginski. Thuở học Đại học Lomonosov bên Nga, mình là Trưởng ban văn nghệ của sinh viên Việt Nam trong khoa Toán - Cơ, từng ôm guitar mà dập phừng phừng để hú hát nửa pop nửa rock hao hao Beatles. Mới đây, dự tiệc vui mang tính salon (phòng khách), mình độc tấu piano dăm khúc Đường xưa lối cũ của Hoàng Thi Thơ và Nắng chiều của Lê Trọng Nguyễn, cũng khiến đồng nghiệp ngạc nhiên: “Sao vậy hử?”.
Lê Bá Khánh Trình bị miệng thế đồn thổi lắm chuyện y như thật, chẳng hạn chuyện vượt biên thuở trước, chuyện làm Chủ nhiệm hay Phó Chủ nhiệm khoa Toán Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM và làm Hiệu trưởng Trường THPT Năng khiếu hiện nay.
Trước khi sang Liên Xô du học, mình từ Huế ra Hà Nội luyện tiếng Nga ở Trường Đại học Ngoại ngữ tại quận Thanh Xuân. Năm 1990, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán lý thuyết tại Matxcơva, mình về nước, giảng dạy giải tích nơi Khoa Toán Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM. Năm 1996, đại học này mở Trường THPT Năng khiếu, mình dạy thêm hình học cho các lớp học sinh chuyên Toán. Mình chưa bao giờ làm Chủ nhiệm hay Phó Chủ nhiệm khoa Toán, càng chẳng có tên trong Ban Giám hiệu Trường THPT Năng khiếu.
![]() |
London, Anh, IMO 2019, TS Lê Bá Khánh Trình vui mừng gặp GS Toán học Anh Tony Gardiner. Ảnh: Trần Nam Dũng |
Vui Tết Canh Tý 2020, Lê Bá Khánh Trình có thể “tiết lộ” chuyện “gia thất duyên hài” cho bạn đọc gần xa biết được chăng?
Thì kể. Năm 1999, Lê Bá Khánh Trình thành hôn với một phụ nữ duyên dáng gốc Quảng Ngãi là Phạm Thị Ái Trinh – hiện làm nhân viên của Ngân hàng Mega tại TPHCM. Năm 2000, vợ chồng sinh gái đầu lòng Lê Hiền Ý Mai có tên thân mật là Các. Năm 2006, lứa đôi cho ra đời con trai Lê Bá Khánh Nguyên, tên thân mật là Kim.