Vụ cháy Công ty Rạng Đông (Hà Nội): Cần minh bạch thông tin ô nhiễm

GD&TĐ - Sáng 3/9, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cùng Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, TP Hà Nội, cơ quan nghiên cứu cùng các nhà khoa học về sự cố cháy nổ tại kho chứa sản phẩm, nguyên liệu vật tư, hóa chất tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông). 

Vụ cháy Công ty Rạng Đông nhìn từ trên cao
Vụ cháy Công ty Rạng Đông nhìn từ trên cao

Cô lập ngay khu vực có nguy cơ ô nhiễm

Sau khi nghe báo cáo, phân tích từ đại diện Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Công an, Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng), UBND TP Hà Nội, Viện Hoá học - Viện Hàn lâm và Khoa học Việt Nam, các nhà khoa học, báo cáo kết quả quan trắc đánh giá về hiện trạng môi trường xung quanh nhà máy của Tổng cục Môi trường…, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá mức độ nguy hại và phạm vi ảnh hưởng ở mức trung bình và các cơ quan chức năng của Việt Nam có đủ khả năng để kiểm soát.

Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn tuyệt đối với môi trường và người dân xung quanh nhà máy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Công ty Rạng Đông thực hiện ngay các biện pháp che chắn, cô lập những khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm để tránh phát tán hoá chất ra môi trường xung quanh. Các vật liệu đã bị huỷ hoại, hư hỏng, tro xỉ, tàn dư từ đám cháy cần thu gom vào các container để các cơ quan có đủ năng lực xử lý theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường.

Công ty Rạng Đông và UBND TP Hà Nội cần phối hợp với lực lượng phòng hóa của Bộ Quốc phòng để xử lý các tồn dư hóa chất và kim loại nặng phát tán từ sự cố cháy nổ vừa qua. Bên cạnh đó, TP Hà Nội làm việc với Công ty Rạng Đông để thu thập, nắm bắt đầy đủ, chính xác các số liệu về nguyên liệu, vật liệu hóa chất, mức độ thiệt hại. Từ đó đưa ra những thông tin minh bạch, khoa học tới người dân, tránh có những thông tin sai lệch gây hoang mang trong dư luận.

Người đứng đầu Bộ TN&MT cũng đề nghị Bộ Y tế cung cấp thêm những thông tin khoa học, hướng dẫn người dân đến các cơ sở y tế có đủ chức năng, cơ sở hạ tầng để kiểm tra sức khỏe; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam mời các chuyên gia Nhật Bản tham gia phối hợp với Bộ TN&MT, các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam để nghiên cứu đánh giá và quản lý môi trường sau sự cố cháy nổ; Tổng cục Môi trường tiếp tục tham vấn ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế để hướng dẫn, hỗ trợ thành phố Hà Nội trong quá trình thực hiện; tiếp tục thực hiện quan trắc, kiểm tra, giám sát chất lượng môi trường không khí, đất, nước xung quanh khu vực sự cố để có các khuyến cáo kịp thời tới cộng đồng.

Sau cuộc họp, Bộ TN&MT sẽ có báo gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, báo cáo tổng quan về sự cố cháy nổ tại Công ty Rạng Đông.

Nhiều vị trí quan trắc, thuỷ ngân vượt ngưỡng cho phép

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp. Ảnh: Khương Trung
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp. 
Ảnh: Khương Trung 

Trả lời câu hỏi của báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/9 về kết quả quan trắc môi trường vụ cháy nhà kho Công ty Rạng Đông, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, theo kết quả phân tích và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì phạm vi có nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng đến người dân là bán kính 500 m tính từ hàng rào của kho. Bộ TN&MT đã tổng hợp kết quả lấy mẫu quan trắc, phân tích, đánh giá về chất lượng môi trường không khí, đất, nước, chất thải rắn (tro xỉ sau khi cháy) của các cơ quan hữu quan từ ngày 30/8 - 1/9. Theo đánh giá, lượng thuỷ ngân phát tán sau cháy kho của Công ty Rạng Đông khoảng từ 15,1 - 27,2 kg.

Qua so sánh giá trị nồng độ thuỷ ngân với các quy chuẩn Việt Nam hiện hành về môi trường cho thấy, 1/12 mẫu nước mặt ở điểm quan trắc cách công ty 1,5 km có giá trị thuỷ ngân vượt quy chuẩn 1,3 lần. Tại điểm quan trắc hố ga cạnh xưởng Led trong Công ty Rạng Đông, 1/8 mẫu nước thải có giá trị thuỷ ngân vượt quy chuẩn; điểm quan trắc cách cống xả công ty 1 km có 12/13 mẫu trầm tích và bùn đáy giá trị thuỷ ngân vượt quy chuẩn 6,1 lần; còn điểm quan trắc trong khuôn viên nhà kho có 1/6 mẫu không khí thuỷ ngân vượt 1,02 lần.

Để so sánh tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và châu Âu, Mỹ, Canada khuyến cáo, Tổng cục Môi trường đã bố trí 4 vị trí lấy mẫu hấp phụ thuỷ ngân theo công nghệ của Nhật Bản theo hướng phát tán của dòng khí tại khoảng cách 200m, 500m, 1.000m tính từ hàng rào kho bị cháy. Kết quả, khoảng cách 200m từ hàng rào nhà máy, các mẫu hấp phụ thủy ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị). Các điểm quan trắc không khí trong khuôn viên công ty phía trước khu cháy và trong nhà kho bị cháy có giá trị thủy ngân trong môi trường không khí cao, vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO từ 10 - 30 lần (ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị).

Có 2/9 điểm quan trắc nước mặt có giá trị thủy ngân nằm ngoài khoảng khuyến cáo của WHO, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đó là điểm ở hồ Hạ Đình và trên sông Tô Lịch, tại điểm cách ngõ 320 Khương Đình 1,5 km về phía hạ lưu. Nồng độ thủy ngân trong môi trường đất tại các vị trí quan trắc đều không vượt quá ngưỡng có thể gây hại cho môi trường và sức khỏe của con người theo khuyến cáo của Canada, nhưng mẫu đất trong khuôn viên vườn hoa của công ty có hàm lượng thủy ngân cao hơn các vị trí khác.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, vụ cháy ở Công ty Rạng Đông là sự cố cháy nổ mất an toàn hoá chất, được đánh giá là quy mô ảnh hưởng trung bình nhưng thiệt hại lớn về tài sản, có tác động xấu đến sức khoẻ người dân và môi trường xung quanh. Hoá chất gây ô nhiễm chủ yếu là thuỷ ngân và một số kim loại nặng. Bộ TN&MT đã tổ chức cuộc họp liên ngành đề nghị Công ty Rạng Đông khẩn trương cô lập khu vực cháy, che chắn bằng mái tôn, phủ bạt khu vực cháy để tránh mưa và không để hơi thuỷ ngân tiếp tục phát tán.

“Về lâu dài, quan điểm của Bộ TN&MT là tại các thành phố, đô thị lớn phải có lộ trình thích hợp di dời các nhà máy ra khỏi khu dân cư. Tôi mong các công ty tương tự như Công ty Rạng Đông di rời ra khỏi khu vực dân cư, xây nhà máy chỗ khác. Các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm, có nguồn hoá chất cần phải đi xa khu dân cư”, ông Võ Tuấn Nhân bày tỏ quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