Daniel Pearl, phóng viên của tờ The Wall Street Journal bị tổ chức khủng bố khét tiếng Al-Quaeda bắt cóc ở Pakistan năm 2002. Điểm chung trong hai vụ hành quyết nhà báo là họ đều bị các phần tử cực đoan chặt đầu và sau đó tung video lên mạng.
“Tôi ước có thêm thời gian”
Trong đoạn video xuất hiện trên Youtube hôm 19/8, Foley quỳ bên cạnh một người đàn ông mặc đồ đen. Sau đó, theo kịch bản do IS dựng sẵn, anh nói “sát thủ thực sự là Mỹ”. Tuy nhiên, người ta có thể nghe tiếng nhà báo Foley nói tiếp rằng: “Tôi ước có thêm thời gian. Tôi muốn có sự tự do để gặp gia đình một lần nữa”. Sau những lời nói đó, Foley bị chặt đầu một cách man rợ.
“Foley là một thường dân vô tội, người đã dũng cảm thực hiện công việc của một nhà báo. Hành động dã man và tàn ác của IS đã khiến cả thế giới bàng hoàng và lộ bản chất xấu xa của những kẻ khủng bố mà chúng ta đang phải đối mặt”, thượng nghị sĩ Kelly Ayotte, nói sau vụ việc.
Làn sóng phẫn nộ
Phóng viên Daniel Pearl của tờ The Wall Street Journal thiệt mạng dưới tay Al-Qaeda. Ảnh: The Wall Street Joural |
Theo CNN, vệc nhà báo Pearl bị hành quyết năm 2002, chỉ vài tháng sau vụ tấn công khủng bố 11/9, đã khiến cả thế giới sốc và tạo nên làn sóng phẫn nộ trước sự tàn nhẫn và mức độ nguy hiểm tiềm ẩn trong nghề nghiệp của nạn nhân.
“Vụ việc chứng minh quá trình đưa tin chiến trường đã thay đổi cơ bản. Những kẻ cầm quyền trong khu vực xung đột không còn coi giới truyền thông là những người quan sát trung lập mà thay vào đó, họ trở thành một nhân tố chiến lược.
Đó là lực lượng mà chúng có thể thao túng, sử dụng làm đòn bẩy hoặc đơn giản là loại bỏ”, Scott Anderson, phóng viên chiến trường kỳ cựu của tạp chí New York Times, bình luận sau cái chết của nhà báo Pearl.
Việc nhà báo Pearl bị hành quyết và sức lan tỏa của vụ việc đối với thế giới có thể coi là “chất xúc tác” để các tổ chức Hồi giáo thực hiện thêm các hành động tương tự, Timothy Furnish, một sử gia, viết trong một bài báo trên tạp chí Trung Đông phát hành hàng quý hồi năm 2005.
Trong cuộc chiến tranh Iraq, phiến quân IS đã hành quyết ba người Mỹ gồm doanh nhân Nicholas Berg cùng hai nhân viên công ty xây dựng Eugene Armstrong và Jack Hensley. Ngoài ra, chúng còn giết hại chính công dân Iraq và nhiều người nước ngoài khác.
Tại Saudi Arabia năm 2004, tổ chức khủng bố Al-Qaeda đã chặt đầu doanh nhân Mỹ Paul Johnson Jr.
Sự tàn ác của IS
Các tay súng cực đoan thảm sát lực lượng an ninh Iraq trong những chiếc hố nông đào sẵn hồi tháng 6. Ảnh: Twitter |
Hiện tại, cả thế giới đổ dồn về IS, nhóm phiến quân Hồi giáo nhiều tai tiếng với các hành động dã man tại Syria và Iraq, gồm việc bêu đầu nạn nhân trên cột.
IS tự thành lập một nhà nước Hồi giáo, đồng thời nắm quyền kiểm soát khu vực rộng lớn tại Syria và Iraq. Chúng thực hiện nhiều vụ giết người nhẫn tâm nhằm vào thường dân và các nhóm dân tộc thiểu số. Mục tiêu của chúng là thiết lập một nhà nước Hồi giáo trải dài từ Syria tới Iraq.
Mối đe dọa ngày càng tăng của IS tại miền bắc Iraq đã buộc Mỹ tiến hành không kích để trợ giúp nhóm người Kurd và quân đội chính phủ Iraq. Quyết định này rõ ràng khiến IS tức giận và thực thi các hành động trả đũa, bao gồm việc giết hại dã man phóng viên Foley, người mất tích tại chiến trường Syria hồi tháng 11/2012.
Thông điệp IS gửi tới ông Obama
IS cũng đe doa sẽ giết chết Steven Sotloff, một nhà báo Mỹ khác xuất hiện trong video hành quyết Foley. Theo nhóm thánh chiến, mọi chuyện đều phụ thuộc vào các quyết định của Tổng thống Mỹ trong năm tới.
“Tôi không nghĩ Nhà Trắng sẽ thoái lui trước vụ việc, mặc dù có thể IS sẽ tiến hành thêm nhiều vụ hành quyết tương tự, như lời chúng tuyên bố. Tôi cho rằng chính phủ phải dự liệu được điều này từ khi bắt đầu nhắm tới các mục tiêu ở Iraq”, cựu đặc vụ thuộc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) Baer bình luận.
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo ước tính khoảng 20 nhà báo Syria và quốc tế đang mất tích tại quốc gia này. Nhiều người trong số họ đang nằm trong tay của IS. Theo thông báo của ủy ban, Ít nhất 69 nhà báo khác đã thiệt mạng trong các cuộc chiến tại Syria.
Theo nhà sử học Furnish, quyết định hành quyết nhà báo Foley và công bố công khai hình ảnh man rợ của IS là hành động đáng lo ngại. “Mục đích của chủ nghĩa khủng bố là tấn công vào trái tim đang sợ hãi của đối thủ để giành chiến thắng bằng sự nhượng bộ về mặt chính trị”, ông Furnish viết.