Vòi trứng và các bệnh lý liên quan

GD&TĐ - Vòi trứng còn có các tên gọi khác là vòi tử cung hay ống dẫn trứng. Đây là một tổ chức hình ống, lòng rỗng, có cấu tạo 3 lớp.

Minh họa: INT
Minh họa: INT

Đóng vai trò “cầu nối” trong hệ thống cơ quan sinh sản của phái đẹp, vòi trứng thường là nơi mà “Chàng Adam” gặp “Nàng Eva” để hình thành nên một mầm sống mới cho tương lai. Tuy nhiên, chiếc cầu nối này nhiều lúc cũng bị hỏng hóc và gây hậu quả nghiêm trọng.

Vai trò lưu thông quan trọng

Vòi trứng còn có các tên gọi khác là vòi tử cung hay ống dẫn trứng. Đây là một tổ chức hình ống, lòng rỗng, có cấu tạo 3 lớp. Từ ngoài vào trong, gồm lớp cơ, lớp thanh mạc và lớp niêm mạc.

Tuy có chiều dài khiêm tốn, khoảng 9 - 12cm, nhưng ống dẫn trứng chia thành 4 phần với sự phân công cụ thể: Phần phễu - có nhiệm vụ đón trứng, phần tua - có nhiệm vụ “chụp” bắt trứng và phần bóng - khoảng 7cm và to nhất tạo không gian gặp gỡ giữa trứng và tinh trùng và phần eo - khoảng 3cm, là cửa dẫn vào bên trong lòng tử cung.

Nói một cách khái quát thì, một đầu của ống dẫn trứng nối thông với tử cung, đầu kia tự do và xòe ra trong ổ bụng hướng về phía buồng trứng để “hứng” trứng chín và rụng. Mỗi người phụ nữ bình thường đều có 2 vòi trứng nằm ở hai bên tử cung.

Hằng tháng, nang trứng sinh ra trứng chín và rụng vào khoảng giữa chu kỳ kinh nguyệt. Vòi trứng đóng vai trò như là một chiếc cầu nối. Khi đón được trứng rụng, trứng di chuyển dần qua vòi trứng để đến lòng tử cung.

Trong quá trình di chuyển, nếu trứng gặp tinh trùng và thụ tinh thì khi vào trong lòng tử cung làm tổ nằm lại, nếu không thụ tinh được, trứng sẽ thoái hóa và bị đào thải ra bên ngoài.

Do đảm nhận vai trò lưu thông quan trọng và mang tính duy trì nòi giống nên khi xảy ra bất cứ tổn thương nào cho vòi trứng đều gây ra sự cản trở nghiêm trọng cho việc trứng di chuyển từ bên trong ra và tinh trùng di chuyển từ ngoài vào để “gặp gỡ” và thụ tinh. Từ đó, làm giảm hoặc triệt tiêu khả năng mang thai của người phụ nữ và gây ra hiện tượng hiếm muộn hoặc vô sinh.

Các bệnh lý thường gặp

Các nghiên cứu cho thấy, có đến khoảng 30% trường hợp vô sinh liên quan đến “một vấn đề” nào đó của vòi trứng. Nhiều trường hợp bệnh lý ở vòi trứng do đến muộn nên phải phẫu thuật cắt bỏ cả hai vòi trứng và người phụ nữ không còn khả năng mang thai tự nhiên được nữa. Sau đây là một số bệnh lý thường gặp liên quan đến vòi trứng:

Viêm vòi trứng hay viêm ống dẫn trứng là do vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài vào. Thường là do quan hệ tình dục không an toàn. Các loại vi khuẩn hay gặp là Chlamydia hoặc vi khuẩn gây bệnh lậu.

Đây là bệnh lý thuộc nhóm bệnh viêm vùng chậu. Viêm vòi trứng có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên. Nếu không được điều trị hiệu quả, bệnh có thể gây hiếm muộn, vô sinh hoặc đau vùng chậu kéo dài và trở thành mạn tính.

Mang thai ngoài tử cung (GEU: Grossess Extra Utérine) hay chửa ngoài tử cung là hiện tượng trứng đã thụ tinh trong vòi trứng không di chuyển đến làm tổ trong lòng tử cung mà vì một lý do nào đó trứng thụ tinh lại “lót ổ” ngay tại vòi trứng.

