'Vòm sắt' cho châu Âu

GD&TĐ - Một hệ thống phòng không chung đã được các nước châu Âu bàn thảo sau khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Cuộc xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas đang đặt ra những thách thức an ninh mới cho châu Âu, khiến khu vực này xúc tiến xây dựng cho mình một “Vòm sắt” để bảo vệ bầu trời tương tự như Israel đang có.

Trong diễn biến mới nhất, hôm 22/5, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết, ông và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang làm việc về kế hoạch tạo dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa có tên gọi “Lá chắn Bầu trời châu Âu” (ESSI).

Nhà lãnh đạo Ba Lan cho biết, việc tạo ra một Vòm sắt để chống lại tên lửa và máy bay không người lái đe dọa châu Âu là điều cần thiết trong bối cảnh an ninh có nhiều thách thức mới như hiện nay.

Những vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của các lực lượng thù địch nhà nước Do Thái như Hamas, Iran, Hezbollah nhằm vào Israel thời gian qua đã chứng minh hiệu quả của hệ thống phòng không đặc biệt này.

Hệ thống Vòm sắt có độ phức tạp cao và chi phí cực lớn, trong đó ngoài các loại tên lửa phòng không đòi hỏi cần có hệ thống vệ tinh và trinh sát tối tân hỗ trợ.

Một lưới phòng không như vậy bảo vệ Israel vốn là quốc gia có diện tích khá khiêm tốn đã tiêu tốn một khoản ngân sách duy trì và vận hành khổng lồ hàng năm. Còn đối với một khu vực rộng hơn nhiều như cả châu Âu thì chi phí chắc chắn sẽ lớn hơn gấp bội.

Tuy nhiên, Thủ tướng Ba Lan khẳng định một “Vòm sắt” cho châu Âu dù có phức tạp và tốn kém thế nào thì đây vẫn sẽ là một “kế hoạch thực tế” chứ không phải là “một giấc mơ”.

Trong một trong những bước đi cụ thể đầu tiên là việc Chính phủ Ba Lan và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã ký một hợp đồng trị giá 300 triệu euro (326 triệu USD) để xây dựng một hệ thống trinh sát chuyên dụng cho Ba Lan, có thể được tích hợp vào mạng lưới chung hiện có của EU.

Ba Lan đang tỏ ra nhiệt tình với việc xây dựng một Vòm sắt là cho châu Âu, nhưng nhà lãnh đạo đi tiên phong trong ý tưởng này lại là Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ông đề xuất việc xây dựng “Lá chắn Bầu trời châu Âu” (ESSI) hồi tháng 8/2022 trong bối cảnh Nga đang tăng cường các vụ tấn công bằng đường không vào Ukraine, làm lộ rõ nhiều hạn chế trong công tác phòng không của nước này cũng như châu Âu. Tới tháng 12/2022, Thủ tướng Đức nêu ra thời gian cụ thể mà ông kỳ vọng là một Vòm sắt cho châu Âu sẽ được hình thành trong vòng 5 năm tới.

Tới tháng 4/2024, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk khẳng định nước này quan tâm đến việc tham gia ESSI và việc ký kết thỏa thuận trên là một trong những bước đi của tiến trình này. Đây cũng là một động thái thay đổi tại Ba Lan vì chính phủ tiền nhiệm của ông Donald Tusk do đảng Luật pháp và Công lý (PiS) lãnh đạo đã từng từ chối tham gia kế hoạch Vòm sắt cho châu Âu.

Vòm sắt của Israel đi vào hoạt động từ năm 2011 có khả năng theo dõi, đánh chặn và tiêu diệt tên lửa và máy bay không người lái xâm phạm không phận. Hệ thống này có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và đối phó với nhiều mối đe dọa cùng lúc. Hồi tháng 4 vừa qua, hệ thống này đã bảo vệ Israel trước cuộc tấn công của khoảng 300 tên lửa và máy bay không người lái phóng từ Iran. Đây chính là động lực để các nước châu Âu xúc tiến việc trang bị cho mình một hệ thống tương tự dù đã lường trước mức độ tốn kém và phức tạp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.