Vụ án lừa dối khách hàng: Đại gia 'điếu cày' khai gì trước tòa?

GD&TĐ - Hàng trăm hộ dân là khách hàng mua nhà ở CT6 Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) nhưng không được cấp sổ đỏ đã đến tòa đòi quyền lợi.

Bị cáo Lê Thanh Thản tại tòa ngày 10/8.
Bị cáo Lê Thanh Thản tại tòa ngày 10/8.

Do… “quên” làm các thủ tục

Ngày 10/8, Tòa án nhân dân (TAND) Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa dối khách hàng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” với bị cáo Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh (Tổng Giám đốc Công ty Bemes). Trong vụ án, bị cáo Lê Thanh Thản bị truy tố, xét xử về tội Lừa dối khách hàng.

Thẩm phán Lưu Ngọc Cảnh làm chủ tọa phiên tòa. Hai kiểm sát viên Viện KSND Hà Nội thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử tại phiên tòa. Có 143 bị hại có mặt tại tòa. 21/102 người có quyền lợi liên quan có mặt tại tòa.

Hầu tòa cùng với bị cáo Lê Thanh Thản còn có 6 bị cáo khác: Đỗ Văn Hưng (SN 1968, cựu Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội), Nguyễn Duy Uyển (SN 1964, cựu Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng), Bùi Văn Bằng (SN 1969, cựu Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng), Nguyễn Văn Năm (SN 1965, cựu Chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông), Vương Đăng Quân (SN 1958, cựu Phó Chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông) và Mai Quang Bài (SN 1960, cựu cán bộ Thanh tra xây dựng quận Hà Đông). Các bị cáo này bị xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Khoảng 9 giờ sáng, bị cáo Lê Thanh Thản đến tòa trong bộ quần áo kẻ caro màu sáng, ngồi ở hàng ghế đầu dành cho các bị cáo.

Trả lời HĐXX, bị cáo Lê Thanh Thản cho biết, tiền thân của Công ty Bemes là doanh nghiệp của Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, được mua lại của một công ty thuộc Hà Tây cũ (năm 2008, 2009).

Công ty Bemes đã lập quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 Dự án CT6 Kiến Hưng. Năm 2008, UBND tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội) ra Quyết định số 1610/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 Dự án Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại BEMES.

Bị cáo Thản cho biết: Thời điểm năm 2010, do công ty không kinh doanh mảng khách sạn nữa nên đã có văn bản tới UBND Hà Nội xin chuyển đổi tòa C1, C2, C3 sang thành căn hộ để ở. “Sau khi làm văn bản gửi UBND thành phố để chuyển đổi công năng sử dụng tòa nhà thì doanh nghiệp đã bắt tay làm ngay. Sau đó không làm tiếp các văn bản liên quan nên mới dẫn đến sai phạm”, bị cáo Thản nói.

Tại tòa, bị cáo Thản cho rằng Dự án CT6 Kiến Hưng chỉ sai về công năng chứ không sai về quy hoạch. Bị cáo nhiều lần nói không nhớ về số tầng, cũng như diện tích xây dựng. Thực tế, theo quyết định đã được phê duyệt, 2 lô xây 31 tầng, nhưng thực tế thì Bemes xây 32 tầng.

Bị cáo Thản nói rằng công ty “quên” không làm các văn bản liên quan để gửi lên UBND thành phố chấp thuận chủ trương thay đổi công năng căn hộ. “UBND TP Hà Nội đã có văn bản đồng ý, nhưng phía công ty không tiếp tục theo đuổi vì nghĩ công trình xong rồi thì nghĩ như thế đã xong”, bị cáo Thản nói.

Về việc có biết vì sao 520 căn hộ không được cấp quyền sử dụng đất không, bị cáo Thản trả lời là có biết. “Phía công ty đang cố gắng tiếp tục làm việc với UBND TP Hà Nội xin cấp sổ đỏ cho dân”, bị cáo nói.

