Sau phần lễ khai giảng ngắn gọn, trang nghiêm, nhiều trường học tổ chức phần “hội” sôi nổi với các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa, văn nghệ mà học sinh là trung tâm của Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Qua đó, thầy cô và học sinh có tâm thế tốt nhất để bước vào năm học mới.
Ra sân ta cùng chơi
Đón học sinh trở lại trường sau 3 tháng nghỉ hè, Chi đoàn giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) “khoác” cho trường chiếc áo hoa mùa Thu thật đẹp bằng chính những nét vẽ tay đầy khéo léo. Thầy cô trao gửi yêu thương bằng trái tim đỏ dán lên má từng học sinh.
Các em lớp Một còn được nhận món quà nhỏ xinh, là chiếc bút chì kèm theo lời chúc ngắn gọn của thầy cô, với mong muốn các em có một năm học với nhiều trải nghiệm thú vị. Sau bài phát biểu ngắn gọn chào mừng năm học mới và đánh trống khai trường của hiệu trưởng là phần múa Lân vui hội. Học sinh toàn trường được xem và giao lưu cùng đội trống lân hoành tráng, đội kèn sôi động.
Ông Lê Văn Đồng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kon Plông (Kon Tum) cho biết: “Thời gian qua, đơn vị tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trang bị kỹ năng ứng phó với động đất cho giáo viên và học sinh. Trước khi vào năm học mới, những giáo viên cốt cán được tham gia tập huấn rồi về phổ biến lại cho thầy, cô ở các trường nhằm tuyên truyền, hướng dẫn học sinh ứng phó khi động đất xảy ra.
Đồng thời, Phòng cũng cử cán bộ theo dõi, giám sát và kiểm tra những kiến thức học sinh nắm được thông qua các buổi tập huấn. Đa phần trẻ có kỹ năng ứng phó rất tốt khi xảy ra động đất nên ngành Giáo dục, phụ huynh cũng yên tâm phần nào”.
Trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) rộn vang tiếng cười sôi nổi khi các góc sân đều có học sinh khối lớp chơi trò chơi dân gian. Học sinh khối lớp 2 chơi trò ném bóng trúng đích.
Góc dành cho học sinh lớp 3 đầy rộn ràng với trò chơi đổ nước vào chai. Các anh chị học sinh khối 4 và 5 hào hứng với trò chơi chuyền nhanh - nhảy nhanh. Vui nhộn nhất là hoạt động của các em khối lớp Một với trò chơi kẹp bóng.
Tiếng reo hò, những tràng pháo tay cổ vũ làm sân trường náo nhiệt, vui tươi và tràn đầy nụ cười hạnh phúc. Chắc chắn đây sẽ là ngày khai giảng đầu tiên, đầy ấn tượng trong ký ức của những học sinh khối Một.
Sau khai giảng, Trường THCS Trà Mai (Nam Trà My, Quảng Nam) tổ chức tuần lễ thể thao với giải bóng chuyền nam - nữ ở tất cả khối lớp. Ba năm trở lại đây, khi xã Trà Mai hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, học sinh Trường THCS Trà Mai không còn hưởng các chính sách hỗ trợ của vùng đặc biệt khó khăn, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao đầu năm học và sau kỳ nghỉ Tết để thu hút học sinh đến trường.
“Học sinh miền núi rất thích hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi. Nếu nhà trường tạo được không khí vui tươi, không quá áp lực việc học tập trong những ngày đầu đi học sau khai giảng thì học sinh sẽ hứng thú đến trường”, thầy Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Sau thời gian dài nghỉ hè, việc huy động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ chuyên cần được các địa phương, nhà trường đặt lên hàng đầu.
Thầy Nguyễn Thừa Kiên - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học - THCS xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei, Kon Tum) cho biết, để duy trì tỷ lệ chuyên cần, trước khi bước vào năm học mới, toàn bộ giáo viên của trường đến các làng, gia đình vận động phụ huynh đưa học sinh ra lớp.
Bên cạnh đó, ngoài các chính sách hỗ trợ chi phí học tập mà học sinh được thụ hưởng, nhà trường còn kêu gọi nhà hảo tâm, thầy cô chung tay giúp đỡ những em khó khăn, mồ côi cha mẹ có đầy đủ sách, vở khi đến trường. Từ đó, giúp học sinh vui vẻ, phấn khởi bước vào năm học mới.
