Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, những người công nhân của Tập đoàn Sam Sung (Hàn Quốc) tại khu kinh tế Formosa đang đứng ngồi bồn chồn. Suốt đêm qua, họ đã thức trắng, vật lộn với sắt, thép, và những khối bê tông nặng, kéo từng người anh em, từng người bạn ra khỏi đống đổ nát, đưa đến bệnh viện cấp cứu. Rồi lại giúp đỡ gia đình những nạn nhân xấu số đưa thi thể con, em họ ra về.
Anh Lê Viết Tiến (Thiệu Sơn, Thanh Hóa) khuôn mặt bơ phờ sau 1 đêm chứng kiến cảnh tượng đau thương, kinh hoàng: “Nghe tiếng sập cái rầm, tôi giật mình rợn cả người, đứng không vững, vì biết anh em mình đang làm việc ở đó.
Chạy ra đến nơi, thấy toàn bộ giàn giáo đổ sập, tiếng la hét, kêu cứu khắp nơi, khung cảnh hết sức hỗn độn. Anh em công nhân chúng tôi lúc đó chỉ biết cố hết sức lực để kéo người bị thương ra khỏi đống đổ nát.”
Cả ngày hôm nay, anh Tiến cùng nhiều công nhân khác đứng trực ở sân bệnh viện, giúp đỡ, động viên, an ủi người nhà những nạn nhân xấu số: “Họ đều là anh em với chúng tôi cả. Chúng tôi vừa tìm kiếm, đưa họ ra khỏi đống bê tông, sắt thép, vừa hi vọng họ sẽ không sao, nhưng nhiều người đã chết, mình bê bết máu, biến dạng… đau đớn lắm”, anh nghẹn giọng.
Cuối giờ chiều 26/3, tại bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh chỉ còn nạn nhân Trần Công Minh đang được tổ chức khâm liệm, phía ngoài, ông Trần Ngọc Sỹ bố của nạn nhân vừa bắt xe từ Quảng Bình ra chỉ biết nhìn con qua cửa gọi tên con: Minh ơi!, sao con lại lặng im, bố đau thắt lòng lắm con ơi…
Trước đó, khoảng hơn 1 giờ sáng 26/3, vợ chồng ông Sỹ nhận được điện thoại báo tin con mình bị tai nạn ở công trường, cả hai vợ chồng lật đật bắt xe Hà Tĩnh, cầu mong con mình chỉ bị thương…
Ra đến nơi, ông bà được mọi người đưa đến bệnh viện nhưng không phải vào phòng hồi sức cấp cứu mà lại đi ra phía nhà xác lạnh lẽo. Mẹ nạn nhân chỉ kịp thốt ra trời ơi rồi ngất lịm.
Ngất lên ngất xuống, người mẹ già nói như hụt hơi: “Con vừa gọi điện về cho mẹ, nói mẹ ở nhà yên tâm, con đi làm kiếm tiền gửi về cho mẹ, chừ mà con nằm im không nói năng chi cả con ơi! Mẹ làm răng mà sống nổi đây...".
Đêm 25 đến rạng sáng 26/3, các nạn nhân tử vong đã được đưa về nhà xác của bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh để làm công tác khâm liệm trước lúc người nhà đến đón nhận để đưa các nạn nhân về quê an táng.
Ký ức kinh hoàng
May mắn thoát chết trong vụ sập giàn giáo kinh hoàng, bị gãy xương ở đùi và mông phải nằm cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh, vẫn chưa hết bàng hoàng, công nhân Nguyễn Văn Bảo (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) kể lại: “Đây là hạng mục thi công giếng chìm, đê chắn sóng, công trình cảng biển Sơn Dương. Lúc đó, có hơn 40 công nhân đang thi công mái giàn phom (làm sạch những bê tông còn sót lại sau khi đã đúc xong một khối bê tông), tới khi hạ giàn xuống mới hạ được một đoạn thì tôi thấy rung lắc, lạo xạo.
Tuy nhiên, lúc đó anh em vẫn được lệnh chỉ huy là cho hạ xuống, hạ được thêm một đoạn thì trong tích tắc, cả giàn giáo đổ sập xuống. Tôi chỉ nghe tiếng kêu cứu thất thanh của rất nhiều người và trước mắt tôi là một đống đổ nát…”.
Nằm cạnh giường anh Bảo là nạn nhân may mắn Nguyễn Văn Tài (SN 1993, Diễn An, Diễn Châu, Nghệ An). Anh Tài nhớ lại: Trong lúc chúng tôi đang thi công hạ giàn phom để đổ bê tông thì cả giàn phom hàng ngàn tấn sắt đổ sập xuống. Tôi may mắn bị kẹt vào những thanh sắt, thép nên khi bị rơi xuống, tôi vẫn tỉnh, la hét gọi người đến cứu. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không tin nổi là mình còn sống sót.
Anh Tài cho biết thêm: Vào trước thời điểm xảy ra vụ tai nạn, công nhân chúng tôi đã cảm thấy có bất ổn về giàn giáo. Khi đang tiến hành mài thép ở phía trên giàn giáo, nhiều người đã hoảng sợ vì hai lần liên tiếp giàn giáo rung chuyển.
Tai họa đã được báo trước nhưng không có một ai đi kiểm tra. Cho đến một lúc sau thì có một quản lý người nước ngoài đến chỉ đạo anh em chúng tôi: "Cứ làm đi, không phải lo gì, thế là mọi người làm tiếp. Thế rồi khoảng hơn 20 phút sau, cả giàn giáo bất ngờ đổ sập”.
Anh Cao Giang Nam (36 tuổi, Diễn An, Diễn Châu) đang chăm sóc cháu bị thương trong vụ sập giàn giáo xót xa: "Thật khủng khiếp, trong tích tắc mà tất cả đã sụp đổ, vùi lấp hết, xung quanh đầy tiếng la hét của công nhân.
Tôi làm việc ca trước, nếu không có lẽ giờ này đã không ngồi đây. Những anh em công nhân bị nạn, họ làm ca 13h chiều đến 1h sáng, lúc bị nạn, chắc họ đang mệt lắm”!
Trung tá Vũ Thế Chiến (Lực lượng cứu hộ, cứu nạn quốc gia) cho biết: số liệu chính xác cuối cùng, vụ tai nạn sập giàn giáo ở khu công nghiệp Formosa (Kỳ Anh Vũng Áng, Hà Tĩnh) có 13 người tử vong, 28 người bị thương.
Đến thời điểm hiện tại, những nạn nhân tử vong đã được đưa về quê nhà an táng, còn các nạn nhân bị thương đang được cấp cứu, theo dõi tại các bệnh viện ĐK Kỳ Anh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh… Một số nạn nhân nguy kịch đã được chuyển ra Hà Nội ngay trong đêm.