Tới dự và chỉ đạo đại hội có đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; đồng chí Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; đại diện một số Ban Đảng; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thành phố trong tỉnh và 266 đại biểu đại diện cho trên 8.600 đảng viên toàn Đảng bộ huyện.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Lập Thạch đã phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, thực hiện nhiều giải pháp hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đề ra. Trong 5 năm qua, huyện luôn duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 15,7%, trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 6,7%, công nghiệp, xây dựng tăng 23,3%, dịch vụ tăng 13,5%. Giá trị sản xuất bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 83 triệu đồng/người/năm, vượt 13 triệu đồng so với mục tiêu Đại hội đề ra.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng; ngành dịch vụ giảm tỷ trọng. Đặc biệt, sản phẩm Thanh Long ruột đỏ của huyện là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Vĩnh Phúc xuất khẩu sang thị trường Úc, Nga, Malaysia. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 6.432 tỷ đồng; bình quân đạt 1.286 tỷ đồng/năm.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế có bước phát triển; an sinh xã hội được đảm bảo. Bình quân mỗi năm huyện giải quyết việc làm cho 3.500 lao động, xuất khẩu trên 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt chỉ tiêu Đại hội; tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm, cuối năm 2019 theo tiêu chí đa chiều còn 2,05%. An ninh, quốc phòng được đảm bảo.
Công tác xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Bình quân hằng năm, Đảng bộ huyện kết nạp 235 đảng viên, vượt mục tiêu Đại hội đề ra. Hằng năm có trên 92% tổ chức cơ sở đảng, trên 94% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Sau khi khai mạc, Đại hội đã thảo luận đề ra mục tiêu nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong đó phấn đấu giá trị sản xuất bình quân hằng năm tăng 14 – 15%. Đến năm 2025 đi vào hoạt động ít nhất 2 khu công nghiệp, thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng/năm; thu ngân sách nhà nước hàng năm tăng 15% trở lên; có 7 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, trong đó 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm từ 0,5 – 1%. Hằng năm kết nạp 180 – 200 đảng viên; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hàng năm đạt trên 85%; tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên bình quân hằng năm đạt 80%...
Phát biểu chỉ đạo đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ và nhân dân huyện Lập Thạch đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đồng thời, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các đại biểu dự Đại hội căn cứ các quy định, hướng dẫn của cấp trên và xuất phát từ thực tiễn của Đảng bộ huyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, sáng suốt lựa chọn, bầu cấp uỷ khoá mới đủ về số lượng, bảo đảm cơ cấu và chất lượng, gồm các đồng chí có đủ phẩm chất, bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm cao, có khả năng quy tụ đoàn kết, đủ sức gánh vác trọng trách mà Đảng bộ và nhân dân huyện giao phó.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đề ra, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan yêu cầu thời gian tới, Đảng bộ huyện Lập Thạch chú trọng đổi mới về nhận thức, phương thức lãnh đạo của Đảng, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ của Đảng bộ và đảng viên. Cùng với đó, căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030 và dựa vào tiềm năng, lợi thế của địa phương để định hướng phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp, nhất là khai thác lợi thế từ nguồn lao động, quỹ đất của huyện và khai thác triệt để nút giao Văn Quán trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút mạnh các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp; chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo, làm tốt công tác phân luồng học sinh kết hợp đào tạo nghề nhằm phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành nghề khác. Thực hiện tốt công tác quân sự địa phương, tăng cường giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tệ ma túy, cờ bạc nhằm tạo môi trường thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.