Em A Bloong Phước - học sinh lớp 1A, Trường PTDTBT Tiểu học - THCS xã Mường Hoong hân hoan, hạnh phúc bước vào năm học mới với đầy đủ sách vở, quần áo. “Được thầy, cô quan tâm, hỗ trợ sách vở và quần áo, em thích lắm. Đến lớp học chữ và chơi cùng các bạn, em thấy vui hơn ở nhà”, em A Bloong Phước bộc bạch.
Ngày khai giảng của Ksor Hnguyên - học sinh lớp 12D, Trường Phổ thông DTNT tỉnh Gia Lai lại xen lẫn niềm vui và một chút nỗi buồn. Em Ksor Hnguyên vui vì được gặp lại thầy cô và bạn bè, còn thoáng buồn vì đây là năm học cuối cấp.
“Đến trường được gặp lại bạn bè và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc, em rất vui. Để quãng đời học sinh thật sự ý nghĩa, em sẽ cố gắng học thật tốt và sẻ chia nhiều hơn với thầy cô, bạn bè. Hy vọng rằng, tất cả mọi người đều thực hiện được ước mơ của mình”, em Ksor Hnguyên tâm sự.
Chống “sốc” cho học sinh
Với học sinh lớp 3, Trường Tiểu học – THCS Đăk Tăng (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, Kon Tum) năm học 2024 - 2025 là lần đầu tiên các em ở bán trú, xa vòng tay của gia đình nên thầy, cô giáo dành sự quan tâm đặc biệt.
Cô giáo Nguyễn Thị Linh Phương tâm sự, làm quen với môi trường tập thể nên nhiều học sinh lớp 3 còn bỡ ngỡ với nền nếp sinh hoạt. Do đó, giáo viên quan tâm, hướng dẫn các em từ việc vệ sinh cá nhân và ăn, ngủ, sinh hoạt.
Để học sinh sớm hòa nhập, hằng ngày, giáo viên đến từng phòng đánh thức và hướng dẫn các em đánh răng, rửa mặt, tập thể dục và ăn uống. Cùng với đó, giáo viên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ truyền thống để trò người Xơ Đăng thích thú khi ở trường.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) không có điểm lẻ ở các thôn nóc nên học sinh lớp Một đã phải làm quen với môi trường nội trú.
Thầy Hiệu trưởng Võ Đăng Chín cho biết: “Học sinh lớp Một được bố trí 2 phòng ngủ rộng tương đương với phòng học. Trong tuần đầu tiên, ngoài 2 người lớn tuổi đại diện của nóc dẫn học sinh xuống núi, sẽ có thêm một vài phụ huynh “đi học cùng con” để tập cho trẻ thích nghi với môi trường nội trú. Nhà trường tạo điều kiện để phụ huynh ăn ở, sinh hoạt cùng trong những ngày đầu, để các em bớt đi sự bỡ ngỡ”.
47 học sinh lớp Một của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam được thầy cô cùng các anh chị hướng dẫn để làm quen với nền nếp sinh hoạt nội trú như giờ tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng tập trung tại nhà ăn, cách giữ gìn nhà vệ sinh, sắp xếp đồ dùng cá nhân gọn gàng, sạch sẽ…
Sau khai giảng, học sinh khối 2 - 9 của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam có 2 ngày để tự bao bọc sách vở, chuẩn bị đồ dùng học tập, làm quen với các thiết bị, đồ dùng học tập như thư viện, máy tính ở phòng Tin học…
Thầy hiệu trưởng sẽ dành riêng một buổi để hướng dẫn học sinh khối 6 về những khác biệt so với những năm tháng ở cấp tiểu học. Học sinh chuẩn bị tâm lý làm quen với việc mỗi môn học sẽ do một thầy, cô giáo đứng lớp, phương pháp học ở lớp 6, giới thiệu các môn học, số lượng bài kiểm tra, hình thức kiểm tra; số tập vở đi liền từng môn học. Đặc biệt, cách ghi bài học vào vở cũng có sự khác biệt.
Cùng với “chống sốc” cho học sinh, Ban giám hiệu Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam cũng hướng dẫn giáo viên, trong thời gian đầu của năm học, nhắc nhở học sinh những nội dung nào cần chép vào vở; hướng dẫn học sinh phương pháp học tập phù hợp với đặc điểm bộ môn. Có thể sẽ phải đợi vài phút để học sinh kịp chép bài.
