Vụ đất sân bay Miếu Môn (Hà Nội): Sẽ xử lý các đối tượng ngoan cố

GD&TĐ - Chiều 27/8, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thông tin với báo chí về kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý diện tích đất khu sân bay Miếu Môn, thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông tin với báo chí
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông tin với báo chí

Theo ông Chung, quan điểm của TP Hà Nội là “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại” nhưng cơ quan công an vẫn tiếp tục thu thập tài liệu, xét thấy cần thiết xử lý các đối tượng ngoan cố theo pháp luật…

Kết luận của Thanh tra Hà Nội là chính xác

Tại hội nghị, Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn An Huy đã công bố toàn văn Thông báo kết quả rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của Kết luận thanh tra số 2346 của Thanh tra TP Hà Nội về việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.

Về nguồn gốc đất, Chánh Thanh tra TP Hà Nội cho biết, theo Quyết định số 113/TTg ngày 14/4/1980 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 386-QĐ/UB ngày 10/11/1981 của UBND tỉnh Hà Sơn Bình, Quyết định số 5383/QĐ-UBND ngày 20/10/2014 của UBND TP Hà Nội thì toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được các đơn vị quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng.

Đến thời điểm thanh tra, toàn bộ diện tích đất cơ bản phù hợp với diện tích đất các tổ chức đã bàn giao cho Bộ Tư lệnh Công binh; quá trình đo đạc ở các thời điểm có sai số không lớn, chủ yếu do trừ đường giao thông chạy qua, không làm ảnh hưởng tới việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng.

Chánh Thanh tra TP Hà Nội cũng cho biết, từ năm 1981 đến nay, toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm do các đơn vị quốc phòng quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, sử dụng, các đơn vị quốc phòng cũng như UBND xã Đồng Tâm đã buông lỏng quản lý trong một thời gian dài.

Về việc di chuyển 14 hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng, Chánh Thanh tra TP Hà Nội khẳng định, việc thực hiện trình tự, thủ tục giải phóng mặt bằng (GPMB) của UBND huyện Mỹ Đức là đúng thẩm quyền và quy định pháp luật. Trong 14 hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng chỉ có 5 hộ có giấy do Ủy ban hành chính xã, HTX Nông nghiệp Đồng Tâm cho, cho mượn đất để ở và sản xuất từ trước năm 1980, giấy tờ của các trường hợp khác không có căn cứ pháp luật.

Đến thời điểm thanh tra, UBND huyện Mỹ Đức và các ngành có liên quan đã thống nhất thu hồi Dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã lập cho 14 hộ dân trước đây.

Đối với đề nghị trả tiền bồi thường về đất khi GPMB khu đất 14 hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng cho nhân dân xã và Giấy kê khai đất nông nghiệp của ông Trần Văn Thục ghi ngày 29/4/2017 về việc gia đình có đất cá thể nằm trong khu đất sân bay Miếu Môn, là không có căn cứ.

Đối với nội dung kiến nghị liên quan đến diện tích đất nông nghiệp 59 ha, các thông tin mà ông Lê Đình Kình và một số công dân nêu không nhất quán (có đơn nêu là 49 ha, có đơn nêu là 59 ha do UBND xã Đồng Tâm quản lý; có đơn nêu là đất bỏ hoang; có đơn nêu 59 ha đất nông nghiệp của nhân dân...). “Việc ông Lê Đình Kình và một số công dân cho rằng phần diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là 106 ha (có đơn nêu là 96 ha) là không đúng...”, Chánh Thanh tra TP Hà Nội nói.

Bản đồ phạm vi quản lý đất sân bay Miếu Môn
  • Bản đồ phạm vi quản lý đất sân bay Miếu Môn

Một số đối tượng khiếu kiện để trục lợi

Liên quan đến kết luận thanh tra trên, tại hội nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, công tác tuyên truyền và đối thoại với người dân xã Đồng Tâm được các cơ quan của thành phố, huyện Mỹ Đức, xã Đồng Tâm thực hiện thường xuyên trong các kỳ họp, các buổi sinh hoạt, tiếp xúc cử tri.

Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, có một bộ phận đối tượng cơ hội tham gia vào việc lợi dụng khiếu kiện, tố cáo để lấn chiếm đất và lợi dụng dự án Bộ Quốc phòng triển khai tại đây nhằm mục đích để được bồi thường, hỗ trợ. “Mục tiêu của ông Lê Đình Kình cũng như vậy. Bản thân ông Kình có huy động tiền đóng của một số đối tượng trong xã để đi khiếu kiện; lợi dụng khiếu kiện để trục lợi, gây sức ép chính quyền các cấp xem có được bồi thường hỗ trợ hay không...”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Nói về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, vẫn trên quan điểm “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại” như đã khẳng định tại buổi đối thoại với nhân dân Đồng Tâm diễn ra ngày 22/4/2017 trước đó.

“Suốt 2 năm qua, trong khi chờ Thông báo 611/TB-TTCP kết luận về tính chính xác, hợp pháp của Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 của Thanh tra thành phố, UBND TP Hà Nội, huyện Mỹ Đức và xã Đồng Tâm đã song song thực hiện việc kiểm điểm, xử lý đối tượng có sai phạm còn đang đương chức, giữ chức vụ ở thôn, xã, trong HĐND, các đảng viên có vi phạm và đồng thời tiếp tục kiên trì tuyên truyền, thuyết phục. Bên cạnh đó, cơ quan công an vẫn tiếp tục thu thập các tài liệu, xét thấy cần thiết các đối tượng ngoan cố sẽ xử lý theo pháp luật…”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc tới đây UBND TP Hà Nội và Thanh tra Chính phủ có tổ chức đối thoại với người dân xã Đồng Tâm hay không, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh khẳng định, đây là hoạt động nằm trong chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ, tạo sự đồng thuận khi các đơn vị quân đội sắp tiến hành xây dựng tường rào để bảo vệ các công trình quân sự bên trong khu đất quốc phòng.

Theo quy định của pháp luật, khi giải quyết khiếu nại lần 2 sẽ bắt buộc các cơ quan liên quan phải đối thoại với dân. Tuy nhiên, đây không phải là vụ việc khiếu nại vì ông Lê Đình Kình không phải là người khiếu nại, không có quyền và lợi ích hợp pháp trên diện tích đất quốc phòng, không đại diện cho nhân dân Đồng Tâm nên các cơ quan chức năng không áp dụng trình tự giải quyết khiếu nại và bắt buộc phải đối thoại.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, hội nghị công bố thông tin rộng rãi đến các cơ quan báo chí Trung ương và TP Hà Nội hôm nay chính là hình thức đối thoại từ xa với toàn xã hội về những nội dung chưa được hoàn toàn đồng thuận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.