Khi phôi thai ngày càng phát triển, vòi trứng không đủ sức chịu đựng, nên “vỡ ổ”. Nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, tính mạng người mẹ bị đe dọa tử vong vì sự mất máu cấp tính.

Thai ngoài tử cung ngoài vị trí thường thấy là ống dẫn trứng, phôi thai có thể phát triển tại các vị trí bất thường khác như ở cổ tử cung, sẹo mổ cũ từ phẫu thuật mổ lấy thai của lần sinh trước hoặc vết mổ khác ở thân tử cung, ở dây chằng tử cung. Trong trường hợp hiếm, phôi thai đi lạc vào ổ bụng và phát triển tại đó. Tất cả các trường hợp này đều tạo nên hiện tượng thai ngoài tử cung.

Tắc vòi trứng: Đây là tình trạng ống dẫn bị tắc nghẽn, gây ra hiện tượng ứ dịch bên trong. Do tắc vòi trứng, tinh trùng và trứng không bao giờ có cơ hội để gặp nhau. Các thống kê cho thấy, có khoảng 20 - 25% phụ nữ hiếm muôn, vô sinh là do tắc ống dẫn trứng.

Xoắn ống dẫn trứng hay xoắn vòi trứng nhiều trường hợp xảy ra đồng thời với xoắn buồng trứng. Tình trạng này xảy ra làm cho lượng máu cung cấp đến bị giảm sút một cách nghiêm trọng và thậm chí thiếu máu hoàn toàn gây hoại tử với biểu hiện bên ngoài là những cơn đau dữ dội. Các trường hợp xoắn ống dẫn trứng đều gây ảnh hưởng đến thụ thai và sinh sản.

Ung thư vòi trứng: Trường hợp bệnh lý này thường gặp ở người cao tuổi vào thời kỳ sau mãn kinh, tắc kinh. Đặc biệt là ở những người phụ nữ chưa bao giờ sinh con hoặc ở những người phụ nữ có yếu tố di truyền của gia đình về những căn bệnh ung thư. Ung thư vòi trứng là khởi điểm ban đầu cho bệnh ung thư buồng trứng.

voi-trung-va-cac-benh-ly-lien-quan1-6441-4167.jpg
Minh họa/INT

Cách phòng bệnh

Phụ nữ cần vệ sinh thân thể sạch sẽ, nhất là vệ sinh vùng kín. Đặc biệt lưu ý trong những ngày “đỏ đèn” của chu kỳ kinh nguyệt. Thực hiện lối sống lành mạnh và tình dục an toàn. Khám phụ khoa định kỳ ít nhất 6 tháng một lần để sớm phát hiện ra các bất thường và ngăn chặn hiệu quả.

Các chuyên gia kết luận rằng, bất kể sự cố nào xảy ra ở vòi trứng đều gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của người phụ nữ. Do đó, ngay khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nào, cho dù đó là sự nghi ngờ thì chị em nên đi khám chuyên khoa Sản phụ càng sớm càng tốt. Nên nhớ rằng, nhiều trường hợp phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng do sự chậm trễ.

Một điều cần lưu ý, tất cả trường hợp giải quyết mang thai ngoài ý muốn đều có khả năng gây biến chứng, ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý và khả năng sinh sản trong tương lai. Do đó cần có những biện pháp tránh thai thích hợp để tránh các hậu quả đáng tiếc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine vận hành UAV PQ-20 Puma.

UAV RQ-20 của Mỹ không còn là bí mật

GD&TĐ - Các chuyên gia và kỹ sư Nga đã thu được các mẫu thiết bị quân sự phương Tây độc đáo, nghiên cứu và tìm kiếm các điểm yếu của chúng.

Minh họa/INT

Từ trang sách: Tiếng Việt muôn màu

GD&TĐ - Bởi sự thông dụng mà đôi khi khiến ta lại quên mất mình không phải lúc nào cũng sử dụng tiếng Việt đúng cách, hợp lí và hay.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hạnh phúc đơn sơ

GD&TĐ - Điều thú vị nhất là khi rời khỏi làng. Trước mặt chúng tôi, những cánh đồng lúa mì, ngô, lúa mạch trải dài vô tận.

Minh họa/INT

Cảm biến đo độ ngọt của xoài

GD&TĐ - Dựa trên cảm biến đo bước sóng, không cần tác động vào trái xoài, các nhà khoa học vẫn đo được lượng đường, nước, để đánh giá chất lượng trái cây.