- Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành thời trang chưa mấy phát triển, người mẫu Việt chỉ thích hoạt động tự do, tại sao chị vẫn thành lập công ty quản lý người mẫu?
- Công ty của tôi không hẳn là quản lý người mẫu mà hướng đến việc đào tạo. Tôi xây dựng Yes Models Academy theo mô hình Học viện người mẫu thì đúng hơn.
Tôi mở công ty với tư cách cá nhân, vốn liếng tự bỏ ra và quay vòng từ nguồn thu nhập của bản thân và các người mẫu. Tôi không đặt nặng vấn đề doanh thu. Công ty là đứa con tinh thầnmà tôi muốn nuôi dưỡng lớn dần lên mỗi ngày, chứ không đòi hỏi mang về thành quả hay lợi nhuận lập tức.
Võ Hoàng Yến thẳng thắn chia sẻ quan điểm cá nhân. |
Tôi cũng từng không được học nhiều về nghề. Thời điểm đó chỉ có các cuộc thi, sau khi được giải, các cô gái trở thành người mẫu và hoạt động tự do tại Việt Nam. Tôi nghĩ, đó là con đường không hợp lý.
Tuy nhiên, nếu có một trường đào tạo về chuyên môn, người mẫu khi ra trường sẽ tự tin và chuyên nghiệp hơn. Đây là sự khác biệt ở người mẫu qua trường lớp và tay ngang.
Từ kinh nghiệm từ chính bản thân, tôi và công ty mong muốn giúp đỡ các cô gái trẻ có ước mơ gắn bó với công việc người mẫu.
Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ, nghề người mẫu không cần phải học. Chỉ cần xinh đẹp, chân dài, biết diễn là có thể làm người mẫu. Đó là suy nghĩ sai lầm, thậm chí tư tưởng này còn in sâu đậm ở nhiều thế hệ người mẫu đang làm nghề. Đây cũng là lý do khiến tôi có thêm động lực để gắn bó với công việc hiện tại.
- Sau một năm thành lập, công ty của chị vẫn chưa có nhiều hoạt động đáng chú ý ngoài những ồn ào không đáng có. Chị dự định sẽ duy trì công ty theo hình thức nào?
- Công ty tôi có kế hoạch đường dài. Các người mẫu thuộc công ty yêu nghề, muốn gắn bó lâu dài với công việc, vì thế chúng tôi luôn tích cực trong các hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Chúng tôi đang có chiến lược xây dựng hình ảnh cá nhân cho từng thành viên công ty. Khi các bạn thành công, chúng tôi mới nghĩ đến lợi nhuận. Nguồn thu nhập chính hiện nay chủ yếu từ show chụp ảnh quảng cáo nhãn hàng và sự kiện.
Mọi người nghĩ làm người mẫu đơn giản nhưng thực tế không phải vậy. Có rất nhiều khó khăn và cần phải học hỏi. Những ai không am hiểu mới thấy dễ dàng. Là người nhiều kinh nghiệm, tôi nhận ra đây là công việc áp lực và nhiều thử thách. Để thành công, các bạn cần được đào tạo bài bản.
- Người mẫu trẻ thường chọn đầu quân ở công ty lớn, trong khi, công ty của chị còn non trẻ và chưa có nhiều hoạt động nổi bật. Chị làm thể nào để tạo uy tín và niềm tin?
- Những cái tôi đang có là kinh nghiệm, hết mình trong công việc và thành tích của nhiều năm gắn bó với nghề. Nếu người mẫu trẻ muốn hợp tác cùng tôi, họ cũng sẽ thấy được điều này. Năng lực và những cố gắng là niềm tin để tôi giúp họ trở thành người mẫu chuyên nghiệp.
Có rất nhiều người mẫu catwalk không ổn. 20 người mẫu thì chỉ có 1 đến 2 người trình diễn chấp nhận được. Đó là lý do khiến tôi muốn mở công ty đào tạo, giúp đỡ mẫu trẻ.
Tôi chỉ mong muốn mình làm tròn vai trò đào tạo tốt để thế hệ trẻ chuyên nghiệp, đẳng cấp hơn. Người ta nhìn vào sẽ thấy sự khác biệt của lớp mẫu được huấn luyện. Tôi chỉ nghĩ đơn giản như vậy.
- Nhiều người không có thiện cảm với nghề người mẫu, thậm chí họ cho rằng những cô gái xinh đẹp, chân dài thì lười lao động chân chính. Chị nghĩ sao?
- Tôi cảm thấy xấu hổ khi người ta nhìn nghề người mẫu không mấy thiện cảm. Hoặc đưa ra những nhận xét thiếu tôn trọng. Họ thường mặc định các cô gái xinh đẹp, chân dài là "đi khách", bán dâm, cặp kè đại gia.
Tôi từng gặp nhiều trường hợp, người ta chẳng cần nhìn vào thực lực của mình, chỉ cần nghe giới thiệu là người mẫu, họ đã đổi thái độ. Đa phần đều không coi trọng người mẫu, hoặc có thái độ xem thường.
Tôi đã trăn trở nhiều năm qua, lúc đó tôi nghĩ, sớm muộn gì cái ngày này cũng đến, showbiz hỗn loạn vì hội chứng lười lao động của các người đẹp.
Cù Ngọc Quý và Thanh Hoài là hai người mẫu thuộc công ty Võ Hoàng Yến. |
- Theo chị đâu là nguyên nhân khiến các người mẫu bị đẩy vào con đường không đúng đắn?
- Bên cạnh lý do khách quan như ngành thời trang không phát triển, người mẫu nên nhìn lại bản thân. Một số không thành công vì xem thường công việc, không gắn bó lâu dài, chưa hết mình với nghề và thiếu chí tiến thủ.
Nguyên do nữa là ngay từ lúc vào nghề, các cô gái đã xem nhẹ việc học nghề và nâng cao chuyên môn. Có học mới làm nghề và phát triển công việc. Đa số các người mẫu Việt đều học từ kinh nghiệm bản thân, thì phải mất 10 năm mới thành nghề. Ca sĩ, diễn viên đều đi học, người mẫu cũng thế.
Thực chất những người am hiểu và có kinh nghiệm lại thấy rằng việc học rất quan trọng, vì thế mới có các công ty đào tạo người mẫu, song bản thân người đi học cũng chưa thật sự hết mình và nghiêm túc. Hoặc có thể họ đến với nghề vì những mục đích khác. Tôi không rõ.
- Tuy nhiên quản lý người mẫu không đơn giản nếu không có sự cho phép của các đơn vị cấp cao. Việc thay đổi nên bắt đầu từ đâu thì hợp lý?
- Nên tổ chức một cuộc sát hạch trình độ của các công ty quản lý người mẫu để chọn ra một đơn vị đủ kinh nghiệm đào tạo, có đạo đức và kỹ năng làm nghề. Như vậy mới có thể làm thay đổi diện mạo làng mẫu Việt.
Đôi khi, sự ích kỷ của các công ty quản lý khiến người mẫu khó phát triển sự nghiệp. Cộng thêm, các người mẫu lại không đoàn kết, không có tinh thần vì cái chung và không đi vào quy củ.
Không một đất nước nào trên thế giới lại có nhiều người mẫu hoạt động tự do như ở Việt Nam. Vì không có công ty quản lý nên họ tùy sức phá giá. Đây cũng là nguyên do khiến cát-xê của người mẫu luôn thấp hơn các ngành nghệ thuật khác.
Đã đến thời điểm bắt buộc phải có một số đơn vị được cấp phép đào tạo người mẫu, cấp chứng chỉ hành nghề được công nhận bởi Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch. Thậm chí cần có những cuộc thi, test khả năng, vượt qua thì cấp bằng, rớt học lại. Tất cả đều dựa vào sự công bằng và tính khách quan.
Các công ty quản lý, đào tạo cũng cần phải xét duyệt, kiểm tra hàng năm.
- Khi nói ra những tồn đọng trong giới mẫu Việt, chị không lo ngại bị đồng nghiệp chê trách, cộng đồng mạng “ném đá” hay sao?
- Tôi không thể không lên tiếng. Tính tôi thẳng thắn, tôi nói thật thì bị mọi người ghét. Nhưng tôi không thể “mèo khen mèo dài đuôi”.
Chỉ những người không có tâm mới im lặng trước thực trạng hiện nay. Nhiều người bảo tôi thừa cơ hội nên phát ngôn gây chú ý. Nhưng sự việc liên quan, tôi mới lên tiếng vì tôi cũng là một người mẫu.
Mọi người cứ so sánh, nỗ lực cho bằng thế giới nhưng thực tế lại thua kém rất xa. Xin hãy nhìn vào thực tế để cùng cố gắng.