Vũ Đức Sao Biển: Một hồn thơ nhạc, nửa đời đau thương

Vũ Đức Sao Biển: Một hồn thơ nhạc, nửa đời đau thương

Sau 2 năm chống chọi với bệnh ung thư vòm họng, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển trút hơi thở cuối cùng vào khuya 6/5. Thông tin làm người yêu mến nhạc sĩ thảng thốt khi vừa tuần trước thôi, ông vẫn còn minh mẫn đón tiếp, trò chuyện với đoàn Mai Vàng nhân ái; dịp Tết Nguyên Đán 2020 còn đăng bài trên một số giai phẩm xuân.

Nhạc sĩ gốc Quảng viết về Nam Bộ

Vũ Đức Sao Biển sinh ra ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Vào một tháng 9, mùa thu năm 20 tuổi, ông trở về quê nhà, cầm cây guitar lên đồi sim xưa. Cảnh vật mùa thu đẹp đến nao lòng, mọi thứ không có gì thay đổi, duy chỉ có người bạn nghèo thời trung học của ông không còn nữa. 

Vũ Đức Sao Biển nhìn cảnh thu vàng tĩnh mặc, đồi sim nở tím tràn, nhìn dòng sông, những tòa trong khu đền tháp cổ… rồi viết nên bản Thu, hát cho người.

Tựa ca khúc gốc vốn có một dấu phẩy, có nghĩa rằng khúc ca Thu, hát cho người thực chất như một ghi chép có thời gian, địa điểm, mục đích viết rõ ràng, rành mạch, có tính nhắc nhớ. Tuy nhiên, sau này, các đơn vị sử dụng ca khúc thường bỏ đi dấu phẩy trong khâu giới thiệu, thành ra một tựa bài khá đa nghĩa là Thu hát cho người.

Đúng như tựa bài, Vũ Đức Sao Biển viết ''Thu, hát cho người'' với rất nhiều câu hỏi tu từ không cần đáp (hoặc không có lời đáp), để nhắc nhớ rằng ông và cô bạn thuở thiếu thời mãi mãi không gặp lại nhau nữa: “Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ / Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ”.

Hoặc như ông từng tự bạch, Thu, hát cho người nhưng thực ra phần nhiều hơn là hát cho mình.

Vũ Đức Sao Biển chân tình kiểu người Quảng, trí thức kiểu Sài Gòn và dung dị kiểu con người phương Nam.
Vũ Đức Sao Biển chân tình kiểu người Quảng, trí thức kiểu Sài Gòn và dung dị kiểu con người phương Nam.

Lạ là, tuổi đôi mươi, Vũ Đức Sao Biển viết những Thu, hát cho người, Chiều mơ, Tiếng hát trên đồi Tăng Nhơn Phú… nhiều suy tư và chất nhạc, tính thơ trong đó rất gần với các nhạc sĩ tiền chiến. 

Nhưng ở tuổi 50 – 60, ông viết những Điệu buồn phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang, Đường về, Mùa Xuân hát trên ngọn cây tùng, Xuân ca vô tận… vẫn suy tư nhưng là một kiểu khác. Chúng dung dị, gần gũi, chân phương và tươi sáng như miền đất phương Nam và cất sâu suy tư, trải đời của người đàn ông đã đi qua 2/3 cuộc đời.

Sinh ra ở Quảng Nam, học ở TP.HCM và lần đầu đặt chân xuống Bạc Liêu năm 23 tuổi. Khi ấy, có lẽ Vũ Đức Sao Biển chưa biết đây là nơi ông trút tâm tư viết nên những ca khúc về mảnh đất bình dị này cũng như về miền phương Nam Tổ quốc.

Bộ ba ca khúc Thu, hát cho người, Điệu buồn phương Nam Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang mà Vũ Đức Sao Biển để lại cho đời, sống cùng năm tháng.

Bài "Thu, hát cho người", khi mà từ những danh ca đời đầu như Hà Thanh, Anh Ngọc, rồi Phượng Bằng, Mai Hương, Quỳnh Dao, Kim Tước, Vân Quỳnh, Vân Hà, Ngọc Long... người thì mất, người thì khán giả đã quên tên nhưng tự thân ca khúc vẫn là một trong những bản nhạc thu hay nhất, được hát nhiều nhất mỗi độ thu hằng năm.