Còn theo chia sẻ của thầy Võ Thanh Phước - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), thường thì học sinh lớp 6 phải mất khoảng 2 - 3 tuần để bắt nhịp với sự thay đổi về môi trường, phương pháp học ở cấp THCS, đặc biệt là cách ghi chép bài, chuẩn bị bài ở nhà… Để hỗ trợ cho học sinh, giáo viên phải tỉ mỉ khi hướng dẫn phương pháp học bộ môn ở tiết học đầu tiên của mỗi môn học.
Học sinh khối lớp 6 được Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Huệ dành riêng một buổi để “hướng dẫn sử dụng thầy cô và các khu vực lớp học”. Theo đó, học sinh khối lớp 6 được lưu ý nên tìm hiểu và ghi nhớ vị trí phòng các thầy cô ban giám hiệu, phòng y tế, phòng Đội, thư viện, phòng bộ môn, nhà vệ sinh, căng tin, khu vực nước uống, khu vực bỏ rác, khu vực có vòi nước…
Khác với bậc tiểu học, mỗi môn học ở bậc THCS đều do một giáo viên đảm nhiệm. “Ngay những buổi đầu tiên, các em nên ghi nhớ tên thầy cô, tập trung lắng nghe để quen giọng nói, phương pháp học bộ môn theo cách mỗi thầy cô truyền đạt.
Xin số điện thoại hoặc cách liên hệ với thầy cô để hỏi bài thầy cô khi cần”, cô Phạm Thị Thùy Loan - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ lưu ý và thông tin: Nội dung và phương pháp học của mỗi môn khác nhau, có thể khác nhau ở các cách dạy của các thầy cô nữa nên đa số các bạn vừa lên lớp 6 bị ngợp kiến thức, nhiều bạn học rất vất vả. Đây chính là khó khăn lớn nhất của học sinh lớp 6 cần có sự đồng hành của cả giáo viên và phụ huynh.
Năm học 2024 - 2025, Trường THPT Sơn Trà (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đề ra mục tiêu 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT 2025. Thầy Hiệu trưởng Bùi Minh Quảng cho hay: “Đây là khóa đầu tiên trải qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 với nhiều đổi mới trong kiểm tra, đánh giá nên học sinh phải được chuẩn bị thật kỹ lưỡng để thích ứng”.
Trường THPT Sơn Trà gửi Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cho phụ huynh, học sinh nắm được tinh thần của những thay đổi, điều chỉnh trong thi cử, tuyển sinh. Sau khai giảng, nhà trường tổ chức cho học sinh đăng ký 2 môn tự chọn, trên cơ sở đó lên kế hoạch ôn tập cho học sinh.
Để phù hợp với những đổi mới trong kiểm tra, đánh giá đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, cán bộ, giáo viên cốt cán của Trường THPT Sơn Trà được tập huấn xây dựng ngân hàng đề cho tất cả môn theo định hướng đánh giá năng lực và sẽ triển khai áp dụng cho các bài kiểm tra trong đánh giá kiểm tra thường xuyên, bài kiểm tra định kỳ trong năm học này để học sinh làm quen, rèn luyện.
Trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân
Bên cạnh những hoạt động đồng hành, hỗ trợ quần áo, sách vở cho học sinh ra lớp, trước khi bước vào năm học mới, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) tổ chức chiến dịch Hoa phượng đỏ năm 2024 tại Trường THCS - THPT Phạm Hồng Thái (huyện Chư Păh).
Thông qua chiến dịch, hơn 400 học sinh của các trường THPT trên địa bàn huyện được cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Chư Păh tuyên truyền kiến thức pháp luật và Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng - chống ma túy, kỹ năng phòng - chống bạo lực học đường.
Cùng với đó, Huyện đoàn Chư Păh tổ chức Hội thi tiếng Anh để các em có cơ hội tìm hiểu, trình bày những hiểu biết của bản thân liên quan đến Luật Giao thông đường bộ. Hoạt động này không chỉ giúp học sinh “khởi động” để bước vào năm học mới, mà còn trang bị kiến thức cần thiết để các em tránh vi phạm quy định của pháp luật.
Tại huyện Kon Plông (Kon Tum), năm học mới bắt đầu bằng hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn học sinh ứng phó với động đất.
