Vụ giáo viên tự tử tại Củ Chi: Điều chuyển công tác 4 người

GD&TĐ - Việc này liên quan đến vụ một giáo viên Trường TH Trung An (Củ Chi, TPHCM) tự tử trước cửa phòng hiệu trưởng để phản đối việc điều chuyển công tác và tố cáo sai phạm hồi tháng 10/2014. 

Vụ giáo viên tự tử tại Củ Chi: Điều chuyển công tác 4 người

Sáng nay (8/1), Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Củ Chi đã trao quyết định điều chuyển công tác Hiệu trưởng và 3 giáo viên của trường. 

Tuy nhiên, điều đáng nói là 2 trong số 4 người bị điều chuyển đã trả quyết định lại cho Phòng Giáo dục vì lý do Phòng đã không xem xét nguyện vọng và đơn xin cứu xét được ở lại trường tiếp tục giảng của họ. 

Giải thích cho việc này, ông Lê Hùng Sen – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Củ Chi - cho biết: “Việc thuyên chuyển này là hết sức bình thường. Ngay sau khi tiếp nhận vụ việc, Phòng Giáo dục huyện Củ Chi đã đề nghị UBND huyện sắp xếp lại một số nhân sự. Quyết định này đã được UBND huyện Củ Chi ký. Việc 2 GV không chấp nhận chúng tôi sẽ xem xét, báo cáo UBND và xin ý kiến”.

Bà Nguyễn Thị Loan - Phó trưởng phòng, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục huyện Củ Chi cho biết: Bốn người thuyên chuyển công tác sau sự việc gồm: Cô Phạm Thị Kỳ Trân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung An, cô Hồ Thị Bích Quyền (giáo viên đã uống thuốc diệt cỏ), cô Nguyễn Thị Ngọc Điệp (cán bộ pháp chế) và cô Trần Thị Sương (cán bộ ban thanh tra nhân dân). 

Cô Trân, cô Quyền đã chấp nhận quyết định thuyên chuyển về trường Bồi dưỡng giáo dục và Tiểu học Phú Hòa Đông 2. Còn cô Sương và cô Điệp thì không nhận quyết định thuyên chuyển. 

Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao lại thuyên chuyển 2 giáo viên trên và vì sao họ không chấp nhận quyết định thuyên chuyển thì bà Loan không trả lời. Nhưng khi trao đổi với 2 giáo viên thì họ khẳng định việc họ bị thuyên chuyển là có sự bất bình thường. 

“Trước khi đưa quyết định thuyên chuyển, cô Loan có làm công tác tư tưởng với chúng tôi. Nhưng lý do cô đưa ra là rất không hợp lý. Cô nói lý do thuyên chuyển công tác là vì nhu cầu của công tác, thuyên chuyển là nhằm tạo điều kiện để chúng tôi phát huy năng lực, cống hiền nhiều hơn…

Vậy tại sao Phòng không làm ngay đầu năm mà sau sự việc cô Quyền họ mới làm. Chẳng phải họ muốn “nhổ” cái gai trong mắt khi chúng tôi là những người ít nhiều đã lên tiếng trong sự việc?

Chúng tôi đã có đơn cứu xét đề đạt nguyện vọng xin được ở lại trường tiếp tục giảng dạy, tập thể giáo viên trong trường cũng đồng tình, vậy mà khi lấy chữ ký ủng hộ của tập thể giáo viên thì lãnh đạo Phòng Giáo dục lại ngăn cản. Đó chẳng phải là muốn đẩy chúng tôi đi bằng mọi cách?”- Cô Trần Thị Sương bức xúc.

Về quyết định thuyên chuyển công tác của mình, cô Hồ Thị Bích Quyền không có ý kiến. “Nguyện vọng của tôi là được chuyển sang trường khác giảng dạy. Phòng giáo dục đã sắp xếp và cho tôi về trường Tiểu học Phú Hòa Đông 2 theo đúng nguyện vọng của tôi nên tôi không có ý kiến gì”- Cô Quyền nói.

Điều đáng nói, việc thuyên chuyển công tác của hai giáo viên trên của Phòng Giáo dục không hề xem xét đến nguyện vọng và hoàn cảnh gia đình của 2 giáo viên khiến nhiều người bất bình. 

Bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, hoàn cảnh 2 cô giáo cũng khá khó khăn và đặc thù. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Điệp sắp về hưu, lại đang đau ốm nên cũng không muốn thuyên chuyển công tác mới. 

Riêng cô Trần Thị Sương thì ngoài hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, hai con gái đều mắc bệnh máu trắng thì các cháu lại đang theo học tại Trường Tiểu học Trung An. Nếu cô Sương bị điều chuyển về trường Tiểu học Tân Thạnh Đông 2 (xa khoảng 15 km) thì không ai đưa đón hai cháu đi học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.