Một trong những câu hỏi dai dẳng nhất về y tế là tại sao một số bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng tới nam nghiêm trọng hơn nhiều so với nữ.
Nam giới bị lao khả năng tử vong cao gấp 1.5 lần nữ, khả năng tiến triển thành ung thư cao gấp 5 lần nếu bị sùi mào gà (virus HPV).
Bây giờ, các nhà khoa học tin rằng họ đã tìm ra nguyên nhân: Nữ giới có khả năng lây truyền mạnh hơn, nên virus đã tiến hóa giữ cho họ sống lâu hơn nam để tiếp tục lây lan.
“Virus có thể đã tiến hóa để ít gây nguy hiểm hơn cho phụ nữ” – Tiến sĩ Francisco Úbeda ở đại học Royal Holloway, Anh, giải thích.
“Virus muốn được truyền từ mẹ sang con, qua sinh nở hoặc cho con bú”.
Thực chất, mục đích chính của virus là muốn được sinh sôi và lây lan từ cơ thể này sang cơ thể khác, chứ không phải muốn làm cho cơ thể bị bệnh.
Mục đích chính của virus là muốn được sinh sôi và lây lan từ cơ thể này sang cơ thể khác
Các triệu chứng bệnh chỉ là một hiện tượng dễ quan sát khi ta bị nhiễm trùng, và đó là tác dụng phụ không may, vì nếu cơ thể bệnh bị nằm liệt giường hoặc chết, họ không thể “giúp” virus tiếp tục lây lan.
“Khiến cơ thể bị bệnh không phải là mục đích chính của virus, vì nếu virus làm thế chẳng khác gì tự bắn vào chân mình” – Nhà nghiên cứu Vincent Jansen giải thích.
Điều đó có nghĩa, nếu một virus có khả năng lây lan từ người sang người, bao gồm cả từ mẹ sang con, nó sẽ không muốn hạ gục phụ nữ, bởi cơ hội truyền nhiễm cho người khác và cho con cái của phụ nữ cao hơn nam giới. Vì nam giới khó truyền sang cho con vì không mang thai, sinh con hoặc cho con bú.
Úbeda và nhóm của ông nghiên cứu những phản ứng của người bệnh, và tìm hiểu thêm cả những chiến lược của mầm bệnh để tìm ra lí do các mầm bệnh “ưu ái” phụ nữ hơn đàn ông.
Nhóm nghiên cứu phát triển một mô hình toán học cho việc lây bệnh giữa nam và nữ để tìm ra chiến lược tối ưu của một số virus đang được nghiên cứu.
Họ tập trung nghiên cứu với virus siêu vi trùng bạch cầu HTLV-1, có ở Nhật, vùng Caribe và Tây Phi.
Kết quả cho thấy, khả năng tiến triển lên bệnh bạch cầu ở nam giới Nhật bản cao gấp 3.5 lần phụ nữ Nhật. Trong khi đó ở Caribe, tỉ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ là tương đương.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, tập quán sinh hoạt khác nhau giữa 2 vùng có thể giải thích được kết quả.
HTLV-1 lây truyền qua đường tình dục hoặc từ mẹ sang con trong thời kỳ cho bú. Bởi vì phụ nữ Nhật cho con bú nhiều hơn, và lâu hơn so với phụ nữ Caribe, nên tỉ lệ chênh lệch do virus có nhiều cơ hội lây sang trẻ con Nhật hơn Caribe.
Nhưng giả thiết này chưa giải thích được một chi tiết quan trọng: Làm thế nào mà virus hay vi khuẩn biết được nó đang ở trong cơ thể đàn ông hay phụ nữ?
Jansen đã giải thích với New Scientist, có thể virus “cảm nhận” được những nội tiết tố, chất hóa học khác nhau giữa cơ thể một người đàn ông với một phụ nữ.
Đó sẽ là vấn đề mà khoa học sẽ phải giải quyết sớm. Từ đó sẽ có một giải pháp để giảm bớt tác hại của virus lên nam giới bằng cách đánh lừa virus rằng nó đang ở trong cơ thể của một phụ nữ.