Sau tiếng hô giả định có động đất xảy ra, hàng chục học sinh Trường Tiểu học Măng Đen (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) nhanh chóng ẩn nấp dưới gầm bàn, tay che đầu để đảm bảo an toàn. “Thầy cô dạy nếu đang học ở tầng 1 thì phải chạy ra sân trường, nơi vắng vẻ không có cột điện, cây cối để tránh động đất. Còn ở tầng 2 thì trốn dưới gầm bàn đợi khi rung chấn kết thúc và có người đến ứng cứu”, em Nguyễn Bình Gia Khang nói.
Là học sinh lớp 8, Trường Tiểu học - THCS Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, nhà em Y Thuận ở thôn Vi Ring ở vùng tâm chấn nên thường xuyên cảm nhận được những trận rung lắc. Sau hơn 2 tháng nghỉ hè, được gặp lại thầy cô và bạn bè, Y Thuận vui lắm. Đến trường, em được hỗ trợ sách vở và chỗ ăn, ở để đảm bảo việc học tập. Cùng với đó, tiết học đầu tiên của Y Thuận là cách thoát nạn khi động đất xảy ra.
“Động đất ở đây xảy ra liên tục. Thời gian đầu, em thấy sợ nhưng do nhiều quá nên quen dần. Thầy, cô giáo hướng dẫn chúng em cách thoát nạn khi động đất xảy ra là chui xuống gầm bàn hoặc chạy đến khu vực không có cây cối, trụ điện… để tránh thương tích. Còn nếu động đất xảy ra vào buổi tối, khi đang ngủ thì phải lập tức ẩn nấp dưới gầm giường và tránh xa các cửa sổ, cửa ra vào”, em Y Thuận chia sẻ.
Năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học - THCS Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông có 317 học sinh, trong đó trên 98% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Nhà xa, giao thông đi lại khó khăn, có thôn làng cách trường 20km nên hơn 160 học sinh được tạo điều kiện ăn ở nội trú.
Theo thầy Hiệu trưởng Phan Văn Nam, những ngày đầu năm học mới, thông qua các tiết học hoặc buổi sinh hoạt ngoại khóa, nhà trường tuyên truyền, hướng dẫn học sinh cách ứng phó với động đất, bão lũ và sạt lở. Với việc ẩn nấp dưới gầm bàn, giường và tránh xa chỗ tạm bợ thì khi động đất mạnh xảy ra sẽ giúp học sinh hạn chế thương tích.
Sân Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) còn được lắp các biển báo giao thông, đèn xanh đèn đỏ để học sinh nhận diện được hàng ngày nhằm nhớ các ký hiệu, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Tùy theo từng độ tuổi, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Sơn Bua (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) được hướng dẫn các kỹ năng chăm sóc bản thân phù hợp để phòng chống dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh nơi ở cùng kỹ năng phòng chống bạo lực, tránh bị xâm hại tình dục.
Trong đó, học sinh buộc phải nhớ các nguyên tắc tối cần thiết như không nhận quà từ người lạ, không để ai sờ soạng vào khu vực mặc bikini, tránh thay đồ hay đi vệ sinh nơi không kín đáo, không đi một mình khi trời tối hay ở những nơi quá vắng vẻ..., la lên để người khác hỗ trợ khi bị người lạ tấn công, không được im lặng nếu như mình là nạn nhân bị xâm hại.
Các em được rèn thói quen mắc màn khi đi ngủ; phòng ở được cấp phát đầy đủ dung dịch sát khuẩn, xà phòng diệt khuẩn, các dụng cụ cọ rửa nhà vệ sinh, phòng ở để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh.
Năm học 2024 – 2025 là năm thứ 3 thầy Nguyễn Văn Nhân dạy tại điểm trường Ông Bình, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
“Thuận lợi nhất là các em tiếp xúc hằng ngày với thầy giáo ngay từ khi còn đang học mẫu giáo nên không có sự rụt rè. Tuy nhiên, các em chưa diễn đạt tốt bằng tiếng Việt, chưa nói được câu dài. Trong khi đó, năm học này, có đến 11 học sinh lớp Một. Phải dạy ghép cả lớp 1 - 2 nên giáo viên sẽ vất vả hơn trong phân chia thời gian cho hoạt động của mỗi lớp”, thầy Nhân chia sẻ.
Dự định, trong thời gian đầu, thầy Nhân sẽ dạy phụ đạo miễn phí vào buổi tối để các em đọc thông viết thạo, nắm vững các kiến thức, kỹ năng cần thiết.