Vụ tài xế xe Thành Bưởi gây tai nạn, chủ xe chịu trách nhiệm gì?

GD&TĐ - Theo Luật sư Trương Hồng Điền, nếu chủ xe vẫn giao xe cho tài xế bị tước bằng lái thì có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: HP.
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: HP.

Có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự?

Luật sư Trương Hồng Điền - Trưởng Văn phòng luật sư Xuân Phú (Đoàn luật sư TPHCM), cho biết căn cứ theo điều 4, thông tư 12/2020/TT-BGTVT, trước khi người lái xe vận chuyển hành khách, người điều hành vận tải phải kiểm tra các giấy phép cần thiết như giấy phép người lái xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; giấy vận tải,…

Hơn nữa, chủ xe hoặc người quản lý phải nắm bắt sự việc qua camera hành trình và bố trí tài xế khác điều khiển xe tiếp tục hành trình sau khi tài xế bị tước bằng. Do đó, chủ xe cần biết tài xế đang bị tước giấy phép lái xe, hoặc buộc phải biết.

Nếu chủ xe vẫn giao xe cho tài xế bị tước bằng lái thì có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự theo điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi về tội “giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Để xử lý vụ việc trên, cần xác định tài xế bị tước giấy phép lái xe có thời hạn là người đang không có giấy phép lái xe tương ứng với hạng xe gây tai nạn.

Trong vụ việc trên, chủ xe là bên sử dụng lao động nên phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân và gia đình của người bị thiệt mạng. Sau đó, giữa chủ xe và tài xế sẽ phân định trách nhiệm liên đới bồi thường.

Trường hợp xác định được chủ xe không thể biết tài xế bị tước bằng (rất khó chứng minh) thì sau khi bồi thường, chủ xe có quyền yêu cầu tài xế bồi hoàn lại cho mình.

Đối với việc khoán xe cho tài xế để ăn chia lợi nhuận phải có hợp đồng. Khi có hợp đồng khoán phải làm rõ thời điểm ký, nội dung công việc được khoán và trách nhiệm các bên. Khi đó mới có căn cứ xử lý tiếp theo.

Tài xế Hoàng Văn Tính điều khiển xe khách của hãng Thành Bưởi trong thời gian bị tước bằng lái xe, gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 5 người và thiệt hại về sức khỏe, tài sản khác là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Theo luật sư Trương Hồng Điền, hành vi này đủ căn cứ để bị xử lý trách nhiệm hình sự theo khoản 3, điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Đồng thời, tài xế phải tự mình hoặc liên đới bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân bị thiệt mạng; bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tài sản của những nạn nhân, bị hại khác.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức hỏi thăm các nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn. Ảnh: H.P.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức hỏi thăm các nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn. Ảnh: H.P.

Đề nghị cung cấp dữ liệu giám sát hành trình của xe tải, xe khách trên quốc lộ 20 cho công an

Trước đó, ngày 1/10, thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, tài xế Hoàng Văn Tính (37 tuổi, ngụ huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm 5 người chết, 4 người bị thương trên quốc lộ 20 đang bị Công an tỉnh Lâm Đồng tước bằng lái 3 tháng.

Hiện cơ quan điều tra Công an huyện Định Quán đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với tài xế Tính để điều tra về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo điều tra ban đầu, khoảng 2 giờ 30 phút ngày 30/9, tài xế Tính điều khiển xe khách Thành Bưởi giường nằm biển số 50F-004.83 lưu thông trên quốc lộ 20 (hướng từ Dầu Giây đi Đà Lạt) đâm vào xe ô tô 16 chỗ biển số 86B-015.75 điều khiển khiến 9 người thương vong.

Được biết, tốc độ giới hạn tại khu vực xảy ra tai nạn giữa xe Thành Bưởi và xe khách 16 chỗ có tốc độ tối đa 50km/giờ vì đông dân cư. Tuy nhiên, qua kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, xe Thành Bưởi khi va chạm chạy tốc độ 69km/h, vượt quá quy định, không giữ khoảng cách an toàn rồi lách qua làn, quẹt vào đuôi xe tải lấn sang làn bên cạnh dẫn đến va chạm với xe chạy chiều ngược lại.

Tại buổi làm việc với Đồng Nai chiều 30/9, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cung cấp toàn bộ dữ liệu giám sát hành trình của xe vận tải hành khách và hàng hóa lưu thông trên quốc lộ 20 cho Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Lâm Đồng.

Qua đó, lực lượng chức năng 2 tỉnh sẽ có biện pháp kiểm soát việc lưu thông trên toàn tuyến quốc lộ 20 cũng như việc chấp hành quy định về an toàn giao thông, quy định kinh doanh vận tải. Trên cơ sở thông tin của các phương tiện, công an 2 tỉnh sẽ có biện pháp tổ chức tuần tra, kiểm soát phù hợp với thời gian hoạt động của các loại xe, góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ này.

Ông Khuất Việt Hùng cũng nhận định, quy định về gắn camera hành trình, thiết bị giám sát hành trình trên các xe kinh doanh vận tải là rất đúng đắn. Các thiết bị này đã giúp ích cho công tác điều tra, xử lý các vụ tai nạn giao thông; đặc biệt xác định trách nhiệm của các tài xế liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