Xử lý trên tinh thần nhân văn
Thông tin tới báo chí, PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh - Phụ trách trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - khẳng định: Nhà trường sẽ tổ chức xem xét mức độ và xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả xử lý vụ việc với các cơ quan quản lý cấp trên trong thời gian sớm nhất.
Ông L.M.T- giảng viên trong vụ việc cũng đã nhận thức rõ những vấn đề khiến người xem video bức xúc và gửi lời xin lỗi về các câu hỏi, câu nói kích thích người học (sinh viên) của ông đã gây xúc phạm đến sinh viên và người xem.
Giảng viên T cam kết sẽ khắc phục tình huống sư phạm như buổi học trên và hứa sử dụng phương pháp mềm dẻo hơn trong việc giảng dạy. Ông T bày tỏ vô cùng đáng tiếc vì sự việc này đã gây ảnh hưởng đến mọi người.
Việc một giảng viên để ra sai sót trong nghiệp vụ sư phạm và xử lý tình huống đã nhận ra lỗi sai của mình và hứa sẽ khắc phục đã thể hiện sự tiếp thu và cầu thị. Việc xử lý kỷ luật giảng viên trên theo nhiều cán bộ, giảng viên các trường đại học là cần thiết nhưng phần đông cho rằng nhà trường vẫn nên tạo cơ hội cho giảng viên để sửa sai.
Ông T.T.H- giảng viên bộ môn Kinh tế một trường đại học nhìn nhận: Việc nóng giận và thiếu kiềm chế khi xử lý tình huống sư phạm nảy sinh là điều nhiều người có thể mắc phải. Tuy nhiên, theo ông H khi đã đứng ở trên vai trò một người thầy thì bất cứ giảng viên nào cũng cần phải ý thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình theo luật. Đặc biệt là phải tôn trọng các quyền và lợi ích của người học theo quy định của Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018.
Sau vụ việc xảy ra, Trường ĐH SPKT TPHCM đã nhanh chóng rà soát quy chế tổ chức giảng dạy trực tuyến, tổ chức bồi dưỡng giảng viên về nâng cao hiệu quả và kiểm soát tình huống trong dạy học trực tuyến để khắc phục những hạn chế và nâng cao tính tương tác, tạo môi trường giao tiếp hiệu quả .
Đừng quên quyền được pháp luật bảo vệ của người học
Theo luật sư Lê Bá Thường- Đoàn luật sư TPHCM- Giám đốc công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành, vụ việc giảng viên vì nóng giận mà đuổi sinh viên khỏi lớp học là rất đáng tiếc.
Hành vi này của giảng viên xét ở góc độ pháp luật có thể sẽ bị xem xét vi phạm về cách ứng xử của giảng viên theo quy định là phải tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học (khoản 5 Điều 55 Luật Giáo dục đại học 2018).
“Giảng viên trên đã nhận thấy lỗi của mình và đưa ra lời xin lỗi với sinh viên. Nhưng những ngôn ngữ mà ông ta đưa ra, yêu cầu từng sinh viên phải nói lại trước toàn thể lớp học như: "Tôi tên Nguyễn Văn A..., tôi có đủ miệng và tai, các giác quan như người bình thường" thì có thể sẽ bị xem xét về quy định vi phạm các hành vi giảng viên không được làm đối với sinh viên là xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học và người khác (khoản 1 Điều 55 Luật Giáo Dục đại học 2018)”- Luật sư Thường phân tích.
Luật sư Lê Bá Thường cho hay, theo quy định quyền và nghĩa vụ của người học thì sinh viên có quyền đóng góp ý kiến, tham gia quản lý và giám sát hoạt động giáo dục và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và được bảo đảm điều kiện học tập (khoản 5 và 6 Điều 60 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018).
Do đó, sau khi nhà trường xác minh giảng viên nếu có vi phạm về hành vi thiếu tôn trọng hoặc xúc phạm sinh viên thì giảng viên có thể sẽ bị xử phạt hành chính ở hành vi: “Vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học; vi phạm quy định về chính sách đối với người học” với mức phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng và phải xin lỗi công khai sinh viên bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm (Điều 28 Nghị định 04/2021/NĐ-CP).
“Đứng ở góc độ người thầy tôi hoàn toàn đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn và bất tiện khi phải dạy online của giảng viên. Tuy vậy, cá nhân tôi nghĩ người thầy cũng nên đặt mình vào vị trí của sinh viên. Bởi thực tế, không phải sinh viên nào cũng có điều kiện kinh tế để mua sắm được thiết bị laptop, loa và tai nghe để phục vụ cho việc học... Đó là chưa kể việc trục trặc âm thanh, hình ảnh do đường truyền là ngoài ý muốn của người học.
Việc tự cho mình cái quyền làm thầy để có thể buông ra những lời lẽ không phù hợp, gây tổn thương đến sinh viên rồi xin lỗi thì xét ở góc độ nào đi nữa cũng khó để chấp nhận”- Luật sư Thường chia sẻ.
Trước đó, tối 17/9, trên mạng xã hội lan truyền một video ghi lại cảnh học online của một lớp học. Trong quá trình học, khi giảng viên đặt câu hỏi cho cả lớp thì có sinh viên xin thầy giảng lại vì nghe không rõ do trời mưa quá to. Giảng viên trên ngoài việc từ chối không giảng lại và yêu cầu sinh viên khắc phục bằng đeo tai nghe. Sinh viên trình bày đã đeo nhưng vẫn không nghe rõ…Thầy giáo nổi nóng đuổi sinh viên khỏi lớp cùng những ngôn từ đi kèm không phù hợp.
Sau khi “bắn nick” sinh viên khỏi phòng học vì lý do không nghe rõ thầy giảng bài, vị giảng viên trên yêu cầu cả lớp mở webcam lên để thầy nhìn rõ mặt, đồng thời ra lệnh từng sinh viên mở mic và nói nguyên văn câu: "Tôi tên..., có đủ miệng và tai, giác quan như người bình thường" gây bức xúc và phẫn nộ cộng đồng mạng .