Về vấn đề thu lời bất chính hơn 481 tỷ đồng, bị cáo Thản cho biết, cáo trạng quy kết không đúng lắm. Vì theo bị cáo thì công ty đã nộp tiền sử dụng đất, tiền xây dựng… “Đề nghị quý tòa xem xét chỗ thu lợi bất chính này”, bị cáo nói.

Về phương án giải quyết, bị cáo Thản cho biết: Quá trình điều tra công ty đã lựa chọn phương án tự thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C Kiến Hưng để mua lại nhà hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó sẽ tự phá dỡ. Bị cáo cũng cho biết là đã thanh toán cho 13 căn hộ, số tiền được tính toán trên cơ sở hợp đồng chuyển nhượng.

Thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng

Có mặt tại tòa, một số bị hại không đồng ý với thỏa thuận bồi thường của Công ty Bemes. Đồng thời, họ đưa ra mức bồi thường khác, bao gồm bồi thường theo mức giá thị trường hiện tại, tổn thất về tinh thần sau quá trình hơn 10 năm đi đòi công lý và tiền đầu tư cơ sở vật chất trong căn hộ.

Sau khi nghe lời khai của ông Thản và một số bị hại, Chủ tọa phiên tòa công bố tạm nghỉ để hội ý. Sau khi hội ý, HĐXX cho biết xét thấy có một số nội dung không thể làm rõ tại phiên tòa, do vậy quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.

HĐXX thông báo cho những người bị hại, người liên quan... chưa có lời khai, chưa trình báo thì liên hệ CQĐT Công an Hà Nội để gửi đơn, nộp tài liệu chứng cứ, từ đó được đưa vào tham gia tố tụng.

Trong thời gian điều tra bổ sung, các bị hại đã được đưa vào tham gia tố tụng thì liên hệ với CQĐT, bị cáo Thản (đang được tại ngoại) và Công ty Bemes để giải quyết. Ngay sau tuyên bố của HĐXX, một số bị hại đã phản ứng, họ mong muốn được giải quyết quyền lợi sớm.

Theo cáo trạng, Dự án CT6 Kiến Hưng chỉ được UBND tỉnh Hà Tây (nay là UBND Hà Nội) quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 (tại Quyết định 1610 ngày 13/6/2008), UBND Hà Nội không quyết định điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 dự án. Công ty Bemes được UBND Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện Dự án CT6 Kiến Hưng theo quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 tại Quyết định 1610.

Tuy nhiên, từ tháng 10/2010, ông Lê Thanh Thản là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Công ty Bemes đã chỉ đạo tổ chức thi công xây dựng công trình Dự án CT6 Kiến Hưng vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 đã được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt. Đến tháng 11/2012 công trình hoàn thành, từ tháng 1/2013 bàn giao cho các hộ dân vào sinh sống.

Cáo trạng xác định việc xây dựng dự án đã vi phạm nghiêm trọng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể, đối với khối nhà cao tầng đã làm tăng diện tích xây dựng, tăng chiều cao công trình, thay đổi công năng sử dụng; xây dựng tăng căn hộ và xây thêm 1 tòa CT6C không nằm trong quy hoạch được duyệt. Đối với nhà thấp tầng, tăng diện tích đất được xây dựng và số căn thấp tầng, vi phạm chỉ giới đường đỏ.

Từ tháng 3/2011, ông Thản đã quảng cáo gian dối về tính pháp lý của dự án để bán các căn hộ tại Dự án CT6 Kiến Hưng.

Cáo trạng quy kết, ông Lê Thanh Thản đã bán 488 căn hộ khi không được công nhận quyền sử dụng đất, thu lời bất chính số tiền 481 tỷ đồng. Đến nay, chỉ có 934 trong số 1.582 căn tại CT6 Kiến Hưng được cấp giấy chứng nhận sở hữu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.