Vụ án Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau: 3 bị cáo phản cung trước tòa

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Trong ngày xét xử đầu tiên 28/3 vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau, cả 3 bị cáo đều phản cung trước tòa.

Phiên tòa xét xử vụ án Công ty Công Lý
Phiên tòa xét xử vụ án Công ty Công Lý

Trong ngày xét xử đầu tiên 28/3 vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau, cả 3 bị cáo gồm: Tô Hoài Dân (63 tuổi); Tô Công Lý (40 tuổi) và Nguyễn Bá Đam (40 tuổi) đều phản cung trước tòa.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao kết luận, lợi dụng chính sách hỗ trợ 50% vốn đầu tư đối với Dự án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định số 04/2009 của Chính phủ, trong quá trình đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau (từ năm 2009 đến 2012), ông Tô Công Lý, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng - thương mại – Du lịch Công Lý (gọi tắt là Công ty Công Lý) đã trực tiếp và chỉ đạo ông Nguyễn Bá Đam, nhân viên công ty Công Lý lập khống hồ sơ xây dựng 2 hạng mục công trình gồm: “Hệ thống xử lý nước thải” và “ Khu tiếp nhận và phân tích rác” trị giá hơn 14,6 tỷ đồng.

Một bị cáo trả lời thẩm vấn tại tòa.

Một bị cáo trả lời thẩm vấn tại tòa.

Sau khi hoàn thành hồ sơ, Tô Công Lý trình Tô Hoài Dân, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Công Lý (cũng là cha Tô Công Lý) ký quyết định phê duyệt quyết toán hoàn thành Dự án, ký tờ trình đề nghị UBND tỉnh Cà Mau xem xét hỗ trợ 50% vốn đầu tư cho Công ty Công Lý và đã được UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt, hỗ trợ 50% vốn đầu tư cho 2 hạng mục khống nêu trên với số tiền trên 7,3 tỷ đồng.

Hành vi của Tô Công Lý có dấu hiệu tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự với vai trò chủ mưu.

Đối với bị cáo Tô Hoài Dân, dù biết rõ Dự án không có 2 hạng mục kể trên nhưng vẫn ký Quyết định phê duyệt quyết toán hoàn thành Dự án và ký tờ trình UBND tỉnh Cà Mau đề nghị xem xét hỗ trợ vốn đầu tư Dự án theo quy định tại Nghị định số số 04/2009 của Chính phủ. Hành vi của Tô Hoài Dân có dấu hiệu tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 174 Bộ luật hình sự, vai trò đồng phạm với Tô Công Lý.

Riêng bị cáo Nguyễn Bá Đam nhân viên Công ty Công Lý được giao thực hiện nhiệm vụ phụ trách kỹ thuật Dự án. Bị can dù biết rõ tại thời điểm lập hồ sơ cung cấp cho cơ quan chức năng đề nghị hỗ trợ vốn đầu tư theo Nghị định số 04/2009 của Chính phủ, Dự án Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau không có 2 hạng mục nêu trên nhưng vẫn soạn thảo, ký khống các tài liệu trong hồ sơ quản lý chất lượng và ký bản vẽ hoàn công 2 hạng mục kể trên để ông Tô Công Lý hợp thức hồ sơ đề nghị Nhà nước hỗ trợ 50% vốn đầu tư cho 2 hạng mục khống, trị giá hơn 7,3 tỷ đồng.

Hành vi của bị cáo Nguyễn Bá Đam có dấu hiệu tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự, trong vai trò đồng phạm với bị cáo Tô Công Lý.

Luật sư hỏi một bị cáo tại Tòa.

Luật sư hỏi một bị cáo tại Tòa.

Tuy nhiên, trong ngày xét xử đầu tiên bất ngờ đã xảy ra, khi đang ở phần xét hỏi tại tòa, cả 3 bị cáo đã thể hiện phản cung toàn diện. Các bị cáo cho rằng không có việc lập hồ sơ khống 2 hạng mục công trình để lấy của Nhà nước số tiền 7,3 tỉ đồng như cáo buộc của Viện kiểm sát.

Trước sự phản cung này, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã hỏi lý do vì sao thay đổi lời khai toàn diện, trong khi cáo trạng đã xác định các bị cáo ăn năn hối cải, thành thật khai báo, khắc phục hậu quả?

Bị cáo Tô Hoài Dân và Tô Công Lý cho rằng do lúc đầu khi vụ án mới xảy ra, tinh thần bất ổn, lo sợ và thiếu hồ sơ trong tay nên mới khai như vậy. Bị cáo Nguyễn Bá Đam thì giải thích do bị cán bộ lấy lời khai dụ cung. Cả 3 bị cáo đều có đơn xin khai lại trước khi phiên xử sơ thẩm diễn ra.

Theo cáo trạng 2 hạng mục “Hệ thống xử lý nước thải” và "Khu tiếp nhận và phân tích rác” thực tế là do Công ty Huê Thành đã thực hiện theo hợp đồng số 50/2010 giữa Công ty Công Lý và Công ty Huê Thành. Tuy nhiên, 3 bị cáo đã lập hồ sơ khống rằng hạng mục "Hệ thống xử lý nước thải" do Công ty Công Lý tự thực hiện, còn hạng mục "khu tiếp nhận và phân tách rác" là do Công ty Thiên Tân thực hiện. Sau đó dùng hồ sơ này đề xuất Nhà nước hỗ trợ 50% theo Nghị định 04/2009.

Bị cáo Tô Công Lý cho rằng "Hệ thống xử lý nước thải" có 2 hệ thống, một do Công ty Huê Thành thi công và một còn lại do Công ty Công Lý tự thực hiện và hiện nay nó vẫn đang hoạt động trong Nhà máy rác thành phố Cà Mau.

Với hạng mục "Khu tiếp nhận và phân tách rác", cả 3 bị cáo đều thừa nhận có sai về thủ tục là nhờ Công ty Thiên Tân đứng tên đơn vị thi công nhưng thực chất là do Công ty Công Lý tự thực hiện. Hiện công trình này cũng đang sử dụng bình thường.

Trả lời các luật sư, Đại diện Sở Tài chính tỉnh Cà Mau khẳng định, khi tiếp nhận hồ sơ xin hỗ trợ 50% từ Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau đã rà soát kỹ lưỡng, qua nhiều cơ quan sở ngành tỉnh, không có phát hiện hạng mục nào trong Nhà máy rác này được lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ 2 lần.

Hôm nay, 29/3 phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau sẽ tiếp tục. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