Kỷ luật hàng loạt cán bộ và nhân viên
Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết: Hình thức xử lý với Ban lãnh đạo Trung tâm hỗ trợ xã hội TPHCM là rất nghiêm khắc và có tính răn đe. “Quan điểm của Sở LĐ-TB&XH là xử nghiêm, đúng người đúng tội và không bao che” - ông Tấn khẳng định.
Sau khi Trung tâm bảo trợ xã hội TP.HCM thành lập hội đồng kỷ luật theo chỉ đạo của Ban giám đốc Sở, căn cứ trên các tình tiết vụ việc và phân tích vị trí, vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân để xảy ra vụ việc, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM quyết định giáng chức từ Giám đốc Trung tâm xuống làm Phó Giám đốc với bà Võ Thị Thanh Kim. Kỷ luật cảnh cáo và phê bình nghiêm khắc với hai Phó Giám đốc là ông Phạm Đình Lương và bà Nguyễn Thanh Thảo.
Riêng ở cấp phòng gồm Phòng bảo trợ xã hội, Phòng Quản lý hồ sơ - Giáo dục tư vấn, các lãnh đạo đều bị xử lý kỷ luật ở mức phê bình nghiêm khắc, cảnh cáo. Gần 20 nhân viên, viên chức các phòng phối hợp kiểm tra, khu quản lý đối tượng, khu y tế bị xem xét về thi đua. Ngoài việc bị xử lý về mặt chính quyền, các cá nhân sai phạm còn bị xử lý về mặt Đảng nếu là đảng viên.
Với lãnh đạo cấp Sở, người bị đề nghị xem xét kỷ luật ở hình thức phê bình nghiêm khắc là ông Trần Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở. Do ông Sơn là cán bộ của Sở nên đề nghị kỷ luật phải chờ UBND TP xem xét.
Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM thừa nhận, đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng. Tuy việc xảy ra ngoài ý muốn của Sở, nhưng đã để lại cho cá nhân ông cùng Ban giám đốc bài học sâu sắc về công tác quản lý.
Tăng cường kiểm tra giám sát sau vụ việc
Ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã chỉ đạo 17 trung tâm bảo trợ khác phải quán triệt nghiêm công tác quản lý, chăm sóc đối tượng, đặc biệt là công tác giám sát hàng ngày.
Hiện đến thời điểm này công tác tổng kiểm tra, rà soát 17 trung tâm bảo trợ xã hội để chấn chỉnh nội quy, quy chế chế độ chăm sóc cho những đối tượng yếu thế tại TP.HCM cơ bản đã hoàn tất.
Việc kiểm tra và tổng rà soát 17 trung tâm theo ông Lê Minh Tấn là để “vá” những lỗ hổng trong công tác giám sát, quản lý, chăm sóc trẻ tại các đơn vị nếu có. Đồng thời gia tăng, thiết lập thêm các hình thức, kênh giám sát việc chăm sóc trẻ tại các đơn vị được tốt hơn, triệt tiêu mọi nguy cơ về một vụ việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
“Sau kiểm tra, rà soát, các vấn đề nào còn bất cập sẽ được bàn giải, triển khai sao cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu được tốt hơn và tuyệt đối an toàn” - ông Tấn cho biết.
Trước đó, như Báo Giáo dục và Thời đại đã thông tin, ông Nguyễn Tiến Dũng, nhân viên Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM đã có hành vi dâm ô 3 bé gái đang được quản lý tại đây. Sau khi nhận được đơn tố giác và phản ánh của báo chí ngày 17/11/2019, các ngành chức năng của TP.HCM đã nhanh chóng vào cuộc xử lý.
Ngay trong chiều 17/11/2019, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã ra quyết định bắt người trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Nguyễn Tiến Dũng để điều tra về hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Ngày 18/11/2019, Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Dũng và chuyển hồ sơ qua Viện Kiểm sát chờ phê chuẩn.