Những ca khúc phương Nam của Vũ Đức Sao Biển cũng vậy, bài nào cũng được nhiều ca sĩ hát. Hai bài Điệu buồn phương NamĐêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang có vài chục phiên bản. Hương Lan, Phi Nhung rồi các lớp ca sĩ dòng dân ca – quê hương sau này đều góp giọng. Hương Lan cũng là người trình diễn đầu tiên bản Dạ cổ hoài lang trên sóng quốc gia được ông phục dựng vào năm 1999.

Dĩ nhiên, các giọng ca đưa những bài nhạc của Vũ Đức Sao Biển đến khán giả nhưng ở góc nhìn nào đó, họ thành danh từ “gia tài” gần 70 ca khúc của cố nhạc sĩ. Những Điệu buồn phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang, Đau xót lý chim quyên… từ bao giờ trở thành những cánh cửa đầu tiên mà ca sĩ dòng dân ca – quê hương mở ra để vào nghề.

Kim Dung giữa đời Vũ Đức Sao Biển

Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ năm 1961, phát triển từ sau 1975 và tiến lên đỉnh cao của “làn sóng” vào thập niên 90.

Vũ Đức Sao Biển không phải dịch giả hay người biên khảo duy nhất các tác phẩm của Kim Dung. Các dịch giả gắn tên với truyện Kim Dung có thể kể ngay là Hàn Giang Nhạn, Nguyễn Duy Chính hay Từ Khánh Phụng; các cây bút phiếm luận, khảo luận có đầy rẫy: Bùi Giáng, Bửu Ý, Đỗ Long Vân…

Song chỉ Vũ Đức Sao Biển được khán giả ưu ái gọi là “nhà Kim Dung học Việt Nam”. Có lẽ, vì ông đã dành gần trọn đời mình để viết về truyện của Kim Dung.

Những năm đầu 60, tiểu thuyết võ hiệp bị xem như là loại hình giải trí rẻ tiền và cho đến tận ngày hôm nay, không ít người vẫn tin như vậy. Trong bộ sách Kim Dung giữa đời tôi, Vũ Đức Sao Biển chỉ ra rằng võ hiệp không chỉ có đánh đấm, không phải nơi con người mộng mơ sở hữu thứ sức mạnh viển vông và truyện Kim Dung có nhiều thứ đáng suy ngẫm hơn là nhân vật nào có võ công cao cường nhất.

Bìa toàn tập bộ "Kim Dung giữa đời tôi".
Bìa toàn tập bộ "Kim Dung giữa đời tôi".

Thời trẻ, Vũ Đức Sao Biển đọc Kim Dung để tìm thấy chốn “thiên ngoại hữu thiên” (ngoài trời này có bầu trời khác) cho ông nương náu tinh thần khỏi thực tại. Nhưng càng đi qua năm tháng, ông càng thấy rằng, thế giới rộng lớn trong tiểu thuyết võ hiệp tuy hư cấu nhưng lại chính là cuộc sống hiện thực mà mình đang sống.

Bộ sách Kim Dung giữa đời tôi với lần lượt các quyển ra đời, trở thành sách “gối đầu giường” của nhiều thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam. Gần 100 bài viết, Vũ Đức Sao Biển luận truyện Kim Dung trên nhiều phương diện như văn hóa, lịch sử, triết học (tư tưởng Khổng-Mạnh, Phật giáo, Đạo giáo, học thuyết âm dương – ngũ hành…) luận bàn phong cách xây dựng nhân vật, ẩm thực, kỹ thuật, âm nhạc... đến sâu sát những chuyện hết sức vi mô: khóc thương cho Nghi Lâm, A Tử, bênh vực Điền Bá Quang, .v.v..

Sau mấy mươi năm, bộ Kim Dung giữa đời tôi giữ nguyên giá trị khi ở đó, người đọc không chỉ tiếp nhận nguồn tri thức lớn mà còn là tấm chân tình tròn đầy của tác giả đã cần mẫn viết trong nhiều năm liền.

