Bệnh do virus Marburg lây nhiễm thế nào?

GD&TĐ - Bệnh do virus Marburg có tỷ lệ tử vong cao, con số ghi nhận được trong các đợt bùng phát trước đây là 24% đến 88%.

Con người thường bị nhiễm bệnh từ virus Marburg này sau khi tiếp xúc lâu với các mỏ hoặc hang động nơi các đàn dơi Rousettus sinh sống. Ảnh: NBC.
Con người thường bị nhiễm bệnh từ virus Marburg này sau khi tiếp xúc lâu với các mỏ hoặc hang động nơi các đàn dơi Rousettus sinh sống. Ảnh: NBC.

Theo thông tin chia sẻ của TS.BS Phùng Mạnh Thắng - Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy, virus Marburg (MVD) là một loại RNA virus thuộc họ Filovirus, gây bệnh sốt xuất huyết tương tự như Ebola.

Virus Marburg lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1967, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt (Đức) cũng như ở Belgrade, Nam Tư (nay là Serbia).

Từ 7/1/2023 đến 21/2/2023, đã ghi nhận 9 trường hợp nghi ngờ nhiễm virus MVD tại Guinea Xích Đạo (Tây Phi), trong đó có 1 ca đã xác nhận bằng xét nghiệm, tất cả các ca đều `qqtử vong.

Virus Marburg gây ra các triệu chứng sốt xuất huyết. Ảnh: India Times.

Virus Marburg gây ra các triệu chứng sốt xuất huyết. Ảnh: India Times.

Virus có thể lây nhiễm từ động vật sang người do tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của động vật nhiễm bệnh, lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của người bệnh hoặc các bề mặt nhiễm mầm bệnh.

Thời gian ủ bệnh dao động từ 2 đến 21 ngày, bắt đầu với sốt cao, ớn lạnh, đau đầu dữ dội, đau cơ.

TS.BS Phùng Mạnh Thắng - Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin những điều cần biết về virus Marburg. Ảnh: BV.
TS.BS Phùng Mạnh Thắng - Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin những điều cần biết về virus Marburg. Ảnh: BV.

Khoảng ngày thứ năm sau khi khởi bệnh, có thể xuất hiện ban dát sẩn, nổi rõ nhất trên thân (ngực, lưng, bụng). Buồn nôn, nôn, đau ngực, đau họng, đau bụng và tiêu chảy có thể xuất hiện.

Các triệu chứng ngày càng trở nên nghiêm trọng và có thể bao gồm vàng da, viêm tụy, sụt cân nghiêm trọng, mê sảng, sốc, suy gan, xuất huyết ồ ạt và rối loạn chức năng đa cơ quan. Chẩn đoán lâm sàng gặp khó khăn do bệnh này có triệu chứng tương tự như các bệnh truyền nhiễm khác (sốt rét, thương hàn, sốt xuất huyết do Ebola…).

​Cảnh giác phòng ngừa lây nhiễm

TS.BS Phùng Mạnh Thắng khuyến cáo: Cần cảnh báo cho mọi người về khả năng lây nhiễm của bệnh. Tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam thông qua khai thác tiền sử dịch tễ và triệu chứng lâm sàng.

Yếu tố dịch tễ: Đi về từ khu vực Tây Phi hoặc có tiếp xúc với ca nghi ngờ hoặc ca xác định MVD mà không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp.

Triệu chứng lâm sàng: sốt cao, ớn lạnh, đau đầu dữ dội, đau cơ, ban dát sẩn, nổi rõ nhất trên thân (ngực, lưng, bụng), buồn nôn, nôn, đau ngực, đau họng, đau bụng và tiêu chảy,…mà không lý giải được đầy đủ bệnh lý lâm sàng bằng một nguyên nhân khác.

Đồng thời, lập tức tiến hành cách ly người bệnh. Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân phòng ngừa lây truyền qua đường tiếp xúc và giọt bắn. Tăng cường vệ sinh các bề mặt hay tiếp xúc (2 lần/ngày) và vệ sinh khi bẩn.

Áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa theo đường lây: Tăng cường thực hiện vệ sinh tay (theo 6 bước, 5 thời điểm). Các khoa có khả năng tiếp nhận bệnh nhân MVD cần dự trù phương tiện phòng hộ cá nhân: áo choàng hoặc tạp dề dài tay, găng tay, khẩu trang, tấm chắn… Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi tiếp xúc với ca nghi ngờ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.