Được nuôi dạy bởi một người cha có đầu óc nhạy bén với tư duy đi trước thời cuộc
Muốn nhắc tới những thành tựu của Võ Tắc Thiên, có một người không thể không nói đến, đó là cha của vị nữ Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Võ Tắc Thiên (624 - 705), tên thật là Võ Chiếu, còn gọi là Võ Mị Nương, hay sau gọi là Võ hậu, xuất thân từ một gia tộc họ Võ khá giàu có từ vùng Văn Thủy, Tinh Châu, nay là Thái Nguyên, Sơn Tây, Trung Quốc.
Cha bà là Võ Sĩ Hoạch, xuất thân trong một gia đình quý tộc danh tiếng ở Sơn Tây, ông nội Võ Hoa, từng nhậm Quận thừa Lạc Dương giàu có. Từ nhỏ, Võ Chiếu đã không giống các cô gái thời xưa thích thêu thùa, may vá hay làm các công việc nữ công gia chánh.
Thấy được điều đó, Võ Sĩ Hoạch cũng không ép buộc con gái phải làm một tiểu thư cành vàng lá ngọc theo truyền thống, mà lại khuyến khích Võ Chiếu học đọc, học viết và phát triển tư duy theo một cách đặc biệt, mà thời đó thường chỉ dành cho nam nhân.
Điều mà Võ Sĩ Hoạch đã làm, nếu thời nay có thể coi là chuyện bình thường, nhưng chính là đi ngược lại với tư tưởng thời bấy giờ là phụ nữ không cần phải học hành mà phải tập làm công việc nhà, bị nhiều người phản đối.
Cuộc đời rẽ bước ngoặt từ buổi trò chuyện bất ngờ
Năm 14 tuổi, Võ Chiếu được nhập cung, trở thành một phi tần trong cung của vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Có lẽ cô gái nhỏ này sẽ mãi mãi chỉ là một bông hoa bình thường trong hàng ngàn bông hoa khác ở chốn thâm cung, nhưng có một sự kiện diễn ra đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của nàng.
Khi ấy, Võ Chiếu mới vào cung, còn phải làm việc ở bộ phận giặt ủi.
Một hôm, vua Thái Tông đi ngang qua nàng, Võ Chiếu thu hết can đảm bắt chuyện với vua, đây được coi như một hành động "làm liều" và hẳn là mà đa số các phi tần hay các cung nữ khác có mơ cũng không dám nghĩ tới.
Sau khi cùng nhau nói chuyện, vua Đường ngay lập tức bị thu hút bởi sự thông minh nhanh nhẹn của cô gái trẻ nên giữ lại bên mình. Nhờ thế, Võ Chiếu lập tức được phong chức Tài nhân, sớm hôm đàm đạo bên Hoàng đế, chuyện chính sự cũng được tham gia bàn luận vài phần.
Không chỉ có Đường Thái Tông, mà con trai của ông là Thái tử Lý Trị cũng bị thu hút bởi trí tuệ và sự thông minh của Võ Tắc Thiên đến nỗi, dù trong cung có hàng ngàn giai nhân khác, vẫn không thôi nhớ nhung về nàng dù danh chính ngôn thuận, Lý Trị đã có nương tử, và Võ Chiếu thì vẫn đang là thê thiếp của cha mình.
Về sau, khi Hoàng đế Đường Thái Tông qua đời vào năm 649, Lý Trị lên ngôi vua, lấy hiệu là Đường Cao Tông, đã chính thức biến Võ Chiếu trở thành phi tần của mình, phong là Võ Chiêu Nghi.
Sau khi ám hại Vương Hoàng hậu của Đường Cao Tông và trở thành người thế chỗ, Võ Chiêu Nghi được phong tước hiệu Võ Hoàng hậu, thường xuyên buông rèm nghe chuyện chính sự mỗi khi Đường Cao Tông thết triều, quyền lực không kém gì Hoàng đế.
Người duy nhất chi phối được Võ Tắc Thiên
Ảnh minh họa.
Địch Nhân Kiệt, tự Hoài Anh, là tể tướng nhà Võ Chu do Võ Tắc Thiên lập ra. Ông nổi tiếng bởi sự ngay thẳng chính trực và tài năng xuất chúng.
Dưới thời vua Đường Cao Tông, Địch Nhân Kiệt đã được thăng đến chức Đại Lý Thừa, cai quản toàn bộ chuyện lập pháp của đất nước.
Khi Võ Tắc Thiên xưng đế, lập nhà Võ Chu, Địch Nhân Kiệt nhanh chóng được chức quan lớn, tương đương với tể tướng.
Một lần, Võ Tắc Thiên cố ý muốn thử Địch Nhân Kiệt nên đã gọi ông đến và nói: “Thành tích của ngươi không tệ, tuy nhiên có người nói xấu ngươi trước mặt ta, ngươi có muốn biết người đó là ai không?”
Địch Nhân Kiệt nói: “Nếu như bệ hạ cho rằng thần sai ở chỗ nào thì thần đương nhiên sẽ thay đổi. Còn nếu như bệ hạ biết rõ thần không phạm sai lầm gì thì đó chính là may mắn của thần. Vì thế, ai nói xấu gì thần, thần cũng không muốn biết và cũng chẳng cần phải biết”.
Ở thời điểm đó, trong triều nổ ra mâu thuẫn giữa các quan, Địch Nhân Kiệt bị tố có âm mưu làm phản, theo lý phải chịu tội chết. Nhưng trái ngược với tính cách hung bạo, Võ Tắc Thiên chỉ giáng ông xuống làm huyện lệnh.
Nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên sau đó lại điều ông đi chống giặc Khiết Đan, giúp ông lập đại công để có cớ đưa trở lại triều.
Năm 698, hai cháu trai bên nhà ngoại của Võ Tắc Thiên là Võ Thừa Tự và Võ Tam Tư nhiều lần phái người tới gặp và thuyết phục nữ hoàng cho mình làm thái tử, với lý do tiếp nối và củng cố dòng tộc nhà họ Võ.
Trong lúc Võ Tắc Thiên còn phân vân, Địch Nhân Kiệt đã can thiệp và nói: “Nếu như bệ hạ lập con của mình làm thái tử thì ngàn vạn năm sau vẫn có thể được con cháu thờ phụng trong thái miếu, còn lập cháu ngoại làm thái tử thì từ xưa tới nay, chưa từng nghe có người cháu nào lên ngôi lại thờ phụng cô của mình trong thái miếu cả”.
Võ Tắc Thiên nghe xong cảm thấy rất khó chịu: “Đây là việc riêng của trẫm, khanh đừng có xen vào làm gì”. Nhưng với thái độ cương quyết của Địch Nhân Kiệt, Võ Tắc Thiên về sau cũng phải miễn cưỡng đồng ý, cho triệu hồi Đường Trung Tông Lý Hiển về cung làm thái tử.
Tin tưởng tể tướng Địch Nhân Kiệt,Võ Tắc Thiên lại nhờ ông tiến cử người tài. Trước khi qua đời vào năm 700, Địch Nhân Kiệt đã tiến cử nhiều người tài, như Trương Giản Chi, Diêu Sùng, Hoàn Ngạn Phạm và Kính Huy.
Nổi bật nhất trong số này là Trương Giản Chi, người sau này trở thành tể tướng, phát động cuộc chính biến, đưa Đường Trung Tông Lý Hiển trở lại ngôi vua thay cho Võ Tắc Thiên. Các sử gia hiện đại từng hết lời ca ngợi vai trò của Địch Nhân Kiệt, nói ông chính là người đã gián tiếp khôi phục lại tông thất nhà Đường.