Vũ Đức Sao Biển hoài bão lớn, luôn trĩu nặng tâm tư về cuộc đời và mục đích sống. Ông sợ sống hoài phí đời mình. Ngay cả việc đóng chặt cửa phòng bệnh viện để cố ngồi 12 tiếng/ngày, bất chấp cơn đau lưng đến phải tiêm thuốc giảm đau vào tủy sống, vị nhạc sĩ chỉ muốn “viết văn cho đời giải trí”. 

Vũ Đức Sao Biển không mong gì hơn những quyển sách của mình “góp vài kiến thức nho nhỏ” hoặc giúp bạn đọc bớt muộn phiền, căng thẳng. Ước muốn dẫu khiêm cung nhưng với ông đã mãn nguyện.

Đọc những gì Vũ Đức Sao Biển viết, với tư cách tác giả, ông thường lồng vào tâm tư cá nhân trong các tiểu thuyết, biên khảo, bút ký… của mình. Ông viết về đời, về người, vùng đất ông đi qua hay nhân vật trong trang sách đều bao dung, tươi sáng; nhưng cóp nhặt những nội dung ông tự bạch về mình, chân dung vị nhạc sĩ hiện lên nhuốm màu buồn thương, luôn cô đơn và bị bệnh tật giày vò.

Chân dung nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển hiện lên trong các dòng tự bạch nhuốm màu đau thương.
Chân dung nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển hiện lên trong các dòng tự bạch nhuốm màu đau thương.

Ai nói sống trên đời là hạnh phúc? Tôi sống trên năm mươi năm, mong được hưởng một ngày gọi là hạnh phúc để nếm xem mùi vị hạnh phúc là thế nào nhưng vẫn chưa có hân hạnh được nếm thử. Thì thôi, thà mua một đôi giày chật mang dính vào chân suốt ngày, buổi chiều cởi được nó ra lắng nghe hai bàn chân không còn cảm giác đau đớn để cứ gọi đó là hạnh phúc. 

Vâng, hạnh phúc là sự cởi bỏ được đôi giày quá chật ra khỏi hai bàn chân của bạn”, Vũ Đức Sao Biển tự bạch trong Những suy niệm siêu hình.

Hay trong Bức giác thư giã từ thế kỷ, Vũ Đức Sao Biển đã thức trắng đêm trước ngày nhân loại đón thiên niên kỷ thứ 3. Đêm ấy, ông chỉ có một mình, viết về nỗi cô đơn: “Có một chiều, tôi trở về căn nhà lạnh giá, bên ngoài mưa rơi. Loài người đâu rồi? Sao tôi ở lại một mình giữa gối chăn lạc lõng? Tôi đi tìm sự cứu rỗi, sao chỉ gặp nỗi cô đơn?... Tôi không không có ngàn tia nắng. Tôi chỉ mong có một tia nắng rọi. Cuối thế kỉ rồi, đêm tối đang đến để ngày mai có một bình minh khác lên”

Đó cũng là hôm, Vũ Đức Sao Biển nói, đã chuẩn bị cho ngày mình “như cánh chim bay khỏi bầu trời này”.

Vũ Đức Sao Biển cũng không phải là người luận hay dịch truyện Kim Dung hay nhất. Chính ông nhiều lần để ngỏ các vấn đề phát hiện trong biên khảo vì chưa giải mã được những thông điệp mà tác giả Kim Dung cài cắm. Có lẽ, hơn cả sĩ diện của một học giả, Vũ Đức Sao Biển chân thành mong “sóng sau xô sóng trước”, “tre già măng mọc”.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển mất đi nhưng những giá trị ông để lại cho người dân Bạc Liêu, Vĩnh Long và các tỉnh miền Tây; cho độc giả các thế hệ như những di sản, hãy còn. Và có lẽ, với họ, Vũ Đức Sao Biển đã không hề sống hoài sống phí như nỗi lo lúc sinh thời của ông.

Theo vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