Vợ chồng cựu binh Australia sửa trường cho trẻ em Hội An

Thấy ngôi trường bỏ hoang trong khi trẻ không có chỗ học, vợ chồng cựu binh người Australia bỏ tiền sửa chữa, mua sắm đồ dùng học tập. 

Vợ chồng cựu binh Australia sửa trường cho trẻ em Hội An
Đều đặn cứ vài ngày bà Phan Thu Lan lại đến trường mầm non Trúc Xanh (xã Cẩm Kim, TP Hội An, Quảng Nam) thăm học sinh và hỏi cô giáo đã hết đồ ăn nhẹ để mang đến. Người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu, làn da rám nắng, chơi đùa với các em nhỏ khoảng 30 phút, sau đó đảo quanh kiểm tra trang thiết bị của trường. Đây là việc làm thường xuyên của bà trong mấy năm qua.

Bà Lan trước đây sống ở TP HCM, quen ông Roy Erle Hornsby nguyên là lính Australia tham chiến ở Việt Nam năm 1969-1970, đóng quân ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 2003, ông quay lại Việt Nam làm giảng viên thiết kế web, lập trình viên... ở Đại học Quốc tế RMIT (quận 7, TP HCM). Năm 2007, ông quen bà Lan và ba năm sau họ nên duyên vợ chồng.

Bà Lan và ôngông Roy Ẻrle Hornsby trong một lần phát quà tết cho học sinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Vợ chồng bà Lan trong trong một lần phát quà cho học sinh.

Hai người đi nhiều nơi chọn địa điểm sinh sống, năm 2014 khi đến Hội An thì yêu mến vùng đất này nên quyết định ở lại. Họ mua mảnh đất ở phường Cẩm Châu (TP Hội An) xây nhà ở. Bà dành một căn phòng mở tiệm nail (làm móng tay, móng chân), còn chồng làm thiết kế trang web.

Ngày họ làm nhà có nhiều người phụ nữ xã Cẩm Kim đến phụ hồ. Trong đó có một người thường xuyên nghỉ việc, bà Lan hỏi chuyện thì biết người này có con nhỏ, phải ở nhà trông. Tìm hiểu, bà Lan thấy trong thôn Trung Châu (xã Cẩm Kim), nhiều gia đình nghèo khổ, gửi con đến trường để đi làm thì phải đóng số tiền lớn. Có nhiều người đi làm, nhưng không đủ tiền đóng học phí cho con. 

Thấy một điểm trường với hai phòng học ở thôn Trung Châu bị bỏ hoang, bà Lan suy nghĩ nếu khôi phục thành trường mầm non thì sẽ chia sẻ khó khăn với người dân. Bà gặp chính quyền, biết lý do bỏ hoang là trường không có bếp ăn, cơ sở vật chất thiếu thốn. Các em học xong đến buổi ăn cơm phải đến điểm trường chính cách gần một km, hoặc học đến trưa cha mẹ đón về, chiều đưa đến trường. 

Bà Lan thường xuyên đến trường mầm non Trúc Xanh thăm bọn trẻ. Ảnh: Đắc Thành.

Bà Lan thường xuyên đến trường mầm non Trúc Xanh thăm bọn trẻ.

Được chính quyền đồng ý cho cải tạo trường, vợ chồng bà Lan kết nối với sinh viên để họ dọn dẹp cỏ cây; nhờ người vẽ, sơn lại tường, trần nhà. Hệ thống bếp nấu ăn cùng các thiết bị cũng được bà sắm sửa. "Ngôi trường mầm non Trúc Xanh đầu tư 215 triệu đồng, trong đó vợ chồng tôi đóng góp phần chính, còn lại kêu gọi mạnh thường quân", người phụ nữ 47 tuổi chia sẻ.

Lớp học có 18 trẻ từ 1 đến 3 tuổi với hai cô giáo chăm sóc. Mỗi em có một giường ngủ. Bà Lan thuê người trồng rau quanh khuôn viên trường, mỗi tháng cung cấp gần 30 kg cho bọn trẻ. "Hàng tháng tôi mua thêm thực phẩm bổ sung bữa ăn, trang thiết bị hư hỏng hoặc còn thiếu tôi sẽ khắc phục dần", bà Lan nói và cho hay học sinh thành phố có gì thì trẻ ở đây sẽ có như thế.

Song song với sửa trường, bà Lan bỏ tiền và kêu gọi nhiều nơi giúp đỡ đầu tư  cho các nhà văn hóa xã Cẩm Kim. Trong đó, khuôn viên nhà văn thôn Phước Thắng được đầu tư 15 triệu đồng lắp đặt các dụng cụ vui chơi cho trẻ em; nhà văn hóa thôn Trung Châu bà Lan hỗ trợ 50 triệu đồng và kêu gọi một trường đại học ở Canada và trường đại học ở Hà Nội đầu tư 52 triệu đồng xây dựng khuôn viên, lắp đặt thiết bị vui chơi giải trí.

Bọn trẻ vui chơi ở nhà văn hóa thôn Phước Thắng. Ảnh: Đắc Thành.

Bọn trẻ vui chơi ở nhà văn hóa thôn Phước Thắng.

Trường Tiểu học Cẩm Kim thiếu dụng cụ nấu bếp để học sinh học bán trú, bà Lan giúp đỡ tiền mua chén bát, xoong nồi. "Tương lai tôi sẽ đầu tư một bể bơi di động cho một trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật ở xã Điện Dương, thị xã Điện Bàn 60 triệu đồng", bà nói và cho hay sinh hoạt gia đình từ khoản thu nhập của chồng, còn bà làm được bao nhiêu sẽ dành hết đầu tư cho trường học. 

Trưởng thôn Trung Châu, ông Huỳnh Ngọc Dũng cho biết xã Cẩm Kim nghèo nhất Hội An. Bà Lan hỗ trợ sửa chữa trường, giúp cho những người có thu nhập thấp thuận lợi gửi con. "Ngôi trường đã giảm gánh nặng cho những gia đình nghèo. Trường chỉ thu tiền học phí trả cho giáo viên, các khoản tiền ăn, cơ sở vật chất không phải đóng", ông nói.